Thị trường tiêu dùng Trung Quốc suy yếu ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Mỹ

Nền kinh tế Trung Quốc - nơi có dân số gấp bốn lần dân số của Mỹ đã thu hút các tập đoàn đa quốc gia trong nhiều thập kỷ nhờ quy mô thị trường rộng lớn và tốc độ phát triển nhanh của nước này. Nhưng tăng trưởng chậm hơn và cạnh tranh địa phương gay gắt trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng đang gây áp lực lên thu nhập của các công ty Mỹ.

Trong báo cáo kinh doanh cho quý kết thúc vào ngày 30/6, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của McDonald's, ông Christopher Kempczinski, cho biết: “Tâm lý người tiêu dùng ở Trung Quốc đang khá yếu trong ngành của chúng tôi và trên nhiều ngành công nghiệp tiêu dùng khác".

Trên thực tế, McDonald's nhận thấy rất nhiều thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng Trung Quốc, họ giờ đây chỉ muốn tìm kiếm những sản phẩm có giá tốt nhất.

McDonald's cho biết, doanh số bán hàng cho phân khúc thị trường nhượng quyền quốc tế của họ đã giảm 1,3% so với cùng kỳ một năm trước. Phân khúc này bao gồm cả Trung Quốc, nơi mà công ty cho biết doanh số bán hàng đã giảm, nhưng không nêu rõ là giảm bao nhiêu. McDonald's cũng khẳng định mục tiêu mở 1.000 cửa hàng mới tại Trung Quốc mỗi năm.

Còn chuỗi đồ ăn nhanh Domino’s cho biết, đơn vị điều hành tại Trung Quốc của họ, DPC Dash đặt mục tiêu có 1.000 cửa hàng tại quốc gia này vào cuối năm. Mới đây, DPC Dash cho biết, họ hiện có hơn 900 cửa hàng tính tới cuối tháng 6 và kỳ vọng doanh thu nửa đầu năm sẽ tăng trưởng ít nhất 45% lên 2 tỷ NDT (280 triệu USD).

Một số tập đoàn tiêu dùng lớn khác của Mỹ cũng có mức sụt giảm tương tự. Nhà sản xuất điện thoại iPhone Apple cũng báo cáo doanh số bán hàng tại Trung Quốc đại lục trong quý vừa qua giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty sản xuất hàng tiêu dùng Procter & Gamble cho biết doanh số bán hàng tại Trung Quốc trong quý kết thúc vào cuối tháng 6/2024 cũng giảm 9%.

Giám đốc Tài chính của Procter & Gamble, Andre Schulten cho biết, công ty không mong đợi tốc độ tăng trưởng phục hồi ở mức hai chữ số tại thị trường Trung Quốc như trong giai đoạn trước dịch COVID-19.

Ông dự báo rằng, theo thời gian, tốc độ tăng trưởng doanh số tại Trung Quốc sẽ cải thiện lên mức một chữ số, tương tự như ở các thị trường phát triển.

Nhà điều hành chuỗi khách sạn cao cấp Marriott International cũng phải cắt giảm triển vọng tăng trưởng doanh thu trên mỗi phòng khả dụng (RevPAR) trong năm nay xuống mức 3 - 4%. Sự điều chỉnh này chủ yếu là do nhận định rằng nhu cầu tại Trung Quốc đại lục sẽ vẫn yếu, bên cạnh hiệu suất suy giảm ở Mỹ và Canada.

Trong quý kết thúc vào ngày 30/6, RevPAR của Marriott tại Trung Quốc đại lục đã giảm khoảng 4%. Điều này một phần do người dân Trung Quốc chọn đi du lịch nước ngoài giữa lúc nền kinh tế trong nước phục hồi yếu hơn dự kiến.

Tương tự McDonald's, hãng sản xuất đồ giải khát Coca-Cola lưu ý rằng lòng tin của người tiêu dùng đang giảm sút mạnh mẽ ở Trung Quốc, nơi doanh số trái ngược với sự tăng trưởng ở Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tổng doanh thu hoạt động ròng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Coca-Cola trong quý II/2024 đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,51 tỷ USD.

Nhưng Chủ tịch kiêm CEO của Coca-Cola James Quincey cho rằng sự sụt giảm doanh số ở Trung Quốc là do công ty chuyển từ các đồ uống không mang lại lợi nhuận ở quốc gia này sang nhóm sản phẩm nước có ga, nước trái cây và trà.

Starbucks báo cáo doanh số bán hàng trung bình của mỗi cửa hàng ở Trung Quốc đã giảm 14% trong quý kết thúc vào ngày 30/6, cao hơn nhiều so với mức giảm 2% ở Mỹ.

Đối thủ đến từ Trung Quốc Luckin Coffee, hãng có giá đồ uống chỉ bằng một nửa giá tại Starbucks, đã báo cáo doanh số bán hàng trung bình của mỗi cửa hàng giảm 20,9% trong quý kết thúc vào ngày 30 tháng 6.

Tuy nhiên, công ty đã báo cáo tổng doanh số bán hàng tăng gần 40% lên mức tương đương 863,7 triệu USD, chủ yếu do số lượng cửa hàng mở mới tăng thêm. Luckin Coffee có hơn 13.000 cửa hàng chủ yếu ở Trung Quốc.

Starbucks cho biết doanh thu tại 7.306 cửa hàng của hãng tại Trung Quốc đã chứng kiến doanh thu giảm 11% xuống còn 733,8 triệu USD trong quý.

Cả hai công ty đang phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc, từ Cotti Coffee ở phân khúc thấp đến Peet's thuộc phân khúc cao cấp hơn.

Tuy nhiên không phải tất cả các thương hiệu tiêu dùng lớn đều báo cáo những khó khăn như vậy. Các thương hiệu giày thể thao ghi nhận tăng trưởng ở Trung Quốc song cũng cảnh báo về triển vọng chậm lại trong thời gian sắp tới.

Nike báo cáo doanh thu tại Trung Quốc Đại lục - khu vực chiếm 15% hoạt động của công ty - trong quý kết thúc vào ngày 31/5 tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Adidas cũng báo cáo doanh thu tại Trung Quốc Đại lục tăng trưởng 9% trong quý kết thúc vào ngày 30/6. Khu vực này chiếm khoảng 14% tổng doanh thu ròng của công ty. CEO Adidas Bjorn Gulden cho biết, công ty vẫn đang gia tăng thị phần tại Trung Quốc hàng tháng, nhưng các thương hiệu địa phương đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt.

Ông cho biết nhiều công ty trong số này là nhà sản xuất có thể chuyển thẳng sản phẩm sang kênh bán lẻ với các cửa hàng của riêng mình. Vì vậy, tốc độ và giá cả mà họ có thể chào mời người tiêu dùng đã thay đổi so với trước đây.

Adidas đang cố gắng điều chỉnh theo tình hình này. Bất chấp những suy yếu trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, các công ty Mỹ vẫn không có ý định rời cuộc chơi ở thị trường này.

Qui Ánh / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tieu-dung-trung-quoc-suy-yeu-anh-huong-toi-cac-doanh-nghiep-my-post351177.html