Thi vào lớp 10 công: Có phụ huynh chi đến 10 triệu đồng/tháng cho con học thêm

Kì thi vào lớp 10 công lập không chỉ là 'cuộc đua' căng thẳng với học sinh - đối tượng tham gia kì thi mà còn là áp lực lớn với gia đình, thầy cô và nhà trường.

Những năm qua, kì thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông tại Hà Nội đã trở thành kì thi căng thẳng với các em học sinh, được đánh giá là áp lực hơn cả “cuộc đua” vào đại học.

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2023 - 2024, có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Sở giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 cho 127 trường trung học phổ thông công lập và công lập tự chủ tuyển 77.250 học sinh.

Điều này có nghĩa là gần 40% học sinh lớp 9, tương đương gần 52.000 em không vào công lập. Các em thể chọn theo học các trường trung học phổ thông ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên và trường nghề. [1]

Kỳ thi vào lớp 10 công lập hằng năm ở Hà Nội là "cuộc đua" căng thẳng với nhiều thí sinh vì nhiều trường tỉ lệ chọi cao. Ảnh minh họa: PM

Thầy cô áp lực dạy học, phụ huynh chi "mạnh tay" cho con tăng tốc ôn thi

Quận Cầu Giấy luôn là điểm nóng trong kì thi vào lớp 10, vì khu vực này không chỉ tập trung đến ba trường chuyên (Trường Trung học phổ thông chuyên Ngoại ngữ, Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm, Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam) mà còn có một số trường công lập có tỷ lệ chọi cao ở Hà Nội.

Cô Doãn Thị Kim Huế - giáo viên dạy Toán Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng tâm sự với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: “Tỉ lệ chọi cao cho thấy các trường trung học phổ thông công lập ngày càng thiếu so với số lượng học sinh có nhu cầu. Thành phố nên có phương án xây dựng thêm trường học vì không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con học trường tư".

Cô Doãn Thị Kim Huế - giáo viên dạy Toán Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng. Ảnh: NVCC

“Áp lực cho giáo viên là rất lớn vì muốn các con đỗ được các trường khu vực Cầu Giấy thì mỗi môn phải đạt trên 8 điểm. Các thầy cô phải rất nỗ lực trong việc soạn bài, theo sát từng đối tượng học sinh để nâng cao kết quả. Vừa dạy dỗ, vừa động viên, lại phải phối hợp với phụ huynh thường xuyên mới mong đạt được kết quả như mong đợi. Có bạn chấp nhận đi học xa nhà để được vào trường công lập.

Nhất là các trường trung học cơ sở công lập không thi tuyển đầu vào, có nhiều đối tượng học sinh khác nhau. Sĩ số học sinh đông, đối tượng nhiều, học luôn phải chia nhóm nên thầy cô phải bỏ công sức gấp 5, gấp 7 lần bình thường”, cô Huế cho hay.

Chị Lưu Thị Hoàng, có con là học lớp 9 Trường Trung học cơ sở Thanh Xuân, đăng kí dự thi nguyện vọng 1 vào Trường Trung học phổ thông Nhân Chính. Đây là trường có tỷ lệ chọi 1/2,40, cao thứ 4 của Hà Nội.

Chị tự nhận, do bố mẹ mấy năm trước hơi “buông lỏng” nên con trai bị hổng kiến thức nhiều. Năm nay, gia đình đang chi 10 triệu/tháng để con học thêm, cho kịp kì thi vào 10 sắp tới. Khi kì thi đến, các phụ huynh còn lo lắng và căng thẳng hơn cả học sinh.

Chị Hoàng chia sẻ: “Ngày nay thi cử rất khó khăn, không chỉ do tỉ lệ chọi cao mà còn do độ khó của đề thi hơn xưa rất nhiều, các cháu ngoài việc học kiến thức cơ bản còn phải có sự nhạy bén, có kiến thức mở rộng với những câu hỏi nâng cao để đạt điểm 9-10”.

Tôi kết hợp cả hai hình thức cho con đi học thêm bên ngoài và học gia sư. Gia sư thường đến dạy kèm vào hai ngày cuối tuần, còn trong tuần chủ yếu con sẽ đi học các lớp học thêm hoặc học online Toán buổi tối. Tự bản thân tôi kèm cháu môn Ngữ Văn bằng cách kiểm tra việc học thuộc các kiến thức về tác giả, tác phẩm, còn viết lách, làm đề vẫn phải nhờ cô giáo.

Tôi cũng thương cháu phải học hành vất vả, có những hôm đi học thêm về, làm hết bài tập cũng phải nửa đêm. Sáng cuối tuần vẫn phải thúc giục cháu dậy sớm học để dễ “nạp” kiến thức môn Văn hoặc do phải đi học thêm sáng. Gia đình cố gắng bồi bổ cho con, cho con ăn uống đủ bữa, bổ sung thêm trái cây, tổ yến để con đảm bảo sức khỏe”.

