Thi vào 10 Hà Nội: Sát ngày thi, bố gây áp lực, mẹ nỗ lực 'giải cứu' con
Chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hà Nội cực kỳ gay cấn, căng thẳng. Trong khi nhiều phụ huynh nhắc nhau phải tránh 'bật' con thời điểm này thì có những phụ huynh vẫn còn gây áp lực cho con.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập Hà Nội rất áp lực, căng thẳng với thí sinh. Ảnh minh họa: T.H
Nhận kết quả "Không trúng tuyển" trong kỳ thi vào trường THPT Đào Duy Từ (trường ngoài công lập) của con gái, chỉ vì con thiếu một chút điểm Toán, anh Đoàn Hiếu Anh (Hà Đông, Hà Nội) nổi giận đùng đùng. Anh xả cơn tức với vợ và quy kết con gái là đứa trẻ vô dụng, chỉ có việc học cũng không xong. Anh tức tối vì cho rằng mình đã rất quan tâm đến việc học của con mà con học không giỏi. Anh không thể chấp nhận việc đầu tư cho con nhiều tiền học thêm mà kết quả nhận được lại không xứng đáng.
Thấy chồng không kiềm chế được cơn tức giận, chị Hoàng Lê Giang rất lo lắng. Chị quá hiểu tính của chồng. Cứ lần nào con bị điểm kém, chồng chị lại chửi mắng, so sánh con. Cô con gái luôn trong tình trạng stress, căng thẳng. Đã có lần, trong một kỳ thi cuối kỳ, dù đã ôn bài kỹ, thế nhưng quá lo sợ về kết quả, con đã không thể làm được bài. Con gái chị cho biết, lúc đó, đầu con rỗng tuếch và không nghĩ được gì. Thứ con nghĩ được duy nhất là sẽ bị bố mắng chửi, chì chiết khủng khiếp ra sao. Đúng như con nghĩ, lần ấy, điểm thi của con dưới trung bình, và con đã nhận những xối xả mắng chửi từ bố. Đó cũng là lần mà con có ý định tự tử. Con thấy cuộc sống của mình thật vô nghĩa, không có giá trị khi là đứa trẻ không học giỏi, không khiến bố tự hào.
Dù lần nào chị cũng nói với chồng hãy giảm áp lực cho con, đừng để con luôn có tâm lý sợ hãi mỗi khi điểm thi không cao, nhưng anh vẫn không thay đổi. Chị lo lắng, ngày thi đang sát gần, ít nhiều con đã bị áp lực rồi, giờ thêm lời mắng chửi của bố, con sẽ cực kỳ mệt mỏi. Chắc chắn, khi mang tâm lý sợ hãi, âu lo vào phòng thi, con chắc chắn nhận tấm vé trượt.
Chị Giang ra sức thuyết phục chồng đừng tạo áp lực cho con thêm nữa. Dù nhiều lúc không chấp nhận nổi quan điểm "không học giỏi thì không thể thành công" của chồng, chị cũng phải nín nhịn. Nếu ở thời điểm khác, khi quá khó chịu với chồng, chị có thể "bật" chồng. Thế nhưng, ở thời điểm nhạy cảm như hiện nay, chị phải rất nhẹ nhàng phân tích để chồng hiểu. Mục tiêu lớn nhất mà chị muốn nhận được là chồng chị đừng mang kết quả "Trượt" để đay nghiến, chì chiết con. "Dù con không đạt được kết quả như mong muốn nhưng con đã nỗ lực suốt cả một năm học vừa qua. Rõ ràng, con đã tiến bộ so với bản thân con. Bố mẹ cần ghi nhận sự nỗ lực ấy của con", chị Giang kiên nhẫn nói với chồng.
Chị Giang còn phân tích, tâm lý trước ngày thi vô cùng quan trọng. Thế nên, chị tha thiết mong mỏi chồng "quên" kết quả thi lần này và hãy đối xử với con thật nhẹ nhàng. "Tôi cũng xác định tư tưởng với chồng, nếu con không đỗ trường công lập thì sẽ cho con học trường dân lập. Kỳ thi năm nay rất khắc nghiệt khi tỉ lệ vào trường công khá thấp, nhất là những quận nội thành. Thế nên không thể đòi hỏi các con phải đỗ mà nên có các phương án dự phòng cho con. Có như vậy, cả bố mẹ và các con đều được giảm áp lực trong thi cử", chị Giang chia sẻ.