Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán bất ngờ có phiên tăng tốt nhất trong gần một năm
VN-Index tăng gần 40 điểm; Ngân hàng kín tiếng thưởng Tết Nhâm Dần; 'Siết van' và triển vọng chứng khoán 2022; Phát hành trái phiếu riêng lẻ: Trông chờ minh bạch thông tin; Dự báo điểm đến dòng tiền 2022; Fed có thể tiến hành 5 đợt tăng lãi suất trong năm nay …là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 25/1 tăng 550.000 đồng/lượng chiều mua vào và 600.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua. Vào cuối giờ chiều nay, giá vàng SJC tại Hà Nội đã giảm trở lại 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 61,90 – 62,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 7,6 USD lên 1.843,2 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng yếu dần do đồng USD mạnh lên và giảm về gần 1.838 USD/ounce vào cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 96,12 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/1 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.068 đồng/USD, tăng 6 đồng so với ngày hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 22.500 – 22.780 đồng/USD.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,07 USD (+1,28%), lên 84,38 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,23 USD (+1,43%), lên 87,50 USD/thùng.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua có nhịp hồi lên trên 36.500 USD, thì sang ngày hôm nay đã chững lại và giằng co, chạm ngưỡng 36.700 USD/BTC vào cuối ngày.
Chứng khoán trong nước
VN-Index có phiên tốt nhất trong gần 1 năm
Sau phiên sáng giảm điểm, thị trường bước vào phiên chiều đã đột ngột đổi sắc. Dòng tiền bắt đáy hoạt động tích cực giúp bảng điện tử đổi màu với sắc xanh chiếm ưu thế nhanh chóng. VN-Index tăng nhanh gần 1.480 điểm, tương ứng tăng gần 40 điểm khi đóng cửa.
Đây là phiên tăng mạnh nhất về điểm số kể từ phiên 17/2/2021, phiên đó, VN-Index tăng 40,85 điểm.
Ở nhóm bluechip đáng chú ý nhất là MSN, VRE và POW, khi cùng kết phiên ở mức giá trần.
Nhóm trụ cột ngân hàng tăng vọt với TPB +5,3%, BID +4,5%, VPB +4,3%, STB +4,2%, CTG +3,8% HDB +3,6%, TCB +3,2%, VCB +3%, SHB +3,9%, MSB +4,2%, EIB +3,3%, OCB +3% và LPB tăng kịch trần +7% lên 23.000 đồng.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6,77 triệu đơn vị với tổng giá trị bán ròng 188,46 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 25/1: VN-Index tăng 39,87 điểm (+2,77%), lên 1.479,58 điểm; HNX-Index tăng 9,47 điểm (+2,36%), lên 410,23 điểm; UpCoM-Index tăng 1,32 điểm (+1,24%), lên 108,03 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall đảo chiều tăng điểm đầy bất ngờ trong ngày giao dịch đầu tuần (24/1), dù đã có thời điểm lao dốc không phanh trong phiên.
Theo đó, Dow Jones có thời điểm giảm tới hơn 3,2%, Nasdaq Composite mất gần 5%, thậm chí S&P 500 có lúc đã rơi vào vùng điều chỉnh khi giảm tổng cộng 10% so với mức đỉnh gần nhất ngày 3/1.
Tuy nhiên, giới đầu tư đã ồ ạt bắt đáy chính nhóm cổ phiếu đã bị bán tháo ngay khi mở cửa là nhóm công nghệ và dòng tiền nhanh chóng lan tỏa mạnh đã giúp các chỉ số trên đóng cửa tăng điểm.
Kết thúc phiên 24/1, chỉ số Dow Jones tăng 99,13 điểm (+0,29%), lên 34.364,50 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,19 điểm (+0,28%), lên 4.410,13 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 86,21 điểm (+0,63%), lên 13.855,13 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng, do sự thận trọng của các nhà đầu tư đối với tình hình ở Ukraine, rủi ro lạm phát và lo ngại về việc Fed tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,66% xuống 27.131,34 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 20/8/2021. Chỉ số Topix giảm 1,72% xuống 1.862,62 điểm.
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã kéo lùi Nikkei 225 lớn nhất, với SoftBank Group mất 5,34%, Tokyo Electron giảm 2,69%, NIDEC giảm 4,44%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng, bởi tâm lý thị trường suy yếu do lo ngại Fed sẽ thắt chặt chính sách và những bất ổn chính trị quốc tế trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới.
