Thị trường tiền tệ tuần 29/7 – 2/8: Nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục, tỷ giá giảm mạnh vào cuối tuần
Tuần qua ghi nhận giai đoạn các ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với nhiều ngân hàng báo lãi kỷ lục. Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ tuần qua ghi nhận xu hướng tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng, trong khi đó tỷ giá tăng nhẹ đầu tuần sau đó giảm mạnh vào cuối tuần.
Lợi nhuận có sự phân hóa giữa các ngân hàng
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng trong số các ngân hàng niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 ghi nhận kết quả kinh doanh tăng mạnh. Mới đây, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 8.159 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, lãi trước thuế đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 12,1%. Đây là mức lợi nhuận quý kỷ lục từ trước đến nay của ngân hàng này.
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước về lợi nhuận ngân hàng trong cả năm 2024, có 86,2% tổ chức tín dụng dự báo lợi nhuận trước thuế sẽ tăng so với năm 2023 trong khi 10,1% lo ngại sẽ giảm và 3,7% nhận định sẽ không thay đổi.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng công bố kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm tăng mạnh. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý II đạt 7.827 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 6 tháng đạt 15.628 tỷ đồng, tăng trưởng 38,6% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Cũng ghi nhận mức lợi nhuận tăng mạnh nhất từ trước cho tới nay, trong quý II/2024, Ngân hàng TPCM Á Châu (ACB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.598 tỷ đồng, tăng trưởng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của ACB. Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 10.491 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và thực hiện được khoảng 47,7% kế hoạch năm.
Kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, 72,7% tổ chức tín dụng cho rằng, tình hình kinh doanh sẽ khởi sắc hơn trong quý II và suốt cả năm 2024. Về lợi nhuận trước thuế quý II, có 57,3% tổ chức tín dụng kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng so với quý I/2024, 30,9% dự báo giữ nguyên và 11,8% lo ngại sẽ giảm.
Giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng
Sau đợt tăng mạnh giá bán vàng miếng SJC trong ngày 18/7, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp điều chỉnh giá bán vàng miếng trong ngày 30/7 và 1/8. Cụ thể, trong ngày 30/7, căn cứ phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty TNHH MTV vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, giá bán vàng miếng trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước là 78 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng. Sau đó, trong ngày 1/8 giá bán vàng miếng trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước là 78,8 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng.
Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước và Công ty SJC được triển khai từ ngày 3/6, sau khi biện pháp đấu thầu vàng miếng SJC không đem lại hiệu quả như mong đợi. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp.
Tại buổi họp báo quý II/2024 của Ngân hàng Nhà nước diễn ra cách đây ít ngày, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, cơ chế bán vàng trực tiếp đã bước đầu phát huy hiệu quả, kiểm soát được giá vàng SJC đối với giá vàng thế giới, không để tạo ra chênh lệch quá lớn. Tuy nhiên, đây cũng là những chính sách trước mắt, còn lâu dài làm sao để căn cơ, phù hợp là vấn đề khó. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình thu hẹp và kiểm soát chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới ở mức phù hợp. Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành chức năng đã và đang nghiên cứu để xây dựng chính sách hợp lý đối với quản lý thị trường vàng thời gian tới.
Ngày càng nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm
Bước sang tháng 8, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Mức cao nhất lên hơn 6%/năm nhằm hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân, nhất là khi các kênh đầu tư khác chưa hồi phục rõ nét. Ngày 1/8, ngân hàng Agribank điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng tăng thêm 0,2%/năm, lên mức 1,8%/năm. Lãi suất huy động kỳ hạn 3-5 tháng đồng loạt tăng thêm 0,3%/năm, lên mức 2,2%/năm.
Trong khi đó, các kỳ hạn từ 6-9 tháng có lãi suất mới là 3,2%/năm sau khi tăng thêm 0,2%/năm. Như vậy, 3 trong số 4 ngân hàng thuộc nhóm ngân hàng quốc doanh đã tăng lãi suất huy động kể từ tháng 4.
Cùng ngày, ngân hàng HDBank đã tăng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-5 tháng đồng loạt được niêm yết tại mức 3,55%/năm sau khi tăng 0,3%/năm. HDBank tăng thêm 0,2%/năm lãi suất đối với tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, lên mức 5,1%/năm. Đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng, lãi suất huy động kỳ hạn này vượt ngưỡng 4,9%/năm.
Trong hai tuần trở lại đây, 16 ngân hàng tăng biểu lãi suất từ 0,1% đến 1,3%, gồm MB, VIB, VPBank, Sacombank, ABBank, BVBank, BacABank... Trong đó, ABBank là đơn vị tăng mạnh nhất, với mức điều chỉnh từ 0,6% đến 1,3% cho các khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 3 tháng trở lên. Gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại nhà băng này lãi suất 6,2%, mức cao nhất hệ thống. Tại các ngân hàng khác, lãi suất từ 6% trở lên chỉ xuất hiện nếu khách hàng gửi tiền ở các kỳ hạn dài 15-24 tháng, như ở SeABank, Oceanbank, NCB, BVBank.
Các chuyên gia cho rằng, bước sang quý III, cầu tín dụng bắt đầu phục hồi đòi hỏi các ngân hàng phải tính đến việc huy động thêm vốn để chuẩn bị phục vụ nhu cầu tín dụng trong thời gian tới, nhất là khi room tín dụng 15% đã được Ngân hàng Nhà nước giao ngay từ đầu năm.
Tỷ giá giảm mạnh vào cuối tuần
Tuần qua, tỷ giá đã có diễn biến tăng nhẹ vào đầu tuần nhưng sau đó điều chỉnh giảm mạnh vào cuối tuần. Tỷ giá trung tâm mở đầu tuần hôm 29/7 ở mức 24.261 đồng/USD, tăng nhẹ 3 đồng/USD so với phiên cuối tuần trước. Trong các ngày tiếp theo, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh nhích tăng và ghi nhận ở mức 24.257 đồng/USD vào ngày 30/7. Tuy nhiên, tỷ giá trung tâm giảm mạnh hôm thứ sáu ngày 2/8 về mức 24.245 đồng/USD, giảm 10 đồng/USD so với hôm trước đó và giảm 4 đồng/USD so với cuối tuần trước.
Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra tại Vietcombank hôm đầu tuần là 25.461 đồng/USD, giữ ổn định so với cuối tuần trước. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo ngân hàng này đã điều chỉnh giảm mạnh tỷ giá về 24.420 đồng/USD vào hôm thứ Năm và tiếp tục điều chỉnh giảm về mức 24.400 đồng/USD vào hôm thứ Sáu cuối tuần. Chốt tuần, tỷ giá bán ra tại Vietcombank giảm 61 đồng/USD so với đầu tuần.
Chỉ số DXY biến động trong biên độ hẹp
Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY biến động trong biên độ hẹp và không thể hiện xu hướng rõ ràng. Tại thời điểm chiều ngày 2/8 theo giờ Việt Nam, chỉ số DXY ghi nhận ở mức 104,24 điểm, giảm nhẹ so với mức điểm của chỉ số này trước đó 1 tuần.