Thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) : Dạy học sinh cách phân loại và bỏ rác đúng quy định
Rác thải ra môi trường hiện nay đang ở mức đáng báo động, cùng với đó là việc vứt rác bừa bãi gây phản cảm và ô nhiễm môi trường sống. Chính vì vậy, việc phân loại cũng như bỏ rác đúng cách đang được các trường học trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) tuyên truyền đến từng học sinh.
Nhận thức được tầm quan trọng trong vấn đề này, Phòng GD&ĐT thị xã Gia Nghĩa đã chỉ đạo đến các trường trên địa bàn, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền ngoại khóa về “rác thải”. Theo đó, nhằm giúp các học sinh hiểu rõ hơn về cách nhận biết cũng như phân loại rác, trường Tiểu học Phan Chu Trinh đã tổ chức buổi ngoại khóa với chủ đề “Hướng dẫn phân loại rác thải” đến toàn bộ học sinh trong toàn trường.
Đây là việc làm thiết thực, nội dung được thể hiện qua các hình ảnh, các tình huống thường ngày xảy ra trong cuộc sống. Từ đó, giúp các em tiếp thu một cách dễ dàng và hào hứng với nhiệm vụ bảo vệ môi trường sống. Hướng tới một môi trường “Xanh-Sạch-Đẹp”, không còn rác thải trên sân trường, các học sinh được sống và học tập trong môi trường có khí hậu tốt nhất.
Thầy Nguyễn Ngọc Tỉnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Rác thải hiện nay đang là một vấn đề nan giải của xã hội. Vì vậy, việc phân loại rác thải tại nguồn nếu được thực hiện tốt sẽ làm giảm chi phí, tạo thuận lợi hơn cho quá trình xử lý, tái chế và làm giảm tác động tới cuộc sống. Vậy nhưng, phần lớn mọi người hiện nay vẫn chưa nhận thức được hết tầm quan trọng của việc phân loại rác thải tại các đầu nguồn. Buổi ngoại khóa, sẽ giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về rác thải. Nó không phải là thứ bỏ đi hoàn toàn, vì một số loại rác vẫn có thể tái sử dụng, tái chế đưa vào sử dụng phục vụ con người. Bên cạnh đó, các em cũng biết được tác hại của rác thải nếu không được thu gom và xử lý đúng cách, sẽ làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống con người”.
Chia sẻ về việc phân loại rác, các thầy, cô giáo cho biết: Rác thải được chia làm hai loại chính, gồm rác hữu cơ và rác vô cơ. Trong đó rác vô cơ một phần có thể tái chế và một phần không tái chế.
Rác hữu cơ là loại rác dễ phân hủy và có thể chế thành phân bón và làm thức ăn cho động vật bao gồm các loại rau củ quả, các loại trái cây, các loại hoa lá, cây cỏ, giấy ăn, các loại thức ăn thừa…
Rác vô cơ có thể tái chế là loại rác khó phân hủy nhưng có thể đưa vào tái chế để sử dụng, nhằm mục đích phục vụ cho con người như: vỏ hộp sữa thùng carton, vỏ lon, sắt thép, các loại đồ nhựa, chai nhựa, bình xịt, các loại vải, quần áo cũ….
Rác vô cơ không tái chế là những loại rác khó phân hủy, không thể sử dụng được nữa cũng không tái chế được, bao gồm: vỏ giấy kẹo, đồ gốm, đồ cao su, văn phòng phẩm, đồ da, tấm xốp, đồng hồ điện tử, băng đĩa catsec… hoặc không nên tái chế như túi ni lông các loại, chai lọ đựng hóa chất, thuốc trừ sâu, rác thải y tế. Những loại rác này, chỉ có thể xử lý bằng cách, mang ra các khu chôn lấp hoặc lò chuyên đốt rác thải.
Đối với mỗi loại rác, nhà trường đã đầu tư, lắp đặt các thùng có màu sắc khác nhau để các học sinh sau khi phân chia từng loại, bỏ vào tương ứng với từng thùng. Cụ thể: Rác vô cơ không tái chế bỏ vào thùng rác màu cam; Rác vô cơ có thể tái chế bỏ vào thùng màu vàng; Rác hữu cơ bỏ vào thùng màu xanh lá cây.
Rác, luôn là nỗi ám ảnh ở mọi lúc, mọi nơi khi mà ý thức một bộ phận không nhỏ trong xã hội “vô tư” vứt bừa bãi. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân thì cách thức tuyên truyền trong các trường học cũng tạo nên hiệu quả rất lớn.
Ở trường, các em tự ý thức được việc bảo vệ môi trường, ý thức được việc phân loại rác, sau đó bỏ rác đúng nơi, đúng thùng theo quy định. Khi về nhà, các em sẽ là những tuyên truyền nhí cho gia đình và những người xung quanh cách phân loại rác thải ngay từ khâu ban đầu, góp phần giảm thiểu sự ảnh hưởng đến môi trường sống. Đảm bảo cho tất cả chúng ta, luôn được sống trong môi trường có khí hậu trong lành “Xanh–Sạch–Đẹp”.