Thị trường tài chính Nhật Bản tìm 'chất xúc tác' trong nước
Bước sang năm mới 2025, các nhà phân tích theo dõi thị trường chứng khoán và tiền tệ Nhật Bản cho biết sự suy yếu và biến động của đồng yen vẫn là mối quan tâm hàng đầu của họ.
Mùa Hè năm 2024, thị trường tài chính toàn cầu đã trải qua một đợt chấn động do việc các nhà đầu tư ồ ạt dừng giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) với đồng yen. Đây là một hình thức vay đồng nội tệ Nhật Bản với lãi suất thấp để mua các đồng tiền của những quốc gia có lãi suất cao hơn.
Bước sang năm mới 2025, các nhà phân tích theo dõi thị trường chứng khoán và tiền tệ Nhật Bản cho biết sự suy yếu và biến động của đồng yen vẫn là mối quan tâm hàng đầu của họ.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), ông Kazuo Ueda, đã đưa ra lập trường ôn hòa sau cuộc họp chính sách tháng 12/2024, nói rằng ông cần thêm thông tin về các cuộc đàm phán lương vào năm 2025 và các chính sách kinh tế của Mỹ trước khi tăng lãi suất. Vài giờ trước đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đánh tín hiệu về sự thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất trong tương lai.
Đồng yen, một trong những đồng tiền hoạt động kém nhất trong những đồng tiền của các nước thuộc Nhóm G10, giao dịch ở mức khoảng 157,80 yen đổi 1 USD trong phiên 27/12. Theo công ty phân tích dữ liệu FactSet, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cao hơn 3,5 điểm phần trăm so với trái phiếu Chính phủ Nhật Bản.
Ông Shoki Omori, chiến lược gia trưởng tại Mizuho Securities, cho biết năm 2025 sẽ lại là một năm của các giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yen. Theo ông, Fed dường như sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn, còn BoJ sẽ giữ lập trường ôn hòa.
Trong năm 2024, Fed bắt đầu hạ lãi suất muộn hơn dự kiến, cho phép đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác, một xu hướng được dự báo sẽ tiếp diễn do các chính sách có thể gây ra lạm phát của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Mùa Xuân 2024, BoJ đã chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng sau 17 năm. Lập trường này làm rung chuyển thị trường chứng khoán. Phiên 5/8, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã ghi nhận mức sụt giảm nhiều nhất tính theo ngày từ trước đến nay, mất 4.451,28 điểm (12,4%) so với mức đóng cửa của phiên trước đó.
Ngân hàng UBS Securities dự kiến BoJ sẽ có ba đợt tăng lãi suất trong năm 2025. Lãi suất của Nhật Bản vào cuối năm 2025 có thể là 1%, so với mức 0,25% hiện nay. Một số nhà kinh tế dự đoán, lần tăng lãi suất tiếp theo có thể diễn ra vào tháng 1/2025.
Đồng yen tiếp tục mất giá so với USD. Tuy nhiên, áp lực từ công chúng, nhằm đảo ngược sự suy yếu của đồng yen, sẽ gia tăng. Dự kiến cuối 2025, tỷ giá yen/USD sẽ là 161 yen đổi 1 USD.
Ông Masashi Akutsu, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Nhật Bản tại Bank of America Global Research, dự báo chỉ số Nikkei sẽ kết thúc năm 2025 ở mức 43.500 điểm và chỉ số Topix ở mức 3.050 điểm. Từ đầu năm 2024 tới nay, chỉ số Nikkei tăng 20%, lên 40.281 điểm tính đến ngày 27/12. Topix tăng khoảng 18%, lên 2.801,68 điểm.
Trong khi đó, ông Yoshitaka Suda, chiến lược gia tại công ty chứng khoán Nomura Securities cho biết, sự biến động của chứng khoán Nhật Bản đã khiến năm nay trở thành một năm đầy thách thức. Nửa đầu năm 2024, hoạt động chứng khoán diễn ra rất suôn sẻ, nhưng vào nửa cuối năm 2024, tình hình trở nên rất khó khăn vì sự biến động so với các thị trường phát triển khác.
Sự biến động này bắt nguồn từ việc biến động tiền tệ và thị trường chứng khoán bị chi phối bởi các nhà đầu tư nước ngoài, những người có xu hướng giao dịch tích cực hơn so với các nhà giao dịch trong nước.
Ngân hàng Societe Generale (Pháp) dự đoán đồng yen vẫn biến động, nhưng tăng lên 142 yen đổi 1 USD vào cuối năm 2025. Ngân hàng này dự đoán lãi suất của Nhật Bản sẽ ở mức âm 1% và lạm phát ở mức 2% vào cuối năm 2025. Mức lãi suất trung lập nghĩa là không thúc đẩy hay làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng sự thay đổi trong chính sách kinh tế và tiền tệ của Nhật Bản sẽ có tác động lớn đến thị trường chứng khoán, đặc biệt là việc chuyển hướng sang các cổ phiếu trong nước ít phụ thuộc vào biến động tỷ giá đồng yen. Đồng thời, thị trường chứng khoán toàn cầu có thể phải đối mặt với nguy cơ một đợt rút vốn carry trade khác.
Trong khi đó, ngân hàng Morgan Stanley lạc quan về thị trường chứng khoán Nhật Bản. Họ tin rằng những nỗ lực cải thiện hiệu quả vốn, mua lại cổ phiếu và chính sách khuyến khích tiết kiệm đầu tư sẽ thúc đẩy thị trường đi lên. Mặc dù thừa nhận rủi ro từ thuế quan và những thách thức đối với các công ty xuất khẩu, Morgan Stanley vẫn nhận thấy cơ hội từ việc những công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Họ cũng lưu ý rằng đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô và vận tải còn khá thấp, mở ra cơ hội tăng trưởng.
Trong khi đó, ông Yoshitaka Suda, chiến lược gia định lượng tại Nomura Securities, lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán Nhật Bản trong quý đầu tiên của năm 2025, dự đoán các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chuyển vốn từ thị trường Trung Quốc sang thị trường Nhật Bản.
Sự khác biệt chính giữa năm 2024 và đầu năm 2025 nằm ở sự chuyển dịch từ những yếu tố bên ngoài sang các "chất xúc tác trong nước". Mặc dù những yếu tố như hiệu quả vốn và tăng giá vẫn quan trọng, nhưng sự hào hứng ban đầu của giới đầu tư đã giảm bớt.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-tai-chinh-nhat-ban-tim-chat-xuc-tac-trong-nuoc/358700.html