Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có niềm tin trở lại
Về quy mô giao dịch, hiện nay, trung bình một phiên đạt trên 3.000 tỷ. Tổng 5 tháng kể từ khi đi vào giao dịch đến nay khoảng trên 1,2 nghìn tỷ một phiên. Đây là tín hiệu rất tốt đối với thanh khoản trên thị trường; đồng thời góp phần tác động ngược lại thị trường phát hành sơ cấp.
Chiều 4/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" với sự tham dự của các vị khác mời là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp tài chính.
Tại Tọa đàm, các vị khách mời đều khẳng định vai trò hết sức quan trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho phát triển kinh tế, là thị trường giúp huy động vốn trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp, bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Sự phát triển của thị trường này mặc dù mới bắt đầu nhưng có những bước tiến rất nhanh.
Thời gian qua, tuy xảy ra một số vụ việc vi phạm ảnh hưởng đến thị trường, nhưng các khách mời đều đánh giá sự phản ứng của Nhà nước rất kịp thời và cần thiết, một mặt bảo đảm sự thượng tôn pháp luật, mặt khác kịp thời cắt bỏ những “khối u” để thị trường phát triển lành mạnh.
Đáng chú ý, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều chỉ đạo quyết liệt trong các lĩnh vực có liên quan đến thị trường này, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý đến duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cũng như các thị trường có liên quan tới thị trường trái phiếu như thị trường bất động sản, thị trường tín dụng, thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ của Nhà nước.
Thị trường có nhiều dấu hiệu tích cực
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương thông tin, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/3023 sửa đổi, bổ sung các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu, thị trường đã có những dấu hiệu tích cực hơn, doanh nghiệp đã quay lại phát hành được trái phiếu. Nếu như quý I hầu như không có đợt phát hành nào nào, thì từ quý II trở đi, tháng sau khối lượng phát hành đều cao hơn tháng trước. Tới hết tháng 11, có 77 doanh nghiệp phát hành khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ các quy định của Nghị định 08, doanh nghiệp và trái chủ đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn. Đến nay, khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp đã có phương án đàm phán, tỉ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023. Ngoài ra, những doanh nghiệp bố trí được nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu trước khi đến hạn.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Phong, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), cho biết, ngày 19/7 vừa rồi, Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung đầu tiên của Việt Nam đã đi vào hoạt động; đến nay đã có 760 trái phiếu của hơn 200 doanh nghiệp đăng ký. Như vậy, khoảng 2/3 các doanh nghiệp cũng như trái phiếu trên thị trường đã được đăng ký trên hệ thống giao dịch tập trung này.
Về quy mô giao dịch, hiện nay, trung bình một phiên đạt trên 3.000 tỷ. Tổng 5 tháng kể từ khi đi vào giao dịch đến nay khoảng trên 1,2 nghìn tỷ một phiên. Đây là tín hiệu rất tốt đối với thanh khoản trên thị trường; đồng thời góp phần tác động ngược lại thị trường phát hành sơ cấp.
“Điều này thể hiện chính sách đã đi vào cuộc sống và thị trường có niềm tin trở lại”, ông Nguyễn Anh Phong nêu.
Còn chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, Nghị định 08 là quyết sách chưa từng có trong tiền lệ, cho phép giãn, hoãn nợ trái phiếu và cho hoán đổi trái phiếu lấy sản phẩm là bất động sản hoặc thứ khác. Đây là tháo gỡ rất quan trọng.
Đồng thời, chuyên gia nhấn mạnh tính liên thông giữa thị trường tài chính và bất động sản, tức là song song với Nghị định 08 phải tháo gỡ cả kênh tín dụng, cả kênh thị trường bất động sản. Với hai thị trường này Thủ tướng đã ban hành nhiều công điện, nhiều chỉ thị, nhiều quyết sách trong thời gian vừa qua.
Bình luận về Công điện 1177/CĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 23/11, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng Công điện đã xác định đúng vấn đề, đưa ra các giải pháp rõ ràng cả 2 chiều: Một là thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững, hai là xử lý vấn đề còn tồn tại của thị trường.
