Thi tuyển hiệu trưởng: Chủ trương mở, tiêu chuẩn đóng?

Những năm gần đây, một số địa phương tổ chức thi tuyển hiệu trưởng với các trường mầm non và phổ thông.

Các ứng viên tham gia thi tuyển phó hiệu trưởng năm 2022 tại TPHCM. Ảnh: NVCC

Các ứng viên tham gia thi tuyển phó hiệu trưởng năm 2022 tại TPHCM. Ảnh: NVCC

Dù nhận nhiều kỳ vọng, song chỉ những người đã nằm trong quy hoạch mới đủ tiêu chuẩn thi tuyển, còn giáo viên đứng lớp gần như chưa có cơ hội thử sức.

Vẫn còn hạn chế

Việc một số địa phương tiến hành tổ chức thi tuyển hiệu trưởng được xem là bước đi mang tính đột phá trong việc tìm người có tâm, tầm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo ở các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, hình thức này chưa thường xuyên. Bên cạnh đó, việc thi tuyển chủ yếu với người nằm trong quy hoạch, còn giáo viên đứng lớp không kiêm nhiệm chức vụ gần như thi tuyển vẫn là “đấu trường” xa vời.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ, thực tế các địa phương có quy định rất rõ về tiêu chuẩn chức danh hiệu trưởng khi tổ chức thi.

Ngoài điều kiện về chuẩn trình độ, sức khỏe, phẩm chất đạo đức, người dự thi phải đáp ứng các yêu cầu như: Có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên; văn bằng, chứng chỉ quản lý Nhà nước về giáo dục... Nhìn qua, chúng ta dễ dàng thấy, nếu không phải là những nhà giáo đang đảm nhận chức vụ hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hoặc thầy cô trong danh sách quy hoạch nguồn thì khó có thể đạt các tiêu chí trên.

“Hiệu trưởng trường học là người quản lý hàng chục con người, tài sản, kinh phí hàng năm cùng nhiều học sinh. Vì vậy, tuyển chọn được nhân sự hội đủ tâm, tài, nhiệt huyết với nghề là điều cần thiết. Do đó, việc chọn lựa hiệu trưởng phải khắt khe là điều dễ hiểu. Những giáo viên đứng lớp dù muốn tham dự kỳ thi này cũng không thể và dù đủ tiêu chuẩn cũng khó cạnh tranh với người đã và đang là cán bộ, quản lý nhà trường hoặc nằm trong quy hoạch”, thầy Ngai cho hay.

Theo chia sẻ của thầy Hồ Sĩ Nhật Nam - ứng viên trúng tuyển và được bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) năm 2021, hình thức thi tuyển đem lại nhiều thuận lợi hơn bổ nhiệm lâu nay áp dụng. Bởi với việc tổ chức thi tuyển mọi người có cơ hội như nhau, ai đáp ứng được yêu cầu đặt ra đều có thể tham gia thi. Bên cạnh đó, trong quá trình thi, hội đồng sẽ nắm bắt được năng lực từng ứng viên, từ đó có nhiều sự lựa chọn để chọn ra hiệu trưởng có năng lực.

Tuy nhiên, thầy Nam cho biết: “Nếu thi tuyển vào vị trí hiệu trưởng hay phó hiệu trưởng tại môi trường đang công tác thì thuận lợi hơn so với ứng viên đơn vị khác thi vào. Muốn quản lý và phát triển một đơn vị, người quản lý phải biết và tận dụng lợi thế nội bộ, từ đó phát hiện những thiếu sót để có phương án khắc phục.

Muốn làm được, ứng viên phải tìm hiểu kỹ càng nhiều mặt, từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, môi trường sư phạm, chất lượng giáo dục... Có như vậy mới xây dựng được đề án phù hợp thực tiễn. Chưa kể, phần lớn sự tìm hiểu cũng chỉ qua báo cáo khô khan, đây cũng là một hạn chế”.

