Thị trường tiềm năng là động lực sáng tạo
Phim xếp hàng chờ ra rạp với số lượng lớn, đa dạng về thể loại, điện ảnh Việt đang tạo ra một luồng gió mới cho rạp chiếu trong những tháng đầu năm 2021 với những bộ phim đầy màu sắc. Đằng sau câu chuyện doanh thu của những bộ phim chục tỷ, trăm tỷ và cả những thất bại cay đắng..., có thể thấy nỗ lực không ngừng của các nhà làm phim để mang đến cho khán giả những thước phim chất lượng, thoát khỏi mác 'phim thị trường' và dần định hình một nền công nghiệp điện ảnh tiềm năng.
Sau một thời gian trầm lắng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, phim Việt ồ ạt ra rạp, gặt hái nhiều thành công về doanh thu. Ảnh: Trịnh Minh Vũ
Xếp hàng ra rạp
Sau một khoảng thời gian “án binh bất động” vì dịch Covid-19, chưa bao giờ các rạp chiếu có cơ hội chứng kiến nhiều phim Việt xếp hàng chờ ra rạp như thời điểm này. Cách đây nửa tháng, có tới 12 bộ phim sắp lịch chiếu vào tháng 4, tuy nhiên sau đó, một số phim như “Bẫy ngọt ngào”, “Người lắng nghe” đã hoãn chiếu để tránh một cuộc cạnh tranh căng thẳng với những dự án đình đám hơn. Nhà sản xuất Minh Hằng ví “lịch phim tháng 4 giống như một bàn tiệc có quá nhiều món ngon, đưa món ăn ngon của mình lên một bữa tiệc quá nhiều đồ ăn ngon không phải là một chiến lược tốt, khán giả cũng sẽ hoang mang”. Chính vì vậy, chị đã chủ động chuyển “Bẫy ngọt ngào” sang dịp khác.
Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng sẵn lòng chuyển lịch chiếu bởi họ đã chờ quá lâu và mỗi lần phim hoãn chiếu là khoản tiền tỷ chi cho in ấn, quảng bá “đội nón” ra đi. Đạo diễn Lý Hải từng chia sẻ, riêng chi phí in ấn, truyền thông mà anh đã chi cho hai kỳ dời lịch chiếu phim “Lật mặt: 48h” cũng lên tới hơn chục tỷ đồng mà không thể tái sử dụng. Hơn nữa, chi phí đầu tư cho mỗi bộ phim hiện ở mức 20 tỷ đồng trở lên, do đó, càng “găm” phim lâu, nhà sản xuất sẽ càng thiệt hại.
Việc phim Việt ồ ạt ra rạp ở thời điểm này là hậu quả của việc "né dịch" suốt năm 2020 và “mất trắng” mùa phim Tết 2021. Vậy thì công chúng có thể trông đợi gì ở bữa tiệc phim ảnh tháng 4 này?
Bức tranh phim Việt những tháng đầu năm này “phơi sáng” nỗ lực của các nghệ sĩ trong suốt thời gian qua với những “món ăn” rất đa dạng. Dòng phim hành động nổi bật với “Lật mặt: 48h” toàn đại cảnh hoành tráng; trailer phim “Thiên thần hộ mệnh” và “Song song” khiến người xem ám ảnh với những chi tiết kinh dị, ma mị; “Trạng Tí” thu hút bởi đây là một bộ phim đề tài trẻ em được làm hết sức công phu; “1990” là câu chuyện của những cô gái hiện đại ở độ tuổi 30... Bên cạnh những bộ phim được truyền thông đình đám, một số phim ít được biết đến hơn như “Người lắng nghe”, “Chìa khóa trăm tỉ”, “Rừng thế mạng”... là ẩn số có thể gây bất ngờ.
