Thị trường vàng chao đảo, Trung Quốc lộ tham vọng mới
Trung Quốc khởi động chiến dịch đưa Sàn Giao dịch vàng Thượng Hải ra thế giới, tham vọng soán ngôi định giá toàn cầu giữa lúc giá vàng lập đỉnh và thách thức vai trò phương Tây.

Kế hoạch quốc tế hóa SGE là bước đi chiến lược của Trung Quốc nhằm giành quyền định giá vàng và nâng tầm đồng nhân dân tệ trên bản đồ tài chính toàn cầu. Ảnh: Medium.
Theo Kitco, Trung Quốc đang triển khai một chiến lược quy mô lớn nhằm nâng cao vị thế của Sàn Giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) trên thị trường toàn cầu, hướng đến mục tiêu định hình lại cơ chế xác lập giá vàng quốc tế vốn do các trung tâm tài chính phương Tây chi phối trong hơn một thế kỷ qua.
Bắc Kinh "ra tay"
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cùng 3 cơ quan chính phủ vừa công bố "Kế hoạch hành động nhằm nâng cao hơn nữa khả năng cung ứng dịch vụ tài chính xuyên biên giới tại Trung tâm Tài chính Quốc tế Thượng Hải".
Trong đó, PBoC cam kết đầu tư vào quá trình quốc tế hóa SGE, bao gồm cả việc xây dựng các kho lưu trữ vàng ở nước ngoài để phục vụ hoạt động giao hàng quốc tế - một bước đi chiến lược nhằm cạnh tranh trực tiếp với các sàn giao dịch lâu đời như London Metal Exchange (LME) hay Comex của Mỹ.
Thay vì sử dụng mô hình định giá thông qua giao dịch OTC như tại London, Trung Quốc định vị SGE như một trung tâm định giá tập trung. SGE hiện đã thiết lập liên hệ với nhiều ngân hàng quốc tế lớn như HSBC, ANZ, Standard Bank và Standard Chartered nhằm thúc đẩy công nhận giá tham chiếu bằng nhân dân tệ (NDT) trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh mục tiêu định giá, Bắc Kinh cũng nhấn mạnh việc củng cố vai trò của các nền tảng tài chính trong việc phân bổ nguồn lực toàn cầu, tạo điều kiện cho nhà đầu tư quốc tế tham gia sâu hơn vào thị trường tài chính Trung Quốc - nơi vốn chịu sự kiểm soát chặt chẽ về dòng vốn và quy định pháp lý.
Tuy PBoC không công bố cụ thể những sản phẩm sẽ được ưu tiên trong sáng kiến này, hiện tại, SGE chủ yếu giao dịch các kim loại quý như vàng, bạc và bạch kim.
Dù Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ kim loại quý lớn nhất thế giới, phần lớn giao dịch của nước này vẫn được định giá dựa trên giá quốc tế. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã đẩy mạnh các nỗ lực nhằm tận dụng vị thế thị trường để tăng cường quyền định giá và ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực kim loại.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Reuters đưa tin Trung Quốc đang triển khai các bước nhằm “định hình giá các loại kim loại công nghiệp mà nước này sản xuất và tiêu thụ với khối lượng khổng lồ, thông qua việc thu hút các doanh nghiệp nước ngoài tham gia giao dịch tại sàn kỳ hạn Thượng Hải, từ đó làm phân mảnh thị trường toàn cầu".
Nếu thành công, các hợp đồng của Thượng Hải có thể đạt được vị thế giá chuẩn, "lật đổ hệ thống giá tham chiếu kim loại công nghiệp vốn được thiết lập từ năm 1877" - thời điểm LME ra đời.
Tham vọng định hình lại thị trường tài chính toàn cầu
Bối cảnh hiện tại mang đến cơ hội chiến lược cho Trung Quốc. Giá vàng liên tục lập đỉnh mới kể từ đầu năm, phản ánh tâm lý phòng vệ của giới đầu tư trong bối cảnh bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Ngày 22/4, giá vàng giao ngay có thời điểm vượt mốc 3.500 USD/ounce - cao nhất mọi thời đại, trong khi chênh lệch giữa giá vàng tại Thượng Hải và London lên đến hàng chục USD/ounce.
Cùng lúc, đồng USD trượt giá xuống mức thấp nhất trong 3 năm so với rổ tiền tệ chính, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang dưới chính sách thuế quan cứng rắn của Tổng thống Donald Trump.

Kế hoạch của Trung Quốc được công bố giữa lúc giá vàng đang trên đà lập đỉnh. Ảnh: Medium.
Theo các chuyên gia, chiến lược quốc tế hóa Sàn Giao dịch vàng Thượng Hải (SGE) là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD và nâng cao vị thế của đồng nhân dân tệ trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Việc này không chỉ giúp Trung Quốc giành lại quyền định giá kim loại quý từ các trung tâm phương Tây như London Metal Exchange (LME), mà còn thúc đẩy doanh nghiệp nội địa tự do hơn trong việc xây dựng hợp đồng giao dịch.
Các doanh nghiệp nước ngoài, nếu muốn tác động đến giá tham chiếu tại thị trường Trung Quốc, sẽ phải tham gia vào các sàn như ShFE - cho thấy sự dịch chuyển quyền lực định giá từ Tây sang Đông.
Ông Vương Phong Hải, Tổng giám đốc ShFE, từng chia sẻ với truyền thông Trung Quốc hồi tháng 6 năm ngoái rằng quốc tế hóa thị trường là yếu tố then chốt để Trung Quốc có thể nắm giữ ảnh hưởng về giá trên thị trường kim loại toàn cầu.
"Chỉ bằng cách mở cửa, chúng ta mới có thể thu hút nhà đầu tư nước ngoài, để họ tham gia vào quá trình hình thành giá của ShFE, từ đó nâng cao quyền định giá", ông nhấn mạnh.
Bệ phóng chiến lược hay cuộc chơi rủi ro?
Việc cạnh tranh trực tiếp với LME và Comex là một thách thức lớn. Đây đều là các sàn giao dịch lâu đời, có thanh khoản dồi dào và mạng lưới đối tác toàn cầu rộng khắp. Trong khi đó, SGE chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và vẫn đang trong quá trình xây dựng lòng tin với nhà đầu tư quốc tế.
Tuy vậy, theo ông Philip Klapwijk, chuyên gia tại tổ chức Precious Metals Insights, nếu Trung Quốc thành công trong việc quốc tế hóa SGE, cán cân quyền lực trong thị trường vàng toàn cầu có thể thay đổi đáng kể. "Việc SGE giành được quyền định giá sẽ làm lung lay vai trò trung tâm của London và New York", ông nhận định.
Kịch bản này có thể kéo theo phản ứng mạnh từ Mỹ và Anh - bao gồm các biện pháp hạn chế giao dịch hoặc kiểm soát dòng vốn nhằm bảo vệ lợi ích tài chính quốc gia.
Một SGE phát triển vượt tầm nội địa sẽ không chỉ giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tài chính, mà còn củng cố liên kết kinh tế với các quốc gia BRICS - vốn cũng đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong bối cảnh trật tự kinh tế toàn cầu đang thay đổi.
Trong dài hạn, kế hoạch quốc tế hóa SGE có thể trở thành mảnh ghép quan trọng trong chiến lược đối đầu mềm giữa Trung Quốc và phương Tây - không phải bằng quân sự, mà bằng đồng tiền, công nghệ và quyền định giá trên thị trường toàn cầu.
Nguồn Znews: https://znews.vn/thi-truong-vang-chao-dao-trung-quoc-lo-tham-vong-moi-post1548406.html