Thị trường toàn cầu dậy sóng sau thuế quan mới của Trump
Các mức thuế mới được Tổng thống Donald Trump công bố vào thứ Tư đã gây ra sóng gió trên thị trường toàn cầu, khi nhiều người lo sợ rằng các chính sách thuế quyết liệt này sẽ kìm hãm tăng trưởng, làm tổn hại lợi nhuận doanh nghiệp và đẩy lạm phát tăng cao.
Sau động thái này, một số chuyên gia nhà phân tích đã mô tả đây là "kịch bản xấu nhất" mà thị trường lo ngại.

Thị trường toàn cầu rơi vào hỗn loạn sau khi thuế quan mới của Trump được công bố
Nguy cơ chiến tranh thương mại
Thị trường toàn cầu đã bị "giằng xé" kể từ khi ông Trump lên nắm quyền và liên tục đưa ra những phát ngôn về việc áp thuế quan - có nguy cơ gây ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Các mức thuế mới của ông đã khiến những nỗi sợ này trở nên cụ thể hơn.
Tổng thống Trump đặt mức thuế sàn 10% cho mọi hàng hóa nhập khẩu và áp dụng mức thuế cao hơn đối với một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.
Tổng thể, các mức thuế này sẽ tạo ra những rào cản mới xung quanh nền kinh tế tiêu dùng lớn nhất thế giới, đảo ngược xu hướng tự do hóa thương mại kéo dài hàng thập kỷ đã định hình trật tự toàn cầu sau Thế chiến thứ II.
Qua các cuộc phỏng vấn, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích cho rằng những phát ngôn về thuế quan đã gây ra sự giảm tốc kinh tế, làm suy giảm niềm tin của cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Điều chưa thể đoán định hiện nay là phản ứng của các đối tác thương mại, họ nhận định.
Mặc dù thông báo hôm thứ Tư đã đưa ra mức thuế cơ bản, nhưng sau đó có thể là nhiều tháng đàm phán và sự bất ổn gây ra tổn hại lâu dài.
"Điều này tạo ra tâm lý tiêu cực về tương lai, làm chậm mọi hoạt động", John Luke Tyner, chuyên gia phân tích thu nhập cố định tại Aptus Capital Advisors ở Fairhope, Alabama, nhận định và thêm rằng: "Chúng ta đã chứng kiến sự đình trệ trong các dự án và những bình luận của các CEO về thị trường cũng như kinh tế".
Jay Hatfield, Giám đốc điều hành tại Infrastructure Capital Advisors, nói một cách thẳng thắn về tác động của thuế quan mới: "Đây là kịch bản tồi tệ nhất mà thị trường dự đoán, và nó đủ để có thể đẩy Mỹ vào suy thoái. Đó là lý do khiến các hợp đồng tương lai suy yếu như vậy".
Thị trường lao dốc
Tại Mỹ, các hợp đồng tương lai chứng khoán lao dốc khi Trump phát biểu, với chỉ số S&P 500 E-minis giảm 3,5%. Về tiền tệ, đồng đô la Mỹ mất 0,9% so với đồng yên Nhật xuống còn 148 JPY/USD, trong khi đồng peso Mexico giảm khoảng 0,4%. Giá các tài sản an toàn như vàng và trái phiếu kho bạc tăng lên.
Trong bài phát biểu tại Vườn Hồng Nhà Trắng, ông Trump giải thích các mức thuế này dựa trên sự công bằng, lập luận rằng các mức thuế "có qua có lại" là để đáp trả các thuế quan và rào cản phi thuế quan áp lên hàng hóa Mỹ.
"Trong nhiều trường hợp, bạn bè còn tệ hơn kẻ thù trong thương mại", ông Trump phát biểu và gọi đây là một tuyên ngôn độc lập.
Ban đầu, khi ông Trump nói, các nhà đầu tư bám vào con số thuế 10%, thấp hơn so với lo ngại của họ.
Nhưng sau đó, Trump công bố mức thuế cao hơn nhiều đối với một số đối tác thương mại lớn nhất. Một số quốc gia láng giềng và Trung Quốc. Bangladesh, Việt Nam, Lào và Campuchia phải chịu mức thuế cao nhất.
Các quỹ ETF của những thị trường này niêm yết tại New York đã sụt giảm mạnh sau thông tin trên.
"Những con số này gần với kịch bản thuế quan quyết liệt hơn, gây áp lực lên các tài sản rủi ro trong khi tạm thời hỗ trợ đồng đô la Mỹ", Uto Shinohara, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Mesirow Currency Management ở Chicago nói.
Các chuyên gia phân tích dự đoán các đối tác thương mại sẽ đáp trả bằng các biện pháp đối phó, có thể khiến giá cả từ xe đạp đến rượu vang tăng mạnh.
"Chúng ta mới chỉ thấy một phía của vấn đề, đó là hành động của chúng ta. Phía còn lại là cách các quốc gia khác phản ứng với hành động đó", Walter Todd, giám đốc đầu tư tại Greenwood Capital ở Greenwood, South Carolina nói.
Vị này nói thêm: "Đó là yếu tố quan trọng quyết định cách thị trường cuối cùng tiếp nhận những gì đang diễn ra".
Trong khi đó, Giám đốc đầu tư tại Mercer Advisors, Don Calcagni nhận định các mức thuế này là điềm xấu cho kinh tế toàn cầu.
"Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của điều có thể trở thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu nghiêm trọng", Calcagni cảnh báo.
Những diễn biến này xảy ra vào thời điểm đặc biệt quan trọng với các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ. Vào giữa tháng Ba, chỉ số S&P 500 đã xác nhận một đợt điều chỉnh, giảm 10% từ mức cao gần nhất. Chỉ số này kết thúc phiên giao dịch thường ngày thứ Tư thấp hơn 8% so với mức kỷ lục hồi tháng Hai.
"Các mức thuế này quá toàn diện và vượt xa kỳ vọng. Trước đây, người ta tranh luận liệu sự rõ ràng có thúc đẩy thị trường hay không. Nhưng giờ đây, khi đã rõ ràng, không ai hài lòng với những gì họ thấy", Jeanette Garretty, kinh tế trưởng tại Robertson Stephens nhận xét về mức thuế quan mới.