Thị trường trái cây đặc sản Mỹ: 'Đuổi' không hết người mua

Bất chấp những lo lắng về lạm phát và tình trạng thất nghiệp, người tiêu dùng Mỹ vẫn sẵn sàng trả tiền cho những thứ đặc biệt như dứa Rubyglow, dứa Pinkglow hay quýt Sumo.

Dứa Pinkglow. (Nguồn: Pinkglow Pineapple)

Dứa Pinkglow. (Nguồn: Pinkglow Pineapple)

Với 400 USD để chi tiêu cho một trải nghiệm ẩm thực cao cấp, người tiêu dùng có thể tự thưởng cho mình một hộp trứng cá muối, một hoặc hai chai rượu vang hảo hạng hoặc một bữa ăn nhiều món tại một nhà hàng cao cấp, hoặc đơn giản là chi toàn bộ tiền cho một quả dứa.

Nhu cầu đặc sản

Melissa's Produce, một nhà bán trái cây và rau đặc sản có trụ sở tại California, đang bán dứa Rubyglow với giá 395,99 USD/quả.

Del Monte, một đơn vị bán buôn chuyên về dứa, cho biết phải mất một thập kỷ rưỡi để phát triển loại dứa có màu đỏ này. Nhiều người cho rằng hiện nay không phải là thời điểm tốt nhất để tiếp thị một loại trái cây đắt tiền ở Mỹ.

Cách đây không lâu, tình trạng giá hàng tạp hóa tăng vọt đã trở thành vấn đề nóng, khiến chống lạm phát trở thành mục tiêu quan trọng của các nhà hoạch định chính sách Mỹ.

Giá tăng đã gây căng thẳng cho người tiêu dùng và khiến ngân sách của họ trở nên eo hẹp. Lo lắng về lạm phát và tình trạng thất nghiệp khiến nhiều người Mỹ chi tiêu ít hơn.

Tuy nhiên, nhu cầu đối với trái cây cao cấp tại Mỹ vẫn đủ mạnh để thuyết phục Del Monte mang dứa Rubyglow, được trồng ở Costa Rica, về bán tại Mỹ.

Bà Cindy van Rijswick, chiến lược gia chuyên về sản phẩm tươi sống tại Rabobank, cho rằng người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền cho những thứ đặc biệt.

Theo bà van Rijswick, đối với các sản phẩm đặc sản, luôn có một thị trường nhỏ dành cho các nhà hàng cao cấp, những người sành ăn hoặc một số kênh trực tuyến nhất định.

 Dứa Ruby Glow. (Nguồn: Del Monte)

Dứa Ruby Glow. (Nguồn: Del Monte)

Trong những năm gần đây, người Mỹ đặc biệt quan tâm đến các loại trái cây mới, họ trả giá cao cho táo Honeycrisp, nho Cotton Candy, quýt Sumo và dâu tây Nhật Bản. Hiện nay, họ có nhu cầu cao đối với các loại trái cây khác nhau và sẵn sàng chi tiền cho những lựa chọn mới thú vị.

Sự trỗi dậy của thị trường trái cây cao cấp

Khi táo Honeycrisp được giới thiệu cách đây hơn 30 năm, người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn về táo trong siêu thị.

Giáo sư Jim Luby tại Đại học Minnesota cho biết hiện nay táo Honeycrisp đã trở nên phổ biến đối với những người trồng trọt tại Minnesota. Tiếp thị sản phẩm mới là một công việc tốn kém.

Các nhà nghiên cứu phải nhân giống và lai tạo, chờ đợi chu kỳ sinh trưởng và bắt đầu lại nếu quả không đạt. Việc tìm kiếm một loại quả vừa ngon vừa thành công về mặt thương mại cần có thời gian và rất nhiều công sức.