Ông Hiếu chỉ ra 3 điểm nhấn của Công điện: Thứ nhất, Công điện có cách tiếp cận rất hệ thống, không chỉ giải quyết vấn đề của thị trường trái phiếu, mà cả thị trường liên thông với thị trường trái phiếu. Thứ hai là vấn đề bất động sản, lĩnh vực hấp thụ vốn trái phiếu riêng lẻ. Thứ ba, vấn đề vốn tín dụng liên thông nhau. Như vậy, cách tiếp cận rất toàn diện và đồng bộ.
Tại Tọa đàm, các diễn giả cũng khẳng định, với thị trường trái phiếu hay bất kỳ thị trường nào, đều phải trải qua giai đoạn phát triển và những vấp váp để chỉnh sửa lại những quy định, chính sách và chuẩn hóa quá trình phát triển của mình. Một số trường hợp vi phạm vừa qua mang lại nhiều bài học quý, cả cho người làm chính sách và cả người đầu tư mua trái phiếu.
Bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI, nói: “Chúng ta phải xác định đây là số ít nếu so với toàn bộ quy mô thị trường và việc xử lý cho tới thời điểm này là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, xử lý đến cùng tất cả các trường hợp vi phạm”.
Giải quyết tính liên thông giữa các thị trường
Trong thời gian tới, để bảo đảm an toàn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần sự chung tay của tất cả các bên, bởi đây không phải nhiệm vụ riêng của cơ quan nhà nước, của Bộ Tài chính hay các thị trường chứng khoán, trái phiếu.
Đầu tiên, phải có sự đồng bộ, thống nhất, toàn diện về mặt thể chế. Thứ hai, không thể thiếu hành động của tổ chức phát hành và đơn vị trung gian. Một số vi phạm vừa qua cũng là cơ hội để các tổ chức phát hành có uy tín, chất lượng có thể vươn lên, bứt phá hoặc tạo ra niềm tin riêng của mình. Thứ ba là không thể thiếu sự tham gia, hành động của chính những trái chủ.
Trong khi đó, một trong những giải pháp mà bà Nguyễn Ngọc Anh đưa ra là cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch nhanh chóng cho các nhà đầu tư sau khi họ đã thực hiện phát hành xong.
“Chúng ta có thể cân nhắc xây dựng cơ sở dữ liệu về trái phiếu riêng lẻ và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mang tính chất toàn thị trường. Như vậy, toàn bộ thủ tục hành chính về hồ sơ, giấy tờ của chúng ta sẽ được giảm thiểu”, bà Nguyễn Ngọc Anh đề xuất.
Nhấn mạnh việc giải quyết các vấn đề liên thông giữa các thị trường, ông Nguyễn Hoàng Dương cho rằng: “Tất cả mọi thứ sẽ bắt nguồn từ hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp phát hành. Nếu doanh nghiệp phát hành tốt lên thì mọi thứ sẽ được giải tỏa”.
Một trong những vướng mắc nhất của thị trường bất động sản hiện nay là tính pháp lý của các dự án, chiếm khoảng 70-80% khó khăn của thị trường bất động sản. Nếu như yếu tố chính sách, thủ tục được giải quyết thì các doanh nghiệp bất động sản sẽ nhanh chóng kết thúc được các dự án, đưa sản phẩm ra thị trường bán, thu tiền về và sẽ giải tỏa được tất cả các nghĩa vụ nợ với ngân hàng, rồi nợ trái phiếu doanh nghiệp, ông Dương phân tích.
Đồng quan điểm, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho rằng phải đồng bộ chính sách thì mới tháo gỡ được các khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp; đồng thời tăng cường truyền thông, đặc biệt là giáo dục tài chính cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và các bên có liên quan.
Theo ông Cấn Văn Lực, thị trường bất động sản còn có rào cản khá lớn về pháp lý, do đó mong muốn Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nâng hạng thị trường chứng khoán vì Việt Nam đang ở vị thế rất tốt.
Ông Cấn Văn Lực cũng đề xuất nên đưa giáo dục tài chính vào chương trình học cấp 3 như một môn học phổ thông giống như nhiều nước khác đang làm.
“Hiện hay các nước đã đưa ra hướng phải quan tâm hơn đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính. Chúng ta có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng khá chung chung, chưa có phân nhóm riêng, phân ngạch riêng và quyền lợi của người tiêu dùng tài chính. Chúng ta cần quan tâm hơn đến rủi ro của hệ thống tài chính liên thông với bất động sản, đồng thời kiến tạo để phát triển”, ông Cấn Văn Lực nêu quan điểm.