Thị trường Thương mại điện tử Việt Nam có thể tăng trưởng 35% mỗi năm
Nghiên cứu từ YouNet ECI cho thấy, thị trường Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đến năm 2028 sẽ đạt tổng giá trị giao dịch lớn hơn mọi dự báo trước đó.
Theo báo cáo mới nhất của YouNet ECI và YouNet Media về Dự báo xu hướng tăng trưởng của thị trường (TMĐT) Việt Nam giai đoạn 2025 – 2028. Từ giữa năm 2023, sự xuất hiện của nền tảng TikTok Shop cùng sự phát triển của xu hướng mua sắm kết hợp giải trí (Shoppertainment) đang làm thay đổi hoàn toàn thói quen mua sắm và mức chi cho TMĐT của người tiêu dùng.
Kết quả nghiên cứu từ YouNet ECI và YouNet Media cho thấy, những yếu tố này có khả năng làm tăng dự báo tăng trưởng thị trường TMĐT Việt Nam lên mức tối đa 35% CAGR (tăng trưởng kép hàng năm) từ năm 2024 đến năm 2028, tích cực hơn mọi dự báo trước đây từ các bên.
Cụ thể, YouNet ECI và YouNet Media dự báo tổng giá trị giao dịch TMĐT tại Việt Nam có tiềm năng đạt mốc 49,9 tỷ USD/năm vào năm 2028, nếu TMĐT Việt Nam đạt được hết những cơ hội tăng trưởng đang xuất hiện.
Ông Nguyễn Phương Lâm - Giám đốc Phân tích Thị trường, YouNet ECI giải thích, cơ sở cho dự báo tích cực trên đến từ ba cơ hội tăng trưởng thương mại rõ rệt mà tổ chức này nhìn thấy từ dữ liệu.
Trong đó, một là thu nhập của người dân Việt Nam gia tăng dẫn đến chi tiêu cho TMĐT tăng theo trong 5 năm tới; hai là xu hướng mua sắm kết hợp giải trí kích thích tiêu dùng; ba là sự chuyển dịch đáng kể của những ngành hàng giá trị cao từ kênh offline lên TMĐT.
Khảo sát của YouNet Media với mẫu 700 người tiêu dùng đến từ các thành phố tại Việt Nam, có tới 62,8% người tiêu dùng số (digital consumers) hiện chốt đơn trên các sàn TMĐT ít nhất một lần mỗi tuần.
Đáng chú ý, đối với người tiêu dùng Việt nam có mức thu nhập từ 30 triệu đồng/tháng trở lên thì họ mua sắm gần như không phụ thuộc vào các chương trình khuyến mãi của sàn mà có thể mua bất cứ khi nào có nhu cầu.
Xét theo độ tuổi, nhóm mua sắm hàng tuần có 53,4% thuộc Gen Z và 46,6% là Millennials (thế hệ sinh năm 1981 – 1995). Bên cạnh đó, thu nhập khác nhau dẫn đến sự khác biệt rõ rệt giữa hai thế hệ này về tần suất mua sắm, mức chi tiêu, danh mục sản phẩm yêu thích và cách ra quyết định khi mua sắm trực tuyến.
Nếu như Gen Z luôn dẫn đầu trong việc thích nghi với TMĐT và là tâm điểm của xu hướng mua sắm trực tuyến, thì Millennials với thu nhập cao và thói quen mua sắm thường xuyên lại là “viên ngọc tiềm ẩn” thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc cho TMĐT Việt Nam - nhất là cho những ngành hàng giá trị cao.
Ông Lâm nhấn mạnh: “Tăng trưởng bền vững trên TMĐT hiện nay phụ thuộc vào việc hiểu rõ hành vi người tiêu dùng ở mức độ chi tiết nhất. Chúng tôi tin rằng dữ liệu không chỉ đơn thuần là một công cụ, mà là nền tảng cho việc ra quyết định chiến lược của doanh nghiệp”.