Các nhà khoa học phải thuyết phục người trồng trọt đầu tư vào một loại trái cây chưa được chứng minh, dành nguồn lực có thể được sử dụng cho những loại trái cây cũ được yêu thích. Nhưng Honeycrisp đã giúp chứng minh rằng rủi ro là có thể chấp nhận được.

Kể từ thành công của táo Honeycrisp, sự đa dạng trong lĩnh vực nông sản đã tăng lên.

Theo Rabobank, trong thập kỷ qua, nguồn cung cấp bình quân đầu người đối với các loại trái cây cao cấp đã tăng lên. Một số loại trái cây đặc sản thậm chí còn được nhiều người yêu thích: nho Cotton Candy xuất hiện vào năm 2011 đã nhanh chóng trở nên phổ biến. Nhu cầu đối với quýt Sumo cũng đã bùng nổ trong những năm gần đây.

 Nho Cotton Candy. (Nguồn: Sprouts)

Nho Cotton Candy. (Nguồn: Sprouts)

Nhưng những loại trái cây trên rẻ hơn so với dâu tây đặc sản của Oishii, được trồng trong nhà kính tại một trang trại có nhiệt độ được kiểm soát. Khi được bán ra thị trường lần đầu tiên vào năm 2018, Oishii đã tính giá 50 USD cho một gói tám quả.

Giám đốc điều hành Oishii, Hiroki Koga, cho biết ngay cả ở mức 50 USD, vẫn liên tục có hàng nghìn người trong danh sách chờ mua hàng. Hiện nay, sau nhiều lần cải tiến công nghệ, sản phẩm của Oishii ngày càng sẵn có và rẻ hơn. Khách hàng có thể mua quả Oishii ở các cửa hàng tạp hóa thông thường với giá khoảng 10-14 USD mỗi gói.

Dứa 400 USD

Các nhà nghiên cứu của Del Monte đã phát triển nhiều loại dứa khác nhau trong nhiều năm. Năm 2020, công ty đã tung ra dứa Pinkglow, có ruột màu hồng và được đựng trong hộp đặc biệt.

Bà Melissa Mackay, phụ trách mảng tiếp thị tại khu vực Bắc Mỹ của Del Monte, cho biết Pinkglow chưa bao giờ được coi là mặt hàng chủ lực trong danh sách tạp hóa. Loại trái cây này thường được mua để làm quà biếu. Lúc đầu, Pinkglow được bán với giá khoảng 50 USD.

Hiện nay, loại quả này có thể được bán trực tuyến với giá khoảng từ 8-29 USD - mức giá tương đối hời nhưng vẫn quá cao đối với một quả dứa. Vậy có đáng để chi 400 USD cho một quả dứa?

Melissa's Produce đã mô tả dứa Rubyglow trên trang web của hãng này như một viên ngọc quý hiếm và là đỉnh cao của trái cây sang trọng, đồng thời nói thêm rằng đối với những người sành ăn, loại dứa này là một món quà khó quên.

Theo ông Robert Schueller, giám đốc quan hệ công chúng tại Melissa's Produce, hãng này bắt đầu với 50 quả dứa. Cho đến nay, họ đã bán được khoảng một nửa số đó trong vòng một tháng, bao gồm cả các nhà hàng ở Las Vegas và Nam California, những nơi đang sử dụng trái cây để trưng bày.

Ông Schueller nhấn mạnh có một thị trường nhỏ cho Rubyglow, song đây không phải là sản phẩm dành cho tất cả mọi người. Để cố gắng tạo thêm tiếng vang, Melissa đã liên hệ với một số người có ảnh hưởng về ẩm thực, bao gồm đầu bếp Bo Corley.

Ông Corley cho biết quả dứa thật sự rất thú vị, song vẫn không đáng giá 400 USD. Theo ông Corley, một số người có thể không chi tiền vì hương vị của quả dứa mà chỉ để khoe rằng họ có khả năng mua được nó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thi-truong-trai-cay-dac-san-my-duoi-khong-het-nguoi-mua-post954459.vnp