Thị trường việc làm toàn cầu khả năng phục hồi 'chậm và không chắc chắn'

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết thị trường việc làm toàn cầu sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi trên toàn thế giới, với tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ vẫn cao hơn trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 cho đến năm 2023. Ngoài ra, ILO cũng chỉ ra sự không chắc chắn liên quan đến diễn biến và thời gian của đại dịch, đặc biệt là với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết thị trường việc làm toàn cầu sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi trên toàn thế giới, với tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ vẫn cao hơn trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 cho đến năm 2023.

Ngoài ra, ILO cũng chỉ ra sự không chắc chắn liên quan đến diễn biến và thời gian của đại dịch, đặc biệt là với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder cho biết: “Sự phục hồi đang tỏ ra chậm chạp và không chắc chắn”. Do đó, cơ quan Liên hợp quốc đã điều chỉnh giảm các dự báo về sự phục hồi của thị trường lao động trên thế giới trong năm nay. ILO dự báo tác động từ đại dịch, với mức thâm hụt tổng số giờ làm việc tương đương với 52 triệu công việc toàn thời gian so với quý 4 năm 2019. Con số này cao gấp đôi so với mức ILO vẫn dự báo vào tháng 5-2021. Vào tháng 5-2021, ILO dự báo thâm hụt 26 triệu việc làm toàn thời gian tương đương. Mặc dù ước tính mới nhất này là một sự cải thiện về tình hình vào năm 2021, nhưng nó vẫn thấp hơn gần 2% so với tổng số giờ làm việc trước đại dịch.

Theo ILO, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới dự báo giảm về sự phục hồi của thị trường lao động được đưa ra là “sự tiếp diễn của đại dịch và các biến thể của nó, đặc biệt là Omicron”. Việc sửa đổi dự báo năm 2022 này phản ánh những hậu quả đối với thế giới của các biến thể gần đây như Delta và Omicron. Nó cũng cho thấy sự không chắc chắn về thời gian tiếp theo sau đại dịch COVID-19. Nhìn chung, ILO ước tính rằng khoảng 207 triệu người sẽ thất nghiệp vào năm 2022, so với 186 triệu người cách đây 3 năm, hoặc gần 6% số lao động đang hoạt động so với 5,4% trước đại dịch. Tỷ lệ lao động sẽ thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ.

Theo ông Ryder, trong những điều kiện này, việc điều chỉnh lại là khá “đáng kể”. Người đứng đầu ILO lưu ý đại dịch đã làm giảm nhu cầu và nguồn cung việc làm và tình hình sẽ vẫn như vậy nếu COVID-19 còn tiếp diễn. Đánh giá mới của ILO vẫn thấp hơn 1,8% so với số giờ làm việc trước đại dịch.

Nói rộng hơn, có thể sẽ mất nhiều năm để sửa chữa những thiệt hại đã gây ra và chúng ta phải lo ngại về những hậu quả lâu dài có thể xảy ra đối với tỷ lệ lao động, thu nhập hộ gia đình và thậm chí cả về sự gắn kết xã hội và chính trị. “Chúng ta sẽ không thể phục hồi sau đại dịch này nếu không có sự phục hồi sâu rộng của thị trường lao động. Và để bền vững, sự phục hồi này phải dựa trên các nguyên tắc làm việc tử tế, bao gồm sức khỏe và an toàn, bình đẳng, bảo trợ xã hội và đối thoại xã hội” - ông Guy Ryder cảnh báo.

Theo báo cáo, Bắc Mỹ và châu Âu có dấu hiệu phục hồi mạnh nhất, không giống như Đông Nam Á, Mỹ Latinh và Caribe. ILO cho biết đã thấy tác động trên thị trường lao động ở tất cả các khu vực trên thế giới, mặc dù có sự khác biệt đáng kể về tốc độ phục hồi. Ở cấp độ quốc gia, ILO nhận thấy rằng “sự phục hồi của thị trường lao động là mạnh nhất ở các nước có thu nhập cao, trong khi yếu nhất ở các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp hơn”.

Cảnh báo tác động không cân xứng của cuộc khủng hoảng đối với việc làm của phụ nữ có thể sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới, ILO cho biết phụ nữ dự kiến sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động hơn nữa trong những năm tới. Tổng cộng, 90% những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch đã rời bỏ công việc của họ và trở lại làm việc chậm hơn so với nam giới.

Ông Guy Ryder, Tổng giám đốc ILO, nhấn mạnh: “Hai năm sau cuộc khủng hoảng, triển vọng vẫn còn mong manh và con đường phục hồi còn chậm và không chắc chắn”. Ông cho biết ILO đã nhận thấy những thiệt hại lâu dài có thể xảy ra đối với thị trường lao động và đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về nghèo đói và bất bình đẳng.

Do đó, báo cáo của ILO cho thấy rằng những công việc tạm thời đã giúp một số người có thể hạn chế những tác động của cú sốc do đại dịch gây ra. Mặc dù nhiều công việc tạm thời đã bị chấm dứt hoặc không được gia hạn, nhưng các công việc thay thế đã được tạo ra, đặc biệt là cho những người lao động bị mất việc làm lâu dài. Tính trung bình, tỷ lệ công việc tạm thời không thay đổi./.

Theo dangcongsan.vn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202201/thi-truong-viec-lam-toan-cau-kha-nang-phuc-hoi-cham-va-khong-chac-chan-2548777/