Thị trường tuyển dụng trong nước được dự báo có một năm đầy hứa hẹn

Theo Khảo sát Lương 2024 do Robert Walters - Tập đoàn tư vấn tuyển dụng thực hiện gần đây, trước những thách thức về kinh tế, thị trường tuyển dụng Việt Nam vẫn có nhiều tín hiệu tích cực và thể hiện sự lạc quan trong năm 2024.

Theo đó, thị trường tuyển dụng trong nước được dự báo có một năm đầy hứa hẹn.

Hình IT

Hình IT

Điển hình, 59% nhân sự thuộc tất cả các lĩnh vực tại Việt Nam được khảo sát bày tỏ sự quan tâm lớn với các cơ hội nghề nghiệp mới trong 12 tháng tới.

Xu hướng này được thúc đẩy bởi nhu cầu nâng cao các quyền lợi trong công việc của người lao động. 3 yếu tố quan trọng được cân nhắc hàng đầu của họ bao gồm chế độ lương thưởng hấp dẫn, chiến lược nâng cao phúc lợi cho nhân sự của doanh nghiệp và khả năng linh hoạt trong hình thức làm việc (từ xa hoặc kết hợp).

Ngoài ra, 67% nhân sự cấp cao được khảo sát tin rằng mức lương của họ sẽ tăng lên nếu chuyển việc. Điều này phản ánh rõ nét niềm tin của người lao động vào thị trường việc làm trong nước.

Hơn thế nữa, 62% nhân sự cấp cao được hỏi cũng bày tỏ sự lạc quan về khả năng tìm được cơ hội làm việc mới thuộc ngành nghề của họ.

Trong bối cảnh đó, cải thiện phúc lợi và cơ hội phát triển nghề nghiệp vẫn là yếu tố then chốt để các nhân sự chuyên môn cao đưa ra quyết định về việc “đi hay ở” trong năm 2024.

Cùng với triển vọng tích cực của thị trường tuyển dụng, 62% doanh nghiệp tại Việt Nam đang có kế hoạch tăng lương dành cho các nhân sự cấp cao, với mức tăng dự kiến dao động từ 15% đến 25% đối với nhân sự chuyển việc.

Trọng tâm tuyển dụng đã chuyển sang các ứng viên có kỹ năng hợp tác tốt với đối tác và doanh nghiệp, đồng thời, đánh giá cao khả năng vận dụng linh hoạt và liền mạch chuyên môn kỹ thuật với những hiểu biết chiến lược.

Trên thực tế, năng lực hợp tác sẽ là yêu cầu chính trong nhiều vai trò trong năm 2024. Nhu cầu này nổi bật nhất trong lĩnh vực Pháp lý và Tài chính cũng như Nhân sự.

Hơn nữa, các công ty đang chú ý nhiều hơn đến các giá trị và cam kết của họ đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) trong quá trình xây dựng thương hiệu và quy trình tuyển dụng của họ.

Theo ông Phạm Tuấn Phúc - Giám đốc điều hành của Robert Walters Việt Nam, các trọng tâm này không chỉ nâng cao uy tín của công ty mà còn thúc đẩy văn hóa làm việc tích cực, gắn kết nhân viên và thu hút nhân tài phù hợp với các giá trị chung.

Ông Phúc dự đoán: Xu hướng nổi bật trong năm tới của các doanh nghiệp là đo lường và báo cáo tác động của các sáng kiến CSR cũng như sử dụng công cụ kỹ thuật số để quảng bá các sáng kiến này, từ đó thể hiện rõ ràng cam kết của doanh nghiệp đối với các tác động xã hội.

Một trong những kết luận quan trọng của cuộc khảo sát vừa qua là việc các doanh nghiệp có sự quyết đoán cao trong công tác tuyển dụng sẽ có nhiều cơ hội để thu hút nhân tài hơn.

Do đó, ông Phúc đề xuất các doanh nghiệp nên tập trung tối ưu hóa quy trình và làm rõ tiêu chí tuyển dụng để đẩy nhanh việc đưa ra quyết định. Ngoài tốc độ, các công ty nên ưu tiên tạo ra trải nghiệm tích cực cho ứng viên bởi điều này ảnh hưởng đáng kể đến danh tiếng của công ty và hình ảnh của thương hiệu về lâu dài.

Ông Phạm Tuấn Phúc, Giám đốc Quốc gia Robert Walters Việt Nam.

Ông Phạm Tuấn Phúc, Giám đốc Quốc gia Robert Walters Việt Nam.

Ông Phúc gợi ý thêm rằng, các công ty nên tuyển dụng dựa trên tiềm năng của ứng viên để có thể tiếp cận nguồn nhân sự đa dạng hơn. “Khi đã chiêu mộ được những nhân tài này, nhà tuyển dụng có thể giữ chân họ bằng cách nuôi dưỡng văn hóa công ty, tạo ra một môi trường làm việc gắn kết và tích cực. Để giải quyết những khoảng cách về năng lực, hãy có chiến lược đào tạo và phát triển chuyên môn của họ.

Cùng với đó, đầu tư và khen thưởng kịp thời những đóng góp của họ thông qua việc thăng chức hoặc bám sát các tiêu chuẩn lương thưởng và phúc lợi trên thị trường cũng là một giải pháp hiệu quả”, ông Phúc chia sẻ.

Đông Hường

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/thi-truong-tuyen-dung-trong-nuoc-duoc-du-bao-co-mot-nam-day-hua-hen-d8767.html