Thị trường thực phẩm chăn nuôi cuối năm: Cần giải pháp thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ
Hiện nay cơ bản ngành chăn nuôi vẫn cung ứng đủ nhu cầu trong nước. Nếu dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế khôi phục vào cuối tháng 9, ngành chăn nuôi có thể hồi phục trong tháng tiếp theo và đáp ứng nhu cầu dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Nhưng nếu dịch bệnh kéo dài hơn thời gian dự kiến này thì nguồn cung sẽ giảm khoảng 20% đến Tết Nguyên đán.
Đây là thông tin được đại diện Cục Chăn nuôi đưa ra tại Hội nghị sản xuất chăn nuôi, cung - cầu thực phẩm các tháng cuối năm 2021 do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 1/9.
Tại hội nghị, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, địa phương có vùng chăn nuôi lớn nhất cả nước cho biết, dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng tình hình chăn nuôi của Đồng Nai vẫn phát triển ổn định với 2,4 triệu con lợn; 2,3 triệu con gà; 7,1 triệu con chim cút; mỗi tháng cung cấp cho thị trường 30.000 tấn thịt lợn, 20.000 tấn thịt gia cầm...
Trên địa bàn Đồng Nai còn 9/62 cơ sở giết mổ đang hoạt động, chuỗi giết mổ, cung ứng thực phẩm của các doanh nghiệp cơ bản duy trì ổn định nhờ 70% nhân lực đã được tiêm phòng vaccine COVID-19. Dự báo về tình hình cung ứng thực phẩm cho thị trường các tháng cuối năm, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ông Sinh nhận định, riêng trên địa bàn Đồng Nai, tổng đàn lợn vẫn duy trì được 80-90%. Tuy nhiên, nguồn cung thịt gà có thể sẽ thiếu, nhất là gà ta vì hiện tại nhiều công ty đang bán trứng giống thành trứng thương phẩm.
Từ thực tế này, ông Sinh kiến nghị các địa phương có giải pháp giải phóng lưu thông, đẩy mạnh luân chuyển hàng hóa giữa, từ đó có thể tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi, giảm giá cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT có định hướng chiến lược về nhu cầu sản phẩm chăn nuôi trong nước cũng như xuất khẩu, đồng thời đề nghị Bộ hỗ trợ Hà Nội định hướng, xây dựng được những chợ đầu mối chuyên ngành để tiêu thụ sản phẩm cho hộ chăn nuôi.
Đại diện khối doanh nghiệp, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết thời gian qua, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi giảm; thu nhập của người nông dân trong chuỗi liên kết bị ảnh hưởng. Chi phí thực hiện “3 tại chỗ” rất lớn, nhiều chi phí khác cũng tăng lên. Doanh nghiệp kiến nghị Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT của nhiều tỉnh tác động để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vaccine, nhất là vacine cho lái xe vận chuyển.
Cũng băn khoăn về vấn đề vaccine, bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty CP Ba Huân cho biết hầu hết công nhân của Công ty hiện đã tiêm vaccine mũi 1 trên 2 tháng rồi, có người 3 tháng mà chưa được tiêm mũi 2. Nếu không có vaccine thì dù có thêm lương, thưởng cao đến mấy, Công ty cũng chỉ giữ được nhiều nhất là 50% lượng công nhân làm việc, bà Phạm Thị Huân chia sẻ.
Tại cuộc họp, dại diện Cục Chăn nuôi đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi như đa dạng hóa kênh phân phối, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Cục Chăn nuôi cũng đề nghị các địa phương nghiên cứu mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối, vì đây là điểm cốt lõi ảnh hưởng mạnh nhất đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi từ các địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, đến nay, trong khi các tuyến giao thông tại các huyện, các tỉnh đã thông thoáng thì tại các xã, thôn bản, vẫn còn tồn tại việc áp dụng các biện pháp kiểm soát thiếu linh hoạt các phương tiện vận chuyển các sản phẩm chăn nuôi, nông sản nói chung. Nhiều nơi vẫn phải san hàng. Vấn đề này Thứ trưởng Tiến đề nghị các đơn vị, địa phương phối hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong lưu thông. “Đã quy định là xét nghiệm, test nhanh, có kết quả rồi thì cần phải tạo điều kiện để thông xe, thông hàng cho doanh nghiệp, người dân”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh hết sức quan tâm và ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm nói chung. Bởi lẽ đứng sau hàng chục nghìn người lao động là hàng chục triệu hộ nông dân, là chuỗi lương thực, thực phẩm không thể bị đứt gãy, việc này sẽ ảnh hưởng đến đời sống của toàn xã hội.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, về thức ăn gia súc, Bộ đã có văn bản gửi Chính phủ kiến nghị giảm thuế về ngô, đỗ nhập khẩu... Ngoài các vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố có chính sách cả về tài chính, lưu thông hỗ trợ cho doanh nghiệp, giúp sớm ổn định sản xuất, cung ứng hàng hóa tới người dân.