Với mong muốn cung cấp kiến thức, kỹ năng, phương pháp cho các bậc cha mẹ trong việc đồng hành cùng con trước kỳ thi chuyển cấp, nhiều trường trung học cơ sở đã tổ chức các buổi tư vấn, tọa đàm dành cho cả phụ huynh.

Trường trung học cơ sở Dịch Vọng mới đây đã tổ chức số thứ 3 của Tọa đàm “Đồng hành cùng con trên hành trình trung học phổ thông” có sự tham gia, chia sẻ của Ban giám hiệu, các thầy cô giáo dạy khối 9 cùng các diễn giả khách mời.

Thầy Lưu Văn Thông - Hiệu trưởng Trung học cơ sở Dịch Vọng. Ảnh: NVCC

Thầy Lưu Văn Thông - Hiệu trưởng Trung học cơ sở Dịch Vọng chia sẻ: “Nhà trường rất hiểu và đồng cảm với nỗi lo của các bậc cha mẹ có con đang học lớp 9 và chuẩn bị thi vào bậc trung học phổ thông, buổi tọa đàm với hy vọng các bậc phụ huynh sẽ có những giải pháp tốt nhất để đồng hành cùng con vượt qua những áp lực về kỳ thi sắp tới để đạt kết quả cao nhất.

Chúng tôi mong muốn giúp các phụ huynh có con đang học năm cuối của chương trình giáo dục 2006 hiểu được những thay đổi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi các con vào lớp 10 năm học 2024-2025. Đặc biệt, việc lựa chọn tổ hợp môn học phải thực hiện ngay từ khi các con nộp hồ sơ nhập học vào lớp 10. Nên để chọn sát và đúng với năng lực, sở trường nghề nghiệp thì phụ huynh cần phải tìm hiểu và định hướng ngay từ bây giờ”.

“Từ bỏ thi lớp 10 công lập giúp mẹ con tôi bớt áp lực”

Trong lúc dư luận đang tranh cãi về việc một số học sinh bị giáo viên gây áp lực kí vào đơn tình nguyện không thi vào lớp 10, gia đình chị Phạm Thị Vân thấy “nhàn tênh” vì đã xác định con sẽ không thi trung học phổ thông ngay từ đầu. Con gái chị, bạn Dương Hoàng Băng sẽ theo học ở Trường Cao Đẳng Xây Dựng Số 1.

Bản thân là Thạc sĩ ngành Đo lường và Đánh giá trong giáo dục, chị Vân luôn đồng hành cùng con và biết rõ con mình học lực như thế nào.

Chị Vân chia sẻ: “Mình quyết định cho con học trường nghề ngay từ đầu năm học lớp 9. Các kì thi của bạn ấy không đạt kì vọng, có cố cho bạn đi học thêm thì cả hai mẹ con đều áp lực. Nhìn cảnh chưa học chính thức, phụ huynh học sinh đua nhau tìm lớp ôn thi đã thấy mệt mỏi rồi. Nên mình đã nói chuyện với con để con có sự lựa chọn tốt nhất.

Tôi đánh giá Trường Cao Đẳng Xây Dựng Số 1 có điều kiện tốt hơn mặt bằng chung của các trường tư phải đi thuê địa điểm hay chi phí quá cao. Con được tư vấn, được đưa đi tham quan trường nghề cùng mẹ nên rất vui vẻ.

Cha mẹ không chỉ là người thầy đầu tiên của con mà luôn cùng con trong mỗi quyết định bước ngoặt, không phải áp đặt mà định hướng để con có lựa chọn cho phù hợp. Không phải mẹ thạc sĩ, bố kỹ sư là con cũng vậy”.

Chị Vân cũng không cho rằng con học trường nghề thì hết cơ hội lên đại học.

“Với các bạn học giáo dục thường xuyên, nếu các bạn vẫn đảm bảo qua được kì thi Đánh giá năng lực thì các bạn vẫn được vào đại học bình thường. Vậy thì vì sao mình không chọn con đường phù hợp?

Tôi nghĩ các trường cần quan tâm hơn đến việc hướng nghiệp cho học sinh học cấp 2, không phải cứ cháu nào học kém quá thì khuyên các cháu đi học nghề. Có thể cho các con đi tham quan hướng nghiệp ngay tại chỗ làm của bố mẹ, để các cháu biết được lộ trình để phấn đấu từ đầu”, chị Vân chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/ha-noi-chi-co-61-chi-tieu-tuyen-vao-lop-10-cac-truong-thpt-cong-lap-i367192/

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thi-vao-lop-10-cong-co-phu-huynh-chi-den-10-trieu-dongthang-cho-con-hoc-them-post242877.gd