Thị trường xe máy Việt Nam 2025: Giữ nhịp phát triển trong giai đoạn chuyển mình
Nửa đầu năm 2025, thị trường xe máy Việt Nam tăng trưởng ổn định, bất chấp xu hướng chuyển dịch chính sách đang từng bước tạo áp lực lên phương tiện động cơ xăng.

Piaggio là hãng xe máy truyền thống duy nhất chưa có giải pháp điện hóa tại Việt Nam. Ảnh: Hoàng Linh
Trong các thành viên VAMM (gồm Honda, Yamaha, Piaggio, SYM, Suzuki), Honda Việt Nam vẫn giữ vị trí dẫn đầu với doanh số tháng 6-2025 đạt 164.584 xe, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng doanh số cộng dồn từ tháng 4 đến hết tháng 6 lên 512.448 xe, tăng 7,7%.
Như vậy, Honda tiếp tục chiếm tỷ lệ áp đảo, khoảng 83,8% lượng xe máy bán ra ở thị trường trong nước, thể hiện rõ vai trò thống lĩnh cả về sản phẩm lẫn hệ thống phân phối.
Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, sức mạnh của Honda không chỉ đến từ độ phủ sản phẩm, mà còn nhờ hệ sinh thái bán hàng – dịch vụ – hậu mãi vững mạnh và lòng trung thành cao của người tiêu dùng với thương hiệu Nhật Bản này.
Về phần mình, Yamaha, Suzuki, Piaggio tích cực mở rộng danh mục xe thể thao, như XMAX 300, Vespa GTS Super Tech 300, Burgman Street…, hướng tới nhu cầu trải nghiệm và cá tính hóa phương tiện.
Các hãng khác như SYM nhấn mạnh vào thiết kế, tiện ích và trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, cách tiếp cận này chủ yếu vẫn mang tính xây dựng hình ảnh hơn là thúc đẩy kết quả kinh doanh.
Đáng lưu ý là mảng xe điện vẫn chưa thể "bung sức", dù VinFast đang đóng một vai trò ngày càng nổi bật. Tính đến giữa năm 2025, hãng xe Việt Nam tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu thị phần xe máy điện trong nước, với nhiều dòng sản phẩm trải dài từ phổ thông đến cao cấp. Một số mẫu tầm trung như Feliz S và Evo 200 được người tiêu dùng ưa thích nhờ vận hành ổn định và chi phí sở hữu thấp.
Dĩ nhiên, "một con én không làm nên mùa xuân". Các hãng xe máy Nhật Bản - bao gồm cả Honda - tuy đã tung ra sản phẩm thuần điện như NEO’S hay ICON e: (đều lắp ráp trong nước), nhưng lượng tiêu thụ hạn chế, chủ yếu do giá thành còn cao.

Xe máy điện ICON e: của Honda có giá chỉ hơn 26 triệu đồng (kèm chi phí thuê pin 350.000 đồng mỗi tháng). Ảnh: Hoàng Linh
Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm, dù đối mặt không ít áp lực, thị trường xe máy Việt Nam tiếp tục thể hiện sức sống bền bỉ của một ngành gắn bó chặt chẽ với văn hóa giao thông nước ta.
Để có thể duy trì đà này trong nửa cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối nên tập trung làm mới sản phẩm, tăng trải nghiệm người dùng và mở rộng phân khúc xe cao cấp, xe tay ga thông minh, xe hybrid hoặc điện.
Sự kết hợp sản phẩm một cách đa dạng cũng là chìa khóa giúp ngành xe máy truyền thống chuyển mình phù hợp với xu hướng xanh và nhu cầu thị trường mà không đứt gãy.
Cơ hội vẫn rộng mở cho xe hai bánh trong trung hạn, khi nhu cầu di chuyển cá nhân vẫn cao ở Việt Nam – đặc biệt tại các tỉnh, vùng nông thôn và khu đô thị vệ tinh – nơi xe máy là phương tiện thiết yếu.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận các chuyển động từ chính sách khí thải và áp lực giảm ô nhiễm đang buộc ngành phải bước vào giai đoạn chuyển đổi "xanh hóa" không thể trì hoãn. Xu hướng này càng gấp gáp khi các cơ quan chức năng, đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đã có những đề xuất mạnh mẽ như hạn chế xe máy trong nội đô hay áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn.
Một khi được hiện thực hóa, những chính sách này chắc chắn sẽ tạo ra "cú huých" thúc đẩy làn sóng bùng nổ mạnh mẽ của phương tiện không phát thải trực tiếp. Tuy nhiên, thông tin lúc này bắt đầu khiến người tiêu dùng có xu hướng cân nhắc kỹ hơn khi mua xe mới, đồng nghĩa các hãng cần tăng sức hấp dẫn bằng ưu đãi, công nghệ và tính kinh tế.

Chỉ trong vài năm, lượng xe phân khối lớn ra mắt tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Ảnh: Phan H.
Trong dài hạn, sự chủ động của những doanh nghiệp dẫn đầu như Honda, sự đồng hành từ Chính phủ Việt Nam, và sự sẵn sàng của người tiêu dùng sẽ quyết định liệu ngành xe máy có thể duy trì vai trò thiết yếu trong xã hội hiện đại, hay dần nhường chỗ cho các mô hình giao thông mới.