Thị trường việc làm ít biến động

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các đơn vị, doanh nghiệp khởi động hoạt động sản xuất, kinh doanh; người lao động khẩn trương bắt tay thực hiện công việc. Nhờ đó, thị trường lao động, việc làm tại Hà Nội những ngày đầu năm diễn ra tương đối sôi động, nhưng ít có sự biến động. Những tín hiệu tích cực này là cơ sở để các bên nỗ lực khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm.

Ngay từ những ngày đầu năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm chuyên đề nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động. Ảnh: Minh Ngọc

Nhiều tín hiệu lạc quan

Không còn tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, người lao động bắt tay thực hiện công việc ngay trong những ngày đầu xuân. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, các địa điểm thường tập trung lao động tự do chờ việc làm, như: Khu vực cầu Mai Động (quận Hai Bà Trưng); cầu Đen (quận Hà Đông); chợ Long Biên (quận Ba Đình)… nhộn nhịp người tìm việc, việc tìm người. Tại khu vực cầu Đen, anh Bùi Văn Thể, đến từ huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) cho biết, đa số người lao động ở địa điểm này có mặt từ ngày 17-2 (tức mùng 6 Tết) để chờ việc làm. Người lao động dễ dàng tìm được công việc bốc, xếp, tháo dỡ hàng hóa, dọn nhà theo giờ với mức tiền công 40.000-60.000 đồng/người/giờ hoặc 250.000-350.000 đồng/người/ngày.

Tín hiệu lạc quan của thị trường lao động còn được thể hiện rõ hơn qua các trang thông tin giới thiệu việc làm, các đơn vị kết nối việc làm tư nhân cũng như các sàn giao dịch việc làm thuộc sự quản lý của cơ quan, đơn vị chức năng. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Vũ Quang Thành thông tin, dịp này, trang thông tin http://vieclamhanoi.net thường xuyên có hơn 4.000 đơn vị, doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng và có hơn 3.000 hồ sơ ứng tuyển. Số người đến ứng tuyển, số doanh nghiệp đến tuyển dụng trực tiếp tại các sàn giao dịch việc làm cũng sôi động hơn cùng kỳ năm 2020.

Người lao động sẵn sàng vào việc ngay sau kỳ nghỉ Tết đã giúp người sử dụng lao động dễ tuyển đủ số lượng lao động theo nhu cầu. Chị Nguyễn Thị Hồng Xuân, chủ một cơ sở kinh doanh hàng tiêu dùng ở tổ dân phố 13, phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Chỉ sau hai ngày đăng thông tin tuyển dụng, tôi đã tìm được 8 lao động cho vị trí kế toán, bán hàng, giao hàng, quản lý kho”. Đáng mừng hơn, sự ổn định của thị trường lao động được duy trì.

Được biết, khác với những năm trước, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhìn chung tình trạng người lao động, công nhân "nhảy việc" ít xảy ra. Số lao động trở lại làm việc trong những ngày đầu năm toàn thành phố đạt 94,5%, có những doanh nghiệp đạt xấp xỉ 100%.

Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, hơn 96% công nhân Công ty TNHH TOTO Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long) đã trở lại làm việc. Ảnh: Nhật Nam

Nhiều giải pháp kết nối cung - cầu

Để kết nối người lao động với thị trường việc làm đạt hiệu quả, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương kích hoạt 100% điểm, sàn giao dịch việc làm ngay trong ngày làm việc đầu tiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu (bắt đầu từ ngày 17-2). Hoạt động tư vấn, kết nối về cung - cầu lao động tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng định hướng cho các địa phương khảo sát nhu cầu tìm việc của người lao động, từ đó có biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Các cấp công đoàn thành phố cũng thường xuyên quan tâm, chăm lo đến mọi mặt đời sống của người lao động trước, trong và sau Tết Nguyên đán, giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với công việc. Còn các doanh nghiệp chủ động giữ chân người lao động bằng chính sách tiền lương, thưởng phù hợp. Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty SD Việt Nam, Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) cho biết, dù khó khăn, công ty vẫn bảo đảm chế độ phúc lợi cho người lao động. Nhờ đó, sau Tết, gần 100% người lao động đã trở lại làm việc.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn khách quan, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Chang - Hee Lee dự báo, khi dịch Covid-19 chưa được khống chế hoàn toàn, thì thị trường việc làm ở Việt Nam cũng như Hà Nội khó phục hồi ngay trong thời gian tới, đồng nghĩa cơ hội việc làm cho người lao động chưa rộng mở. Thực tế này đòi hỏi các bên liên quan cần quan tâm nâng cao chất lượng việc làm, bảo đảm sự ổn định của những việc làm hiện có; đồng thời, tạo ra những việc làm mới cho người lao động.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết, năm 2021, Sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động, trực tuyến, chuyên đề dành riêng cho các ngành tuyển nhiều lao động; ứng dụng công nghệ hiện đại để thu thập, phân tích thông tin về thị trường lao động. Đối với lực lượng lao động thất nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bên tiếp tục có giải pháp đưa họ sớm trở lại thị trường. Ngoài ra, các ngành, địa phương tiếp tục tổ chức đào tạo nghề cho người lao động theo sát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Thông qua nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, toàn thành phố phấn đấu tạo việc làm mới cho ít nhất 160.000 người trong năm 2021, duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 4%...

Hiền Dung

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/991761/thi-truong-viec-lam-it-bien-dong