Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản phục hồi chậm

Thị trường tài chính trong năm 2024 vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: nợ xấu còn gia tăng trong nửa đầu năm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và bất động sản phục hồi chậm và cần thời gian để chuyển biến rõ nét hơn.

Rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường tài chính còn tiềm ẩn

Trong báo cáo Thị trường tài chính Việt Nam và triển vọng, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 phục hồi với các điểm sáng - tối đan xen, nhưng điểm sáng chi phối.

Một số kết quả nổi bật đáng ghi nhận là: tín dụng tăng chậm trong 3 quý đầu năm, nhưng phục hồi mạnh trong quý 4/2023, cả năm tăng 13,78%, thấp hơn mục tiêu 14,5% nhưng là mức cao so với khu vực và phù hợp với nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào. Lãi suất giảm, khiến chênh lệch lãi suất VND-USD duy trì ở mức cao, tạo áp lực lên tỷ giá.

 Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TC)

Ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: TC)

Mặc dù vậy, với các biện pháp can thiệp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn giữ được biến động tỷ giá trong tầm kiểm soát (tăng 2,6%), qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính - tiền tệ.

Kết quả hoạt động của các định chế tài chính (ĐCTC) phân hóa với lợi nhuận trước thuế của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 7,3%, của các công ty chứng khoán tăng trên 45%, trong khi doanh thu phí bảo hiểm giảm gần 9% (nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm tăng mạnh 30-60%, chủ yếu là do lợi nhuận từ đầu tư tài chính và tiết giảm chi phí).

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2023 phục hồi với chỉ số VN-Index tăng hơn 12%, giá trị vốn hóa tăng gần 14% so với cuối năm trước, phát hành TPDN đạt gần 340 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với 2022, đồng thời, thị trường cũng được lành mạnh hóa dần thông qua xử lý các vụ việc vi phạm.

Tuy nhiên, thị trường tài chính Việt Nam năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi cơ cấu thị trường chưa có nhiều cải thiện, vẫn phụ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng (chiếm 48,4% tổng vốn đầu tư toàn xã hội) trong khi qua kênh thị trường vốn vẫn khiêm tốn (chiếm 12,4%), thanh khoản thị trường cổ phiếu giảm (11,2%).

Tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng và bảo hiểm đều thấp hơn nhiều so với năm 2022, nợ xấu gia tăng, trong khi năng lực bao nợ xấu của các TCTD có phần giảm, việc tăng vốn điều lệ của các ĐCTC còn chậm so với yêu cầu.

Thể chế cho kinh tế số, kinh tế xanh, các mô hình kinh doanh mới, tài chính xanh… còn chậm ban hành.

Rủi ro liên thông giữa thị trường bất động sản với thị trường tài chính còn tiềm ẩn, tuy nhiên trong tầm kiểm soát; cơ cấu lại các TCTD yếu kém còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro công nghệ và an ninh mạng gia tăng, đòi hỏi cần nhận diện và đẩy nhanh hơn, kiểm soát hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản phục hồi chậm

Bước sang năm 2024, kinh tế thế giới dự báo đi ngang hoặc tăng trưởng chậm lại, dù thương mại và đầu tư dần phục hồi, lạm phát toàn cầu tiếp tục giảm.

Đối với Việt Nam, Nhóm nghiên cứu BIDV dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6-6,5% (kịch bản cơ sở) với các động lực tăng trưởng phục hồi tốt hơn năm 2023, lạm phát tăng khoảng 3,4-3,8%, trong mục tiêu là 4-4,5%.

Với khu vực tài chính của Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ tích cực hơn. Chính sách tiền tệ được dự báo theo hướng chủ động, linh hoạt, lãi suất duy trì ở mức thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

 Nhóm nghiên cứu của BIDV cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản phục hồi chậm. (Ảnh: ST)

Nhóm nghiên cứu của BIDV cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản phục hồi chậm. (Ảnh: ST)

Tỷ giá mặc dù còn chịu áp lực lớn trước khi FED quyết định giảm lãi suất nhưng sẽ hạ nhiệt dần từ cuối quý 2/2024, với mức tăng khoảng 2,5-3% trong năm 2024. Cơ cấu cung ứng vốn của nền kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo được kỳ vọng chuyển dịch theo hướng tích cực hơn khi giảm dần tỷ trọng của kênh tín dụng, tăng tỷ trọng qua kênh thị trường vốn và đầu tư tư nhân.

Thanh khoản thị trường được kỳ vọng có sự cải thiện tích cực. Tăng trưởng lợi nhuận của các ĐCTC năm 2024 được dự báo sẽ ở mức cao hơn năm 2023.

Khung pháp lý cho thị trường tài chính tiếp tục được hoàn thiện với thay đổi đáng quan tâm nhất là Luật các TCTD sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và các luật quan trọng khác có hiệu lực từ đầu năm 2025, với nhiều điểm mới quan trọng.

Mặc dù vậy, thị trường tài chính trong năm 2024 vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm như: nợ xấu còn gia tăng trong nửa đầu năm nhưng sẽ giảm dần cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu nhưng tín dụng đang phục hồi và cả năm có thể tăng 14-15%, thị trường TPDN và bất động sản phục hồi chậm và cần thời gian để chuyển biến rõ nét hơn.

Việc tăng vốn điều lệ của các ĐCTC vẫn là thách thức khi chính sách quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chưa có đột phá.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số và xu hướng tăng trưởng xanh, tài chính xanh đòi hỏi nguồn lực đầu tư, phát triển thể chế và nguồn nhân lực chất lượng cao. Rủi ro công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin, dữ liệu có xu hướng gia tăng…; đặt ra yêu cầu mới cho cơ quan quản lý cũng như các bên tham gia thị trường.

Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu kiến nghị cần đồng bộ phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn, trong đó cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường TPDN để giảm bớt áp lực nguồn vốn trung - dài hạn cho hệ thống ngân hàng, hiện thực hóa việc nâng hạng TTCK (từ “cận biên” lên “mới nổi”) theo đúng kế hoạch đề ra.

Đồng thời, nhóm nghiên cứu đề nghị đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế quản lý - giám sát thị trường tài chính để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện tại cũng như tận dụng xu hướng mới, cơ hội mới trong tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, tài chính xanh và chuyển đổi số.

Trích dẫn báo cáo, ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho rằng, Việt Nam cần gia tăng nguồn lực cho các TCTD thông qua cho phép các TCTD có sở hữu Nhà nước được giữ lại cổ tức Nhà nước hàng năm để tăng vốn.

"Ngoài ra cũng cần đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các TCTD, nhất là các TCTD yếu kém, và đẩy nhanh tháo gỡ pháp lý cho thị trường đất đai, bất động sản nhằm giải phóng nguồn lực, hỗ trợ xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa hệ thống", ông Phương nói.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-va-bat-dong-san-phuc-hoi-cham-post291931.html