Thị trường tài chính 24h: Giá vàng trong nước lao dốc mạnh

VN-Index giảm về gần 1.260 điểm; 'Săn' cổ phiếu doanh nghiệp hết khấu hao; Thoái vốn nhà nước: Bán buôn hơn bán lẻ; Kỳ vọng trước với cổ phiếu thủy điện; OECD: Các quốc gia giàu có đã đạt được mục tiêu tài trợ khí hậu 100 tỷ USD…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 31/5 giảm 1,8 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tiếp tục lao dốc và giảm thêm 1,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 1 triệu đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 83,00 – 87,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 24 USD xuống 2.336,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chững lại và giằng co quanh 2.330 USD/ounce cho đến cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,69 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 31/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.261 đồng/USD, tăng nhẹ 3 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.254 – 25.474 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 67.400 USD lên 68.700 USD thì sang ngày hôm nay đã chững lại giảm nhẹ về 68.200 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,08 USD (+0,10%), lên 77,97 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,36 USD (-0,44%), xuống 81,50 USD/thùng.

VN-Index giảm nhẹ

Trong bối cảnh lực cầu suy yếu, thị trường thiếu các nhóm dẫn dắt, trong khi áp lực bán luôn thường trực, đã khiến VN-Index chỉ chớm chạm 1.270 điểm trước khi đảo chiều, giao dịch lình xình trong biên độ hẹp xuyên suốt cả phiên đóng cửa giảm về gần 1.260 điểm.

Mặc dù vậy, tháng 5 này đã đảo ngược quan điểm xưa cũ, khi không còn là "Sell in May", mà đã trở thành “Buy in May”, khi VN-Index tăng tích cực từ vùng 1.209 điểm cuối tháng 4 lên 1.261 điểm, tương đương tăng 52 điểm.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 40,94 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 1.534,97 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 31/5: VN-Index giảm 4,6 điểm (-0,36%), xuống 1.261,72 điểm; HNX-Index giảm 0,92 điểm (-0,38%), xuống 243,09 điểm; UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,09%), lên 95,88 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ giảm vào thứ Năm (30/5), với cổ phiếu Salesforce giảm mạnh đè nặng lên Dow Jones, trong khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế đã tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến trong quý đầu tiên đã hỗ trợ khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Cổ phiếu Salesforce giảm 20%, sau khi công ty này dự báo lợi nhuận và doanh thu quý II thấp hơn ước tính, do nhu cầu đi xuống đối với các sản phẩm kinh doanh đám mây và doanh nghiệp.

Trong khi đó, một báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hơn trong quý đầu tiên so với ước tính trước đó, sau khi điều chỉnh giảm chỉ số chi tiêu tiêu dùng và một số tiêu chí khác.

Kết thúc phiên 30/5: Chỉ số Dow Jones giảm 330,06 điểm (-0,86%), xuống 38.111,48 điểm. Chỉ số S&P 500 31,47 điểm (-0,60%), xuống 5.235,48 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 183,50 điểm (-1,08%), xuống 16.737,08 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục từ mức thấp nhất trong một tháng, khi lợi suất trái phiếu Mỹ giảm sau khi một loạt dữ liệu cho thấy Fed có khả năng cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,14% lên 38.487,9 điểm và giảm 0,4% trong tuần nhưng tăng 0,2% trong tháng 5 này.

Chỉ số Topix tăng 1,7% lên 2.772,39 điểm, tăng 1,09% trong tuần và tăng 1,07% trong tháng 5.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản đã tăng lên 1,07%, nhưng đã rời khỏi mức đỉnh gần 13 năm là 1,1% vào thứ Năm.

Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào cuối ngày để tìm hướng đi tiếp theo.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất của nước này chậm lại.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,16% xuống 3.086,81 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,40% xuống 3.579,92 điểm.

Dữ liệu chính thức cho thấy, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc đã giảm từ 50,4 điểm xuống 49,5 điểm trong tháng 5, rơi vào lãnh thổ thu hẹp sau hai tháng mở rộng. Trong khi đó, chỉ số PMI phi sản xuất giảm nhẹ từ 51,2 điểm xuống 51,1 điểm.

Dữ liệu đáng thất vọng này bổ sung vào một loạt các dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế trị giá 18,6 nghìn tỷ USD đang phải vật lộn để hồi phục, làm xói mòn sự lạc quan trước đó sau dữ liệu thương mại và sản lượng công nghiệp tốt hơn dự kiến.

Các nhà phân tích cho rằng, những vấn đề trong lĩnh vực bất động sản đã có tác động tiêu cực trên diện rộng đối với nền kinh tế Trung Quốc và làm chậm nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chuyển mô hình tăng trưởng từ đầu tư dựa vào vay nợ sang tiêu dùng trong nước.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, sau khi dữ liệu PMI của Trung Quốc không đạt được kỳ vọng, cũng như sức ép từ nhóm cổ phiếu lớn.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,83%% xuống 18.079,61 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,09% xuống 6.392,58 điểm.

Cổ phiếu công nghệ bán dẫn và công nghệ liên quan đến tiêu dùng dẫn đầu đà giảm, với hai gã khổng lồ Alibaba giảm 1,83% và Meituan giảm 3,5%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng sau hai phiên giảm mạnh, nhờ lực cầu bắt đáy xuất hiện và và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm cũng nâng đỡ tâm lý thị trường.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 1,08 điểm, tương đương 0,04%, lên 2.636,52 điểm.

Trong tháng 5, KOSPI giảm 1,7%, sau khi mất 2% trong tháng Tư.

Kết thúc phiên 31/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 433,77 điểm (+1,14%), lên 38.487,90 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 4,86 điểm (-0,16%), xuống 3.086,81 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 150,58 điểm (-0,83%), xuống 18.079,61 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 1,08 điểm (+0,04%), lên 2.636, 52 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- “Săn” cổ phiếu doanh nghiệp hết khấu hao

Đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp hết khấu hao là một chiến lược hấp dẫn nhờ việc cải thiện lợi nhuận và khả năng chi trả cổ tức cao..>> Chi tiết

- Thoái vốn nhà nước: Bán buôn hơn bán lẻ

Trong các đợt thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phương thức bán lẻ ít được Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sử dụng, mà chủ yếu là bán buôn, tức bán cả lô cho các nhà đầu tư lớn..>> Chi tiết

- Kỳ vọng trước với cổ phiếu thủy điện

Nhờ lượng nước tích trữ lớn trong những tháng đầu năm và hiện tượng La Nina dự kiến sắp quay trở lại, hoạt động của các doanh nghiệp thủy điện được kỳ vọng sẽ tích cực kể từ cuối quý II/2024..>> Chi tiết

- OECD: Các quốc gia giàu có đã đạt được mục tiêu tài trợ khí hậu 100 tỷ USD

Hôm thứ Tư (29/5), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết các nước giàu đã đạt được mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD viện trợ khí hậu hàng năm cho các nước thu nhập thấp lần đầu tiên vào năm 2022, mặc dù muộn hơn hai năm so với cam kết..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-gia-vang-trong-nuoc-lao-doc-manh-post346334.html