Những bài học giá trị
Bất ngờ lớn của điện ảnh Việt đầu năm 2021 đó là sau một khoảng thời gian trầm lắng lại có thể xác lập một kỷ lục mới về doanh thu. Cuối tuần qua, bộ phim “Bố già” đã chạm ngưỡng doanh thu 350 tỷ đồng, trở thành bộ phim Việt có doanh thu cao nhất từ trước tới nay, thậm chí còn vượt cả những bộ phim bom tấn nước ngoài từng được phát hành ở Việt Nam. Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Doanh thu khổng lồ đó không chỉ mang tính kỷ lục mà còn trở thành một giấc mơ mới cho các nhà làm phim Việt. Nếu như trước đây, mức 100 tỷ đồng là ước ao của nhiều đạo diễn thì sau “Bố già”, nhiều nhà làm phim sẽ đặt mục tiêu làm được phim có doanh thu 200 tỷ đồng và hơn thế nữa.
Danh sách những bộ phim trăm tỷ càng dài, người ta càng nhìn rõ hơn nỗ lực của các nhà làm phim nhằm chiếm lĩnh thị trường nội địa, biến điện ảnh thực sự trở thành lĩnh vực hái ra tiền của công nghiệp văn hóa. Nỗ lực ấy đã được ghi nhận từ cách đây khoảng hai chục năm, khi các nhà làm phim bắt đầu bứt ra khỏi cách làm phim cũ với mong muốn phim phải ra rạp, bán được vé. Từ những bộ phim “thuần thị trường” với cách gây cười dễ dãi, những công thức “sốc, sex, sến” tạo sức hút với vài bộ phim đầu rồi trở thành thảm họa về sau, đến nỗ lực Việt hóa những bộ phim nước ngoài và giờ đây là những bộ phim "thực sự Việt Nam", chấp nhận được cả về chất lượng và doanh thu..., là một hành trình nhiều gian khó. Hành trình ấy với động lực tạo ra một nền điện ảnh Việt cho khán giả Việt đã thu hút được nguồn nhân lực hết sức đa dạng. Ngoài các đạo diễn được đào tạo bài bản ở trong nước, nhiều đạo diễn, biên kịch Việt kiều ồ ạt về nước với các tên tuổi nổi bật như Charlie Nguyễn, Victor Vũ... Thậm chí, nhiều ca sĩ, người mẫu nổi tiếng cũng nhảy sang lĩnh vực sản xuất phim và gặt hái thành công, như Ngô Thanh Vân, Lý Hải, Mỹ Tâm...
Bên cạnh thành công là không ít bài học đắng. Số lượng phim “im thin thít, lặn mất tăm” lớn hơn nhiều so với số phim trăm tỷ. Mặc dù nắm trong tay thương hiệu phim trăm tỷ “Lật mặt” nhưng đạo diễn Lý Hải lúc nào cũng xác định điện ảnh là một cuộc chơi khốc liệt. “Trước khi đồng hành với ai đó, tôi sẽ nói trước là phim khó ăn lắm. Thấy toàn phim 100 tỷ đồng, 200 tỷ đồng nhưng thực ra phim chết như ngả rạ mà không ai để ý. Tôi phải nhắc khéo với các nhà đầu tư là, nếu nhảy vào cuộc chơi cùng nhau thì phải chấp nhận”. Thất bại không chỉ đến với những đạo diễn trẻ thiếu kinh nghiệm, những người tay ngang, mà thậm chí cả những đạo diễn giàu kinh nghiệm. Ngay như “cặp đôi trăm tỷ” là đạo diễn Charlie Nguyễn và đạo diễn Đức Thịnh trong năm 2020 cũng thất bại cay đắng với dự án phim “Người cần quên phải nhớ”. Sau 15 ngày công chiếu, phim này chỉ thu về gần 1,9 tỷ đồng. Đúng như đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ: “Không một nhà làm phim lớn nào trên thế giới không từng thất bại. Tôi luôn nói với cộng sự là mình sẽ làm hết sức với dự án, còn kết quả là ông trời tính. Tôi không quá vui khi thành công, không quá buồn khi thất bại. Mỗi thất bại đều là một bài học. Không ai muốn sản xuất một phim thất bại. Không ai có thể nói tôi làm phim chưa từng thất bại. Những người làm nhiều là những người thất bại nhiều nhất. Khi phim thất bại, tôi nhìn lại mình”. Phim trăm tỷ hay thất bại đều có giá trị mang lại bài học cho cộng đồng nhà làm phim để từ đó phim Việt phát triển một cách bền vững.
