Thị trường vận tải biển cuối năm với những tín hiệu tích cực

Từ đầu năm đến đầu tháng 7, tình trạng tăng giá cước vận tải biển, ùn tắc tại một số cảng châu Á và thiếu container rỗng đã có tác động, ảnh hưởng đến hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đến giữa tháng 8/2024, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, giá cước vận tải hàng hóa container đi quốc tế đã giảm mạnh, điều này mang đến nhiều tín hiệu tích cực đến cho các chủ hàng trong nước.

Giá cước rục rịch giảm

Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, giá cước vận tải hàng hóa container đi quốc tế giảm mạnh sẽ mang tới nhiều thuận lợi cho khách hàng, giảm chi phí vận tải, thuận lợi trong việc đặt chỗ, mang lại hiệu quả kinh doanh của chủ hàng.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam, đến trung tuần tháng 8 này, giá cước đã giảm trên tất cả các tuyến, mạnh nhất là trên tuyến châu Á đi bờ Tây nước Mỹ, tuyến châu Âu (giảm khoảng 20-30%). Mức giá trên các tuyến vận tải khác cũng giảm khoảng từ 15-25%. Hiện tại, mức giá giảm bằng 44% so với mức giá thời kỳ đỉnh điểm trong lịch sử đại dịch COVID-19 (tháng 9/2021) và dự kiến tiếp tục giảm trong thời gian tới. Trung bình mỗi tuần, giá cước giảm khoảng 3-4% so với tuần trước đó.

Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính bố trí nguồn tài chính, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng trên 90 ngày ở cảng biển.

Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính bố trí nguồn tài chính, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng trên 90 ngày ở cảng biển.

Dự báo trong thời gian tới, giá cước tiếp tục giảm do một số tác động tích cực từ thị trường và hiện tượng tắc nghẽn tại một số cảng lớn đã không còn xảy ra. Dù giá cước giảm song trước các biến động khó lường của thị trường, Cục Hàng hải Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp theo dõi sát tình hình thị trường giá cước, để có những giải pháp ứng phó kịp thời trong trường hợp thị trường có biến động xấu.

Báo cáo của Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho thấy sản lượng hàng hóa cũng có dấu hiệu tăng trưởng. Cụ thể, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam trong 7 tháng của năm 2024 đạt gần 500 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, hàng container đạt 16,9 triệu Teu, tăng 21%, container xuất nhập khẩu đạt 10,8 triệu Teu, tăng 16,6%. Sản lượng hàng hóa tăng là tín hiệu tích cực cho thị trường vận tải, đưa tới nhiều thuận lợi cho khách hàng. Trước đó, từ đầu năm 2024 đến nay, giá cước vận tải hàng hóa container xuất nhập khẩu tăng mạnh, đặc biệt là các tuyến vận tải biển quốc tế.

Đẩy nhanh giải phóng hàng hóa tồn đọng

Những ngày đầu tháng 8, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCIT) vẫn tất bật. Sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng giúp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo TCIT cho hay, trong kho bãi của cảng vẫn còn khoảng 100 Teu container tồn đọng chưa xử lý.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thương, Phó trưởng Phòng Vận tải và dịch vụ hàng hải, Cục Hàng hải Việt Nam thông tin, tại thời điểm tháng 7/2024, số lượng hàng hóa container tồn đọng trên 90 ngày tại các khu vực cảng biển Việt Nam là 7.650 container, tập trung tại các cảng biển lớn như TP Hồ Chí Minh (5.800 cont), Hải Phòng (1.500 cont), Đà Nẵng (186 cont), Vũng Tàu (120 cont). Trong đó, container tồn đọng trên 3 năm là 3.100 cont, từ 1-3 năm là 1.240 container, dưới 1 năm là 3.200 contaier. Hàng phế liệu 1.000 contaier, đông lạnh 450 container, còn lại là hàng hóa khác trên 6.000 container.

Một số lượng lớn container tồn đọng lâu ngày chưa xử lý được do nhiều lý do khách quan. Đơn cử như một số container đã hoàn tất thủ tục và tiến hành đấu giá, tuy nhiên khách hàng đã từ chối mua do giá trị định giá hàng hóa quá cao nên vẫn chưa xử lý được (tại cảng khu vực TP Hồ Chí Minh). Trong số container tồn đọng thuộc diện hàng trọng điểm hoặc vi phạm được khóa, lưu trữ tại cảng theo yêu cầu của hải quan hoặc cơ quan điều tra, tuy nhiên đến thời điểm này chưa có thông tin xử lý từ các cơ quan có chức năng đối với các lô hàng này (tại cảng khu vực TP Hồ Chí Minh).

Mặt khác, chi phí để xử lý hàng hóa tồn đọng rất tốn kém, trong khi nguồn kinh phí không được bố trí thường xuyên; thủ tục thanh quyết toán chưa được hướng dẫn rõ ràng, dẫn đến không có nguồn kinh phí để thực hiện xử lý hàng tồn đọng nên các bên liên quan đã dừng việc xử lý các lô hàng tồn đọng sau khi đã đăng thông báo, kiểm kê và phân loại hàng hóa. Việc tồn đọng hàng hóa lâu ngày dẫn tới hậu quả là kho bãi của cảng bị chiếm dụng, giảm hiệu quả khai thác và luân chuyển bãi. Diện tích chứa hàng tồn đọng ngày càng tăng trong khi diện tích kho bãi có hạn làm tăng áp lực khai thác cho cảng vào những thời điểm cao điểm.

Đồng thời, phát sinh thêm các chi phí như các container hàng lạnh phải duy trì chạy điện trong khi hàng hóa bên trong đã hư hỏng. Số lượng container lưu giữ trên 90 ngày cảng cũng không thu được phí lưu bãi. Một số container lưu giữ hàng thực phẩm, phụ phẩm, nguyên liệu đã hư hóng bốc mùi, gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường…

Theo một doanh nghiệp cảng biển tại TP Hồ Chí Minh, các cơ quan có liên quan cần sớm có cơ chế phù hợp để thúc đẩy giải tỏa hàng hóa tồn đọng tại cảng, sửa đổi hoặc thay thế các thông tư, nghị định không còn phù hợp với với điều kiện thực tế.

Để tiếp tục có giải pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hóa tồn đọng, bà Nguyễn Thị Thương thông tin, Cục Hàng Hải đã kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Giám sát quản lý về hải quan, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh và Cục Hải quan Hải Phòng; bố trí nguồn tài chính, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ xử lý hàng hóa tồn đọng trên 90 ngày để giải phóng kho bãi cảng và thu hồi container rỗng; xem xét sửa đổi Thông tư số 203/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính theo đó giảm bớt quy trình, thủ tục, giảm thời gian xử lý hàng tồn đọng tại cảng.

Đặng Nhật

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/thi-truong-van-tai-bien-cuoi-nam-voi-nhung-tin-hieu-tich-cuc-i740974/