Thị trường tài chính 24h: Tâm lý nhà đầu tư đang chán nản và dè chừng

VN-Index mất thêm hơn 10 điểm; Nợ xấu ngân hàng chưa đạt đỉnh; Xác suất điều chỉnh tăng dần; Thị trường nén chặt!; Không dễ xuyên thủng 1.080 điểm!; Nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ 'hạ cánh mềm'…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 18/12 giảm 50.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng 100.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 73,40 – 74,42 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ giảm 16,3 USD xuống 2.019,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng giằng co và hiện ở gần 2.025 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,48 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 18/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.883 đồng/USD, tăng nhẹ 1 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.140 – 24.480 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm xuống 42.300 USD thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục giảm và lùi về gần 40.900 USD/BTC vào cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,38 USD (-0,53%), xuống 71,05 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,42 USD (-0,55%), xuống 76,13 USD/thùng.

VN-Index giảm hơn 10 điểm

VN-Index dễ dàng “thủng” mốc 1.100 điểm, được đánh giá là ngưỡng hỗ trợ của thị trường ngay khi mở cửa và nới rộng đà giảm sau đó trước khi chững lại ở quanh 1.095 điểm.

Tại ngưỡng điểm này, thị trường lình xình đi ngang và tiếp tục giảm về gần 1.090 điểm về cuối phiên, bởi dòng tiền tham gia khá yếu, trong khi áp lực bán vẫn thường trực.

Mặc dù ghi nhận phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp và VN-Index về mức thấp nhất trong gần 1 tháng, nhưng dòng tiền sôi động vẫn chưa có dấu hiệu nhập cuộc. Rất có thể, tâm lý nhà đầu tư vẫn đứng ngoài để chờ đợi vùng hấp dẫn – mốc 1.080 điểm như giới phân tích nhận định.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 27,31 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 747,2 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 18/12: VN-Index giảm 10,42 điểm (-0,95%), xuống 1.091,88 điểm; HNX-Index giảm 1,29 điểm (-0,57%), xuống 225,73 điểm; UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,19%) xuống 84,88 điểm,

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ nới đà tăng trong phiên thứ Sáu (15/12) và ghi nhận tuần tăng thứ 7 liên tiếp nhờ kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trong năm 2024.

Chất xúc tác trong tuần này đến từ việc Fed vào hôm thứ Tư thừa nhận rằng nỗ lực chống lạm phát đã mang lại kết quả, dự báo ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024.

Kết thúc phiên 15/12: Chỉ số Dow Jones tăng 56,81 điểm (+0,15%), lên 37.305,16 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,36 điểm (-0,007%), xuống 4.719,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 52,36 điểm (+0,35%), lên 14.813,92 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư thận trọng chờ đợi gợi ý từ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) về khả năng thay đổi chính sách lãi suất.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,64% xuống 32.758,98 điểm. Chỉ Topix giảm 0,66% xuống 2.316,86 điểm.

BOJ đang tổ chức một cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày và những người chơi trên thị trường đang chờ đợi bình luận từ Thống đốc Kazuo Ueda về thời điểm thay đổi chính sách, ngay cả khi có sự đồng thuận rằng BOJ sẽ giữ nguyên chính sách tại cuộc họp này.

Phiên này, cổ phiếu lớn Fast Retailing giảm 1,18% để kéo lùi Nikkei 225 mạnh nhất. Theo sau là nhà sản xuất thiết bị kiểm tra chip Advances giảm 1,75% và Recruit Holdings mất 3,42%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi dữ liệu gần đây cho thấy đà phục hồi kinh tế chậm chạp và tín hiệu chính sách tại một cuộc họp cuối tuần trước gây thất vọng cho các nhà đầu tư.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,40% xuống 2.930,80 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,36% xuống 3.329,37 điểm.

Giọng điệu tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương thường niên tuần trước vẫn ủng hộ tăng trưởng, nhưng "không có nhiều chi tiết về các biện pháp nới lỏng cụ thể, đặc biệt là trên thị trường bất động sản", Goldman Sachs cho biết trong một lưu ý.

Hầu hết các lĩnh vực chính đều giảm trong phiên hôm nay, với chất bán dẫn, năng lượng mới, phương tiện truyền thông và du lịch giảm từ 1,6% đến 2,4%.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, cũng do lo ngại về triển vọng phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau một loạt dữ liệu trái chiều trong tháng 11.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm ,97% xuống 16.629,23 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,16% xuống 5.634,42 điểm.

Chỉ số công nghệ giảm 1,3%, với cổ phiếu Xpeng giảm 6,7%, sau khi Tập đoàn Alibaba tiết lộ kế hoạch bán 25 triệu cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của nhà sản xuất xe điện này.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ, do tin đồn rằng Chính phủ có thể nới lỏng các quy định về thuế thu nhập đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 3,30 điểm, tương đương 0,13% lên 2.566,86 điểm.

Hàn Quốc hiện đang đánh thuế thu nhập đối với các cổ đông lớn sở hữu giá trị cổ phiếu hơn 1 tỷ won (771,164 USD) trong một công ty duy nhất. Một số hãng tin địa phương đưa tin rằng ngưỡng chịu thuế này có thể được nâng lên.

Kết thúc phiên 18/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 211,57 điểm (-0,64%), xuống 32.758,98 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 11,75 điểm (-0,40%), xuống 2.930,80 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 162,96 điểm (-0,97%), xuống 16.629,23 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 3,30 điểm (+0,13%), lên 2.566,86 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Nợ xấu ngân hàng chưa đạt đỉnh

Cơ cấu nợ giúp bức tranh tài chính các ngân hàng vẫn khá đẹp, nhưng thời hạn cuối đang đến gần!..>> Chi tiết

- Xác suất điều chỉnh tăng dần

VN-Index đóng cửa tuần qua (15/12/2023) tại 1.102,3 điểm, tương ứng mức giảm 2,3% trong tuần..>> Chi tiết

- Thị trường nén chặt!

VN-Index đi ngang, với vùng cản ở 1.130 điểm rất mạnh. Thanh khoản sàn HOSE co hẹp, mỗi phiên chỉ khoảng 13.000 -14.000 tỷ đồng, thể hiện tâm lý chán nản và dè chừng rất rõ của nhà đầu tư..>> Chi tiết

- Không dễ xuyên thủng 1.080 điểm!

Trạng thái thị trường chứng khoán tuần qua vẫn là dao động trong vùng tích lũy, nhưng cách phản ứng của thị trường trước hàng loạt tin tức tích cực khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra rất thất vọng..>> Chi tiết

- Nền kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ "hạ cánh mềm"

Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC) của Nhà Trắng Lael Brainard đưa ra nhận định rằng các số liệu gần đây minh chứng cho khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ đã lớn hơn nhiều..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-tam-ly-nha-dau-tu-dang-chan-nan-va-de-chung-post336143.html