Thị trường tài chính 24h: Nhiều cổ phiếu công ty chứng khoán đã tăng từ 38 - 189% từ đầu năm

VN-Index lên trên 1.245 điểm; Áp lực tỷ giá càng lớn, dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ càng thu hẹp; Bắt đáy 'cổ đất'; Cổ phiếu chứng khoán còn dư địa tăng; EC hạ dự báo tăng trưởng của EU trong khi lạm phát vẫn dai dẳng…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 12/9 giảm 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm thêm 50.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 68,05 – 68,77 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 3,1 USD lên 1.921,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng tiếp lên 1.925 USD, nhưng đã lùi về gần 1.920 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,75 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 12/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.981 đồng/USD, giảm 24 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.920 – 24.260 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng giảm về 25.100 USD thì sang phiên hôm nay đã hồi phục và lên trên 25.700 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,72 USD (+0,82%), lên 88,01 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,69 USD (+0,76%), lên 91,33 USD/thùng

VN-Index tăng gần 22 điểm

Sau phiên sáng giao dịch đầy thận trọng, lực cầu đã trở lại rất nhanh vào thị trường và tìm đến nhóm cổ phiếu manh nha tăng tốc cuối phiên sáng là công ty chứng khoán, kéo hàng loạt mã trong nhóm này tăng mạnh.

Với động lực từ nhóm chứng khoán, sắc xanh cũng đã lan tỏa rộng trên bảng điện tử, đóng cửa với hơn 400 mã tăng, qua đó, giúp VN-Index tăng gần 22 điểm khi đóng cửa.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 6,47 triệu đơn vị, giá trị mua ròng đạt 148,85 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 12/9: VN-Index tăng 21,82 điểm (+1,78%), lên 1.245,44 điểm; HNX-Index tăng 4,99 điểm (+1,98%), lên 256,32 điểm; UpCoM-Index tăng 0,56 điểm (+0,6%), lên 94,27 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên thứ Hai (11/9), với chỉ số Nasdaq đầy tích cực nhờ cổ phiếu Tesla tăng mạnh do sự lạc quan xung quanh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát sẽ công bố vào cuối tuần này.

Cổ phiếu Tesla đã tăng tới 10%, sau khi Morgan Stanley nâng cấp cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô điện lên "tăng tỷ trọng" và cho biết siêu máy tính Dojo của Tesla có thể tăng giá trị thị trường của công ty này lên gần 600 tỷ USD.

Nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng trong tuần, sau một loạt dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến hồi tuần trước đã làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể nâng lãi suất nhiều hơn so với dự báo trước đó.

Kết thúc phiên 11/9: Chỉ số Dow Jones tăng 87,13 điểm (+0,25%), lên 34.663,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,97 điểm (+0,67%), lên 4.487,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 156,37 điểm (+1,14%), lên 13.917,90 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản hồi phục, với các nhà sản xuất ô tô dẫn đầu mức tăng, khi đồng yên giảm từ mức cao nhất trong một tuần.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,95% lên 32.776,37 điểm. Chỉ số tăng 0,82% ở mức 2.379,91 điểm.

Đồng yên Nhật và cổ phiếu thường di chuyển theo hướng ngược lại, vì đồng tiền mạnh hơn làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của các nhà xuất khẩu.

Trước đó, đồng yên mạnh lên và lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản đạt mức cao nhất trong nhiều tháng vào thứ Hai, sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda báo hiệu sự kết thúc của chính sách lãi suất âm.

Phiên này, cổ phiếu Toyota Motor tăng 2,4% để dẫn đầu mức tăng trên Topix, trong khi lĩnh vực ô tô tăng 2,04% và là ngành tăng cao nhất trong số 33 chỉ số phụ của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.

