Thị trường tài chính thế giới đang bước vào giai đoạn mới nhiều hiểm nguy
Mỗi thị trường tài chính đều có những yếu tố riêng biệt nhưng tất cả đều phải đối mặt với một loạt thách thức chung.
Các thị trường tài chính trên toàn thế giới đang ngày càng căng thẳng. Tại Anh, lãi suất trái phiếu chính phủ đã tăng và giá trị đồng bảng giảm, khiến Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải đưa ra các tuyên bố nhằm xoa dịu thị trường. Tại Nhật Bản, lần đầu tiên kể từ năm 1998, chính phủ đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn chặn đà giảm của đồng yen Nhật Bản.
Tại Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc đối với các giao dịch ngoại hối nhằm hạn chế dòng tiền chảy ra. Nguyên nhân dẫn đến sự hỗn loạn này là xu hướng tăng giá không ngừng của đồng USD và lãi suất trên toàn cầu.
Theo tạp chí The Economist của Anh, mỗi thị trường đều có những yếu tố riêng biệt nhưng tất cả đều phải đối mặt với một loạt thách thức chung. Chính phủ mới của Anh đã đưa ra kế hoạch cắt giảm thuế lớn nhất của đất nước trong nửa thế kỷ, trong khi Nhật Bản đang cố gắng giữ lãi suất ở mức đáy, ngược với xu thế toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc đang phải vật lộn với những hậu quả của chính sách "Không COVID" đang khiến nước này bị cô lập với thế giới.
Hầu hết các loại tiền tệ trên thế giới đã suy yếu rõ rệt so với đồng đô la Mỹ. Chỉ số DXY, hay còn gọi là USD Index, một chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với các đồng tiền tệ khác, đã tăng 18% trong năm nay, đạt mức cao nhất của hai thập kỷ. Lạm phát dai dẳng ở Mỹ và chính sách tiền tệ thắt chặt đang khiến cho các thị trường phát sốt.
Ngay trước khi có biến động dữ dội trong tuần qua, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), câu lạc bộ các ngân hàng trung ương, lưu ý rằng các điều kiện tài chính đã thay đổi, khi cam kết tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương được định giá bởi thị trường và tính thanh khoản của thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ xấu đi.
Sau một đợt tăng khiêm tốn và ngắn vào tháng Tám, chứng khoán toàn cầu đã rơi xuống mức thấp mới trong năm. Thước đo kết quả hoạt động của thị trường cổ phiếu MSCI đã giảm 25% trong năm 2022. Căng thẳng cũng được thấy rõ ở những nơi khác. Lợi tức trái phiếu rác của Mỹ đã tăng trở lại mức gần 9%, cao hơn gấp hai lần so với một năm trước. Trái phiếu doanh nghiệp có chất lượng tương đương mức đầu tư, với xếp hạng BBB, mang lại lợi suất gần 6%, cũng đạt mức cao nhất trong 13 năm, theo Bloomberg.
Các thủ quỹ công ty, nhà đầu tư và Bộ Tài chính đều dự báo thị trường sẽ có nhiều biến động. Chỉ một năm trước, rất ít người dự đoán được lạm phát ở mức hai con số ở nhiều nơi trên thế giới như hiện nay. Khi các thị trường hoạt động kém hơn so với dự báo trước đó, các vấn đề sẽ xuất hiện và các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với một loạt các lựa chọn không tốt.
Cam kết của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong việc giảm lạm phát bằng mọi giá là rất rõ ràng. Phát biểu sau khi công bố đợt tăng lãi suất mới nhất vào ngày 21/9, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết cơ hội “hạ cánh mềm” của kinh tế Mỹ đã giảm, nhưng Fed vẫn cam kết đưa lạm phát xuống thấp.
Nghiên cứu do Bank of America công bố cho thấy từ năm 1980 đến năm 2020, khi lạm phát tăng lên mức trên 5% ở các nền kinh tế giàu có, trung bình những nền kinh tế này phải mất đến 10 năm để đưa lạm phát về mức 2%.
Kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu đang giảm nhanh chóng. Trong dự báo mới được công bố vào ngày 26/9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu chỉ tăng 3% trong năm nay, giảm so với mức 4,5% trong dự báo đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái. OECD dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 chỉ là 2,2%.
Kết quả là giá hàng hóa ngày càng giảm. Dầu thô Brent quay trở lại mức khoảng 85 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ giữa tháng Giêng. Giá đồng trên Sàn giao dịch kim loại London cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hai tháng vào ngày 26/9.
Việc kinh tế thế giới suy yếu cũng có thể khiến các công ty bắt đầu hạ dự báo lợi nhuận của mình sau khi công ty vận tải toàn cầu FedEx đã cảnh báo về “sự yếu kém toàn cầu về khối lượng”. Lãi suất tăng đã tác động bất lợi tới giá cổ phiếu, khiến thu nhập xuống thấp hơn.
Tuy nhiên, sự suy giảm thậm chí có thể không dẫn đến một đồng đô la Mỹ yếu hơn. Khi các nhà đầu tư hướng đến sự an toàn tương đối của đồng tiền dự trữ toàn cầu, đồng bạc xanh thường tăng trong thời kỳ suy thoái. Đối với các quốc gia và công ty trên thế giới, đó là một viễn cảnh đáng lo ngại./.