Đóng cửa, Shanghai Composite mất 2,58% xuống 3.433,06 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 2,26% xuống 4.678,45 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2020.
Gần 94% cổ phiếu niêm yết trên thị trường cổ phiếu A của Trung Quốc đã giảm giá, theo dữ liệu từ nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính Wind.
Còn dữ liệu của Refinitiv cho thấy, dòng tiền hơn 148 triệu nhân dân tệ thông qua các chương trình kết nối chứng khoán, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng cổ phiếu A.
Phiên này, cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản giảm 3,3%, cổ phiếu năng lượng giảm 3,8%, trong đó, công ty khai thác than giảm 4,7%.
Cổ phiếu kim loại và chất bán dẫn tiêu dùng giảm khoảng 2,3% mỗi loại, trong khi cổ phiếu năng lượng mới giảm 2,5%.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, do các gã khổng lồ công nghệ và công ty tài chính kéo lùi, do lo ngại rằng Fed sẽ thắt chặt chính sách và căng thẳng địa chính trị gia tăng liên quan đến Ukraine.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,67% xuống 24.243,61 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises mất 1,79% xuống 8.503,35 điểm.
Chỉ số ngành công nghệ tiếp tục suy yếu, giảm 2,7%, trong đó hai gã khổng lồ Alibaba Group và Meituan lần lượt giảm 1,9% và 3%.
Chỉ số ngành tài chính giảm 1,8%, trong đó, các công ty lớn như bảo hiểm AIA Group và Ping An lần lượt giảm 3,1% và 5,7%.
Chứng khoán Hàn Quốc có phiên giảm mạnh, lo ngại về căng thẳng địa chính trị của Ukraine và chính sách tiền tệ của Mỹ gây hoang mang.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 71,61 điểm, tương đương 2,56%, xuống 2.720,39 điểm.
Trong số các cổ phiếu lớn, Samsung Electronics giảm 1,46% và SK Hynix giảm 0,84%, trong khi LG Chem giảm 4,17% và Naver giảm 1,98%.
Kết thúc phiên 25/1: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 457,03 điểm (-1,66%), xuống 27.131,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 91,04 điểm (-2,58%), xuống 3.433,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 412,85 điểm (-1,67%), xuống 24.243,61 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc giảm 71,61 điểm (-2,56%), xuống 2.720,39 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng kín tiếng thưởng Tết Nhâm Dần
Thông tin thưởng Tết Nguyên đán của nhân viên ngân hàng luôn là đề tài “nóng” được bàn luận sôi nổi dịp cuối năm, thế nhưng năm nay lại khác, các ngân hàng đều rất kín tiếng…>> Chi tiết
- "Siết van" và triển vọng chứng khoán 2022
Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục điều chỉnh giảm khi giới đầu tư lo ngại chính sách tiền tệ sẽ bị siết lại (Taper) cũng như lãi suất có khả năng tăng. Tại Việt Nam, câu chuyện này bắt đầu nhen nhóm và câu hỏi thị trường chứng khoán sẽ chịu tác động ra sao trong năm 2022 được nhiều nhà đầu tư quan tâm..>> Chi tiết
- Phát hành trái phiếu riêng lẻ: Trông chờ minh bạch thông tin
Hiện nay, các quy định pháp luật mới chỉ thắt chặt việc chào bán trái phiếu ra công chúng như doanh nghiệp có mức vốn điều lệ tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên, có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu từ đợt chào bán; sau khi kết thúc đợt chào bán phải cam kết và thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán…>> Chi tiết
- Dự báo điểm đến dòng tiền 2022
Theo một số chuyên gia và nhà đầu tư chuyên nghiệp, năm 2022, việc lựa chọn kênh đầu tư đòi hỏi nhiều chất xám và chọn ngành để đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng vậy..>> Chi tiết
- Fed có thể tiến hành 5 đợt tăng lãi suất trong năm nay
Lạm phát tăng nhanh có thể khiến Cục Dự trữ liên bang (Fed) quyết định thêm nhiều đợt tăng lãi suất khác và vượt suy đoán của các chuyên gia kinh tế, theo nhận định của Goldman Sachs..>> Chi tiết