Phim “Bố già” xác lập kỷ lục mới về doanh thu cho phim Việt.
Dần hình thành bản sắc
Dù thành công hay thất bại nhưng mặt bằng chung của phim Việt trong thời gian gần đây cho thấy sự trưởng thành nhanh chóng về công nghệ làm phim. Điện ảnh Việt không còn những bộ phim thành công theo kiểu “ăn may”, đa số thành công đến từ sự kế thừa, đúc rút kinh nghiệm và đặc biệt là hiểu rõ khán giả Việt đang cần gì.
Chất Việt trong phim ngày càng rõ, đó cũng chính là bí quyết của những bộ phim trăm tỷ. Chẳng hạn, với thành công của phim “Bố già”, đạo diễn Charlie Nguyễn cho rằng nhà làm phim đã vận dụng thành công bí quyết “Asian grand passion” (Ước vọng châu Á). “Sau nhiều năm làm phim, tôi nhận ra đa số phim thành công tại thị trường Việt Nam đều đưa vào được thành tố quan trọng này. Những câu chuyện xoáy vào tình cảm gia đình, máu mủ ruột thịt đều chạm được đến mức cao nhất tình cảm của khán giả. “Bố già” là một trường hợp tiêu biểu làm được rất tốt việc này”, đạo diễn kỳ cựu chia sẻ. Bên cạnh đó là yếu tố Việt trong cảnh sắc, trang phục, ngôn ngữ và đặc biệt là diễn biến tâm lý... Nhiều bộ phim trăm tỷ trước đó như “Hai Phượng”, “Mắt biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”..., và kể cả những bộ phim Việt hóa thành công như “Tháng năm rực rỡ”, “Em là bà nội của anh”, “Tiệc trăng máu”... đã chứng minh điều này. Làm tốt được điều đó, phim Việt không chỉ chinh phục được khán giả trong nước mà còn chinh phục được thị trường điện ảnh thế giới, giống như những gì mà Hàn Quốc đã thực hiện.
Trước doanh thu siêu khủng của “Bố già”, giới phân tích cho rằng doanh thu đó vẫn còn quá thấp so với tiềm năng lớn của thị trường với dân số khoảng 100 triệu người ở Việt Nam. Nói vậy là bởi số lượt vé bán ra của bộ phim vượt 5 triệu lượt, tức là mới có khoảng 5% dân số xem phim. So sánh với nền điện ảnh Hàn Quốc, chỉ với dân số hơn 50 triệu người nhưng đất nước này có hàng trăm phim đạt doanh thu trên 50 triệu USD. Nói như vậy để thấy rằng tiềm năng của thị trường điện ảnh Việt Nam còn rất lớn. Đó là động lực để các nhà làm phim tiếp tục sáng tạo, mang đến cho khán giả những thước phim thật sự thuyết phục và nhận về những con số trong mơ, góp phần xây dựng thành công ngành công nghiệp điện ảnh xứng tầm khu vực và thế giới.
Điện ảnh Việt Nam đang trên lộ trình hình thành nền công nghiệp, bởi cơ hội để phim Việt lấy lại thị trường mới chỉ bắt đầu mấy năm gần đây. Cơ cấu khán giả, độ tuổi xem phim và tốc độ đầu tư cho điện ảnh, sự tăng trưởng của hệ thống rạp chiếu phim trên khắp cả nước đang là những điểm cộng giúp duy trì khả năng tăng trưởng của loại hình nghệ thuật này. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, độ tuổi của khán giả Việt Nam đến rạp xem phim trẻ hơn rất nhiều (khoảng 80% là dưới 29 tuổi). Với cơ cấu này, các nhà phân tích cho rằng thị trường điện ảnh Việt Nam giàu tiềm năng, sẽ phát triển trong giai đoạn tới.