Thầy Nhật Nam (bên phải) người từng thi đậu và được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình. Ảnh: NVCC

Thầy Nhật Nam (bên phải) người từng thi đậu và được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình. Ảnh: NVCC

Cần “mở” tiêu chí

Về vấn đề tiêu chuẩn để tham gia thi tuyển chức danh hiệu trưởng, theo thầy Hồ Sĩ Nhật Nam, thực tế hiện nay còn 2 luồng ý kiến. Thứ nhất, nhiều người cho rằng ứng viên cần đạt điều kiện theo quy định đưa ra mới đủ điều kiện tham gia ứng tuyển. Ngoài ra, một số ý kiến bày tỏ, nên chăng cho “nợ” một số văn bằng chứng chỉ như trung cấp lý luận chính trị, quản lý Nhà nước về giáo dục… để thầy cô nào nếu có nguyện vọng đều có thể dự thi. Dĩ nhiên theo thầy Nam, nếu ứng viên tham gia ứng tuyển đầy đủ văn bằng, chứng chỉ theo quy định sẽ thuận tiện hơn.

Chẳng hạn nếu ứng viên đã trải qua lớp quản lý sẽ nắm rõ điều hành một đơn vị trường học như thế nào. Còn giáo viên chưa trải qua thì chỉ mới cảm nhận về mặt kinh nghiệm. Mặt khác khi tham gia lớp học trung cấp lý luận chính trị, ứng viên cũng nắm rõ về công tác tổ chức đảng, quản lý trong nhà trường. Có kiến thức về quản lý hành chính Nhà nước tầm nhìn chắc chắn rộng hơn, cũng như kiến thức lý luận để trình bày những vấn đề, tương lai công việc đặt ra sẽ thuyết phục ban giám khảo trong quá trình thi tuyển.

“Quá trình thi tuyển hiệu trưởng chức danh, địa phương đã đưa ra quy định cụ thể, rõ ràng với ứng viên. Tuy nhiên theo tôi, nếu được, cần “mở hơn” về tiêu chí đối với người dự thi, không nên cứng nhắc, “đóng khung” ở một số yếu tố, cần có sự linh hoạt, với độ “mở” nhất định”, thầy Nam nói.

Cùng quan điểm với thầy Nam, một phó hiệu trưởng tại TPHCM chia sẻ, khi chủ trương tuyển chọn cán bộ quản lý công khai, minh bạch và mọi nhà giáo có thể tham gia dự tuyển thì tiêu chí trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên và văn bằng, chứng chỉ quản lý Nhà nước về giáo dục cần linh hoạt, mềm dẻo. Nếu nhà giáo có tâm, tài, hội đủ điều kiện, khả năng đảm trách được chức vụ quản lý nhà trường nhưng thiếu 2 loại chứng chỉ này thì địa phương có thể cho “nợ” và bổ sung sau.

“Nên chăng, sở GD&ĐT các địa phương sẽ rà soát lại cơ sở giáo dục nào cần bổ sung cán bộ quản lý trước 2 năm. Sau đó, thời điểm tổ chức thi tuyển sẽ trùng thời gian trên để người trúng tuyển đủ cơ hội trả nợ, cũng như sở GD&ĐT địa phương ra quyết định bổ nhiệm. Để thực hiện, phải gỡ nút thắt lớn nhất là quy định số lượng nguồn quy hoạch tương ứng mỗi chức danh”, vị phó hiệu trưởng này đề xuất.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Ngai chia sẻ: “Chủ trương tuyển chọn chức danh lãnh đạo nhà trường cần duy trì thường xuyên để nhà giáo có nguyện vọng trở thành nhà quản lý giáo dục có thời gian chuẩn bị. Nếu tổ chức theo kiểu nhỏ giọt thì khó tạo ra khâu đột phá. Việc duy trì kỳ thi tuyển hiệu trưởng trong ngành Giáo dục chắc chắn sẽ giúp các nhà giáo có sự chuẩn bị những tiêu chuẩn cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu mà hội đồng tuyển dụng đề ra”.

Hồ Phúc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thi-tuyen-hieu-truong-chu-truong-mo-tieu-chuan-dong-post660029.html