Nhà sản xuất máy móc hạng nặng IHI giảm 15,8% để trở thành cổ phiếu hoạt động kém nhất trong Nikkei 225.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, mặc dù dữ liệu gần đây cho thấy dấu hiệu ổn định trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,12% xuống 3.137,06 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,18% xuống 3.760,60 điểm.

Dữ liệu hôm thứ Hai cho thấy tín dụng cho vay mới tại các ngân hàng Trung Quốc đã tăng gần gấp bốn lần trong tháng 8 so với tháng 7, vượt qua các dự báo trước đó. Hôm thứ Bảy, dữ liệu cho thấy áp lực giảm phát giảm bớt trong bối cảnh có dấu hiệu ổn định trong nền kinh tế.

"Sự cải thiện liên tục trong các chỉ số kinh tế sẽ dần dần giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư:, các nhà phân tích tại Sinolink Securities cho biết.

Tuy nhiên, họ cho biết thị trường sẽ vẫn hoạt động trong phạm vi hẹp trong thời gian tới do tình hình kinh tế và thanh khoản vẫn còn yếu.

Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura cho biết, nền kinh tế Trung Quốc có thể phải đối mặt với những cơn gió ngược mới và vẫn chưa ổn định và Bắc Kinh có thể cần đưa ra các biện pháp nới lỏng tích cực hơn để đảm bảo sự phục hồi thực sự.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các tín hiệu phục hồi yếu trên thị trường nhà ở Trung Quốc tiếp tục ảm ảnh thị trường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,39% xuống 18.025,89 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,61% xuống 6.260,19 điểm.

Cổ phiếu nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc Country Garden tăng gần 4%, sau khi các nguồn tin cho biết nhà phát triển này đã giành được sự chấp thuận từ các chủ nợ để gia hạn trả nợ cho 6 trái phiếu phát hành trong nước thêm ba năm.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do sức ép của nhóm cổ phiếu các nhà sản xuất pin, trong khi sự thận trọng trước dữ liệu lạm phát của Mỹ cũng khiến giới đầu tư có tâm lý tránh rủi ro.

Đóng cửa, Chỉ số KOSPI giảm 20,30 điểm, tương đương 0,79%, xuống 2.536,58 điểm.

Các nhà sản xuất phiên đều giảm với LG Energy Solution giảm 1,67%, công ty mẹ LG Chem mất 0,36%, trong khi các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation giảm lần lượt 2,62% và 0,54%.

Kết thúc phiên 12/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 308,61 điểm (+0,95%), lên 32.776,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 5,72 điểm (-0,18%), xuống 3.137,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 70,56 điểm (-0,39%), xuống 18.025,89 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 20,30 điểm (-0,79%), xuống 2.536,58 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Áp lực tỷ giá càng lớn, dư địa nới lỏng thêm chính sách tiền tệ càng thu hẹp

Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng leo lên mức 24.073 tại ngày 5/9 (tăng 1,6% so với cuối tháng 7 năm 2023 và tăng 1,9% so với đầu năm 2023)..>> Chi tiết

- Bắt đáy “cổ đất”

VN-Index tăng điểm và động thái chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã mang sự tự tin trở lại cho nhà đầu tư với nhóm cổ phiếu địa ốc..>> Chi tiết

- Cổ phiếu chứng khoán còn dư địa tăng

So với đầu năm 2023, nhiều cổ phiếu chứng khoán đã tăng giá từ 38 - 189%, nhờ thị trường chứng khoán sôi động và lợi nhuận của nhóm công ty chứng khoán tăng mạnh..>> Chi tiết

- EC hạ dự báo tăng trưởng của EU trong khi lạm phát vẫn dai dẳng

Báo cáo mới công bố hôm thứ Hai (11/9) của Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế EU xuống chỉ còn 0,8% trong năm nay và 1,4% vào năm 2024, trong khi lạm phát vẫn dai dẳng..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-nhieu-co-phieu-cong-ty-chung-khoan-da-tang-tu-38-189-tu-dau-nam-post329654.html