Thi vào lớp 10 trung học phổ thông: Dồn sức vượt vũ môn
Thông tin về kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Trong đó việc đăng ký nguyện vọng ra sao vẫn đang là một bài toán lớn với học sinh và các gia đình. Dự kiến, tháng 3/2021 Sở GDĐT Hà Nội sẽ công bố môn thứ tư ngoài 3 môn thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ bắt buộc.
Hiện toàn thành phố Hà Nội được phân chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Theo quy định, năm nay, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3. Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú; nguyện vọng 3 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.
San sẻ “tài nguyên”?
Trên thực tế, hộ khẩu một nơi, cư trú một nơi không phải là chuyện hiếm ở Hà Nội. Đó là chưa kể, những năm trước học sinh được thay đổi nguyện vọng tuyển sinh theo mong muốn sau khi làm đơn xin đổi khu vực tuyển sinh còn với quy định mới năm nay, nhiều học sinh sẽ không có cơ hội đăng ký nguyện vọng vào các trường mong muốn do trường không nằm trong khu vực cư trú thực tế cũng như nơi có hộ khẩu thường trú.
Nhìn nhận vấn đề này, cô giáo Thu Hiền (Trường THPT Trần Phú, Hà Nội) cho rằng việc đăng ký nguyện vọng như năm nay có ưu điểm là “san sẻ” giữa các trường thay vì “nước chảy chỗ trũng” như cách làm lâu nay. Một trường sẽ vừa có học sinh thuộc tốp trên, vừa có học sinh top giữa và top dưới. Dạy lớp toàn học sinh khá giỏi đòi hỏi thầy cô phải luôn cập nhật kiến thức mới, liên tục đào sâu và học hỏi thêm từ các nguồn khác nhau ngoài sách giáo khoa… Vất vả nhưng đó cũng là hạnh phúc của người làm thầy. Còn dạy học sinh yếu, các em thường không tập trung, không hợp tác khiến thầy cô phải đau đầu tìm đủ mọi cách để vực các em lên.
“Năm nào được nhà trường phân công dạy lớp có nhiều học sinh yếu, chỉ riêng lấp lỗ hổng kiến thức của các lớp trước đã khó chứ chưa nói kiến thức mới. Nhất là các lớp cuối cấp có nhiều kỳ thi quan trọng phía trước như lớp 9, lớp 12 thì quả thật giáo viên như chúng tôi lúc nào cũng căng như dây đàn” - giáo viên này tâm sự.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ nỗi nuối tiếc nếu như việc đăng ký nguyện vọng sẽ chỉ giới hạn ở khu vực học sinh cư trú bởi trên thực tế, nhiều học sinh giỏi ở bậc THCS ở các quận nội và ngoại thành có mong muốn thi vào các trường top đầu dù không sống ở gần đó. Các em đã đặt mục tiêu từ lâu nhưng nay, nếu bị giới hạn nguyện vọng thì sẽ chỉ còn một số lựa chọn với các trường ở quanh nhà có thể không phải là trường top trên.
Ngược lại, những trường THPT công lập những năm trước có điểm chuẩn ở “top” dưới năm nay có thể thay đổi điểm chuẩn khiến cho không chỉ cuộc đua vào lớp 10 ở các trường top trên căng thẳng mà các trường top dưới cũng nâng hạng. Khi học sinh không đổ xô vào các trường hot nữa mà rải đều khắp các trường sẽ kéo theo điểm chuẩn tăng, các thí sinh có học lực yếu cần cố gắng nhiều hơn nếu muốn dành một suất vào trường công lập.
Dồn sức vượt vũ môn
Một giáo viên dạy môn Toán Trường THCS Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) cho rằng năm học 2020-2021, chị được phân công dạy 2 lớp 8 và 1 lớp 9. Tuy nhiên, đến học kỳ 2 chị phải xin nghỉ dạy 1 lớp 8 để tập trung dạy và ôn luyện cho lớp 9. Hiện đang là thời gian nghỉ dịch, toàn trường học online. Theo thời khóa biểu, các lớp đều học buổi sáng còn buổi chiều, học sinh tự ôn tập. Song lo lắng cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới nên phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy các môn thi đã tổ chức họp online và đi đến thống nhất, các buổi chiều sẽ dạy miễn phí cho học sinh.
“Một tiết học trực tiếp 45’ thì học online phải lên đến 60’ vì còn điểm danh, ổn định lớp học. Dù không hiệu quả bằng học trực tiếp nhưng chúng tôi xác định sẽ cố gắng tối đa để giúp các con ôn tập đạt kết quả tốt nhất cho vượt vũ môn sắp tới” - cô giáo này cho hay.
Cấp 1 chọn thầy, cấp 2 chọn bạn, cấp 3 chọn trường. Lâu nay, cuộc đua vào lớp 10 ở Hà Nội vẫn được ví là “căng thẳng hơn thi đại học”, bởi chỉ có khoảng 60% số học sinh được tuyển vào trường THPT công lập, còn lại sẽ học trường ngoài công lập, trường nghề. Đặc biệt, năm học này tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh tạm dừng đến trường để chuyển sang học online. Dù nỗ lực, nhưng rõ ràng việc học online vẫn không thể đem lại hiệu quả như dạy học trực tiếp trên lớp. Vì vậy, quyết định vẫn thi môn thứ 4 của Hà Nội cũng đang khiến nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn.
Dự kiến, tháng 3/2021 Sở GDĐT Hà Nội sẽ công bố môn thứ tư ngoài 3 môn thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ bắt buộc. Từ nay đến kỳ thi thời gian không còn nhiều nên cả thầy và trò cần cố gắng hết sức, kể cả khi đang học online vì nhà trường, phòng, sở sẽ kiểm tra bất cứ lúc nào - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Văn Đại thông tin.