Thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Những nút thắt cần tháo gỡ
Bùng nổ hai năm gần đây nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam vẫn chỉ ở giai đoạn đầu phát triển. Vì thế nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới thị trường vẫn còn phải hoàn thiện từ cả phía nhà quản lý, thành viên thị trường và nhà đầu tư.
Quy mô thị trường tăng mạnh trong 2019
Báo cáo của SSI về quy mô phát triển của thị trường TPDN cho thấy, trong năm 2019, có 211 doanh nghiệp (DN) thực hiện chào bán tổng cộng 300.588 tỷ đồng trái phiếu, chia làm 807 đợt phát hành trong đó có 12 đợt phát hành không thành công. Tổng số trái phiếu phát hành cả năm là 280.141 tỷ đồng, tương đương 93.2% giá trị chào bán và tăng 25% so với năm 2018.
Hầu hết các DN phát hành dưới hình thức riêng lẻ, chỉ có khoảng 6% phát hành ra công chúng bởi các ngân hàng thương mại. Có duy nhất một lô phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 300 triệu USD của VPB vào 17/7/2019 với kỳ hạn 3 năm, lãi suất 6.25%/năm và trái phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán Singapore.
Lượng phát hành trái phiếu lớn trong năm 2019 đã khiến quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 9.01% GDP (2018) lên khoảng 11.3% GDP (2019), tổng lượng TPDN lưu hành đạt gần 670 nghìn tỷ đồng.
Trong số này, các ngân hàng thươn mại phát hành 115.422 tỷ đồng trái phiếu, chiếm tỷ trọng lớn nhất (41.2%) trong tổng lượng TPDN phát hành 2019. Các DN bất động sản phát hành 106.531 tỷ đồng trái phiếu, đứng thứ 2 với tỷ trọng 38%. Tiếp sau là nhóm các DN năng lượng và khoáng sản (13.2 nghìn tỷ đồng - 4.7%); các định chế tài chính phi ngân hàng mà chủ yếu là các CTCK (10.4 nghìn tỷ đồng – 3.8%); các DN phát triển hạ tầng (7.6 nghìn tỷ đồng - 2.8%); còn lại là các DN khác.
Về lãi suất, theo SSI, tính bình quân gia quyền theo giá trị phát hành năm 2019, lãi suất trái phiếu trung bình toàn thị trường là 8.8%/năm và kỳ hạn trái phiếu bình quân là 4.04 năm. Lãi suất và kỳ hạn đều nhích tăng trong quý cuối năm phần nhiều do các NHTM gia tăng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài và lãi suất cũng cao hơn.
Những nút thắt chờ tháo gỡ
Nhìn chung thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung đang được định hướng phát triển thành kênh huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế, thay thế dần cho kênh tín dụng. Theo ông Lê Tiến Đông - Chủ tịch Ủy ban Tài chính Chứng khoán - Tập đoàn Hà Đô, bản thân kết quả phát hành năm 2019 đã nói lên sức hấp dẫn của trái phiếu với DN như một kênh dẫn vốn, cũng đồng thời là sự hấp dẫn của nó đối với nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên thị trường trái phiếu thời gian qua phát triển quá nhanh, mặt tích cực là làm tăng quy mô, tăng tính hấp dẫn của thị trường nhưng tiêu cực là dẫn đến tình trạng cạnh tranh lãi suất, chất lượng TPDN không đồng đều, đẩy rủi ro về phía người mua phải tự thẩm định, tự đánh giá.
Về triển vọng thị trường thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Minh - Chủ tịch HĐTV Công ty chứng khoán Kỹ thương Techcom Securities - cho rằng, trong tương lai thị trường TPDN sẽ có khả năng phát triển mạnh hơn. Lý do, hiện khả năng cho vay trung, dài hạn tại các ngân hàng đang được hạn chế lại. Hơn thế một số ngân hàng lớn cũng đang dịch chuyển theo chiến lược là chuyển dần việc cho vay trung, dài hạn sang cho vay vốn lưu động ngắn hạn. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn cho các DN trong việc huy động vốn dài hạn cho đầu tư dài hạn.
Với triển vọng này, các chuyên gia cho rằng, để thị trường phát triển trong thời gian tới nên có những quy định cần thiết về hạn mức được phát hành cho mỗi DN, theo quy mô vốn hóa, hệ số nợ, quy mô tài sản; hoặc chỉ các công ty có tính đặc thù, thường xuyên được kiểm soát rủi ro và hệ số an toàn tài chính như công ty chứng khoán mới được phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo…
Về phía nhà đầu tư khi tham gia thị trường cần tìm hiểu đơn vị phát hành TPDN là DN như thế nào bởi mức độ rủi ro khi lựa chọn kênh TPDN dựa vào mức độ uy tín của các DN. Đồng thời nhà đầu tư cần tìm hiểu tình hình tài chính của DN, mục đích huy động vốn trái phiếu là gì…