Thị trường xuất khẩu 'trở lạnh', doanh nghiệp quay về 'sân nhà'

Trong bối cảnh tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, đơn hàng của nhiều ngành hàng xuất khẩu giảm đột ngột, nhiều doanh nghiệp đã quyết định đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa trong năm nay, đặc biệt thông qua kênh thương mại số.

"Nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm ở các thị trường lớn khiến cho nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “đói đơn hàng”, ông Trần Đình Thăng, Giám đốc Công ty TNHH Nhật - Việt (thương hiệu giày dép Vento - Hải Phòng) chia sẻ. Trong bối cảnh, này, Vento đã quyết định tập trung cho thị trường nội địa.

Cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại

Cũng theo ông Thăng, thị trường năm 2023 sẽ rất khó khăn. Để vượt qua những khó khăn thách thức này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải “căn cơ” tiết kiệm chi phí, chắt chiu từng cơ hội, trong đó thương mại điện tử là một kênh bán hàng hiệu quả mà các doanh nghiệp nên tận dụng.

Thay vì chỉ tiếp cận người tiêu dùng qua kênh thương mại truyền thống offline, doanh nghiệp cần đẩy mạnh bán hàng trên kênh online.

Thay vì chỉ tiếp cận người tiêu dùng qua kênh thương mại truyền thống offline, doanh nghiệp cần đẩy mạnh bán hàng trên kênh online.

“Thông qua thương mại điện tử, chúng ta chỉ cần một thời gian ngắn có thể xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng nhanh nhất có thể”, CEO Vento nhìn nhận ở thế hệ của ông – cách đây 20 năm, việc làm thương hiệu phải mất một thời gian khá lâu nhưng nay thì câu chuyện này sẽ đơn giản hơn rất nhiều bởi vì có nền tảng thương mại điện tử.

“Chúng ta sẽ sử dụng kênh thương mại điện tử để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam, làm sao để thị trường bớt nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài, bớt được đôi giày nhập nào thì hay đôi đó”, ông Thăng chia sẻ.

Đồng thời, CEO Vento cho rằng, sản phẩm cần phải đạt chuẩn về mẫu mã, giá cả, tương tác… "Chúng ta nghĩ rằng sản phẩm mình đẹp nhưng còn những yêu cầu về giá, mẫu mã liệu đã đáp ứng với khách hàng chưa? Đây là điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu. Doanh nghiệp muốn có đơn hàng thì không thể làm xấu được", ông nói.

Tương tự, với ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, năm 2022, thị trường may mặc trong nước tăng 40% so với năm 2021. Tuy nhiên, sự sụt giảm của cầu tiêu dùng trong nước cũng đang diễn ra không khác gì so với xuất khẩu. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp dệt may muốn phát triển thị trường nội địa thì phải làm căn cơ, đẩy mạnh phát triển thương hiệu cùng với hệ thống phân phối mình có.

Ông Trường lưu ý, muốn phát triển thị trường nội địa, doanh nghiệp dệt may không thể sao chép cách làm của các thương hiệu lớn khi mở, khai trương ồ ạt trung tâm, cửa hàng. Thay vào đó, doanh nghiệp cần dựa trên nền tảng phân tích nội lực, làm theo kiểu riêng, phù hợp với người Việt Nam.

Chủ tịch Vinatex dẫn chứng các thương hiệu như May 10, Đức Giang, Nhà Bè… đang “đi hai chân" trong thị trường nội địa. Đơn cử, năm 2022, May 10 đưa ra thương hiệu thời trang nữ DeTheia, đầu tư chỉn chu theo quy trình quốc tế, từ thiết kế tới sản xuất, may đo riêng theo gu của người Việt…

"Hướng đi này là chọn cách đánh “du kích” bên cạnh “anh lớn”, đi vào thị trường ngách, nơi những thương hiệu thời trang lớn nước ngoài, với sự cồng kềnh của mình không phục vụ được", ông Trường đánh giá.

Tập trung hỗ trợ kinh doanh trên nền tảng số

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), năm 2022, thị trường trong nước tiếp tục được củng cố, phục hồi và phát triển. Quy mô và dung lượng thị trường năm 2022 đạt mức tăng trưởng rất cao so với năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm ước đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 19,8% so với năm 2021 (trong khi mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2022 là 8%). Giá trị tăng thêm của thương mại trong nước tăng trưởng cao, đạt 10,15% so với năm 2021, đóng góp 0,97 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Tháng 1/2023 trùng với Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao nên hoạt động thương mại và dịch vụ diễn ra khá sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2023 ước đạt 544,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,8% (cùng kỳ năm 2022 giảm 4%).

Rõ ràng thị trường nội địa là “chiếc bánh” mà nhiều doanh nghiệp không nên bỏ qua. Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho rằng, trước tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, ngay từ đầu năm, cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8 - 9% trong năm 2023.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Đông cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên tập trung phát triển mạnh các loại hình kinh doanh thương mại hiện đại dựa trên nền tảng số hóa; Khuyến khích ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử, các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động của các doanh nghiệp phân phối và cộng đồng để hỗ trợ mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa; tập trung ứng dụng công nghệ số vào truy xuất nguồn hàng tại hệ thống hạ tầng thương mại như siêu thị, chợ...

Đồng thời, phát triển các phương thức bán lẻ mới, trong đó đặc biệt chú trọng phương thức bán lẻ đa kênh (Omni Channel), bán lẻ qua điện thoại di động, truyền hình, qua các ứng dụng mạng xã hội dựa trên môi trường mạng internet … đáp ứng yêu cầu và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thi-truong-xuat-khau-tro-lanh-doanh-nghiep-quay-ve-san-nha-1090709.html