Thị xã Nghi Sơn phát triển sản phẩm OCOP

Hội tụ tiềm năng phát triển nhiều sản phẩm đặc trưng, từ nông nghiệp, thủy sản tới dịch vụ, du lịch, thị xã Nghi Sơn đã và đang khuyến khích, định hướng, tạo thuận lợi để các chủ thể đầu tư, nâng cao chất lượng các sản phẩm theo hướng OCOP.

Sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Vận tải Hoàn Ngọc được thiết kế bao bì, nhãn mác đẹp mắt.

Đầu năm 2024, sản phẩm nước cốt Atiso của Công ty TNHH Vận tải Hoàn Ngọc, có địa chỉ tại tổ dân phố Hồng Phong, phường Hải Lĩnh (thị xã Nghi Sơn) đã được UBND thị xã Nghi Sơn ban hành quyết định công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao. Cùng với sản phẩm này, Công ty TNHH Vận tải Hoàn Ngọc đã có tới 3 sản phẩm OCOP là rượu dâu Ngọc Hoàn, nước cốt hoa quả Ngọc Hoàn và nước cốt Atiso Ngọc Hoàn. Không chỉ được sản xuất theo quy trình công nghệ hiện đại, với chuỗi khép kín từ vùng nguyên liệu tới chế biến, các sản phẩm còn được thiết kế bao bì, nhãn mác đẹp mắt và tuân thủ các quy trình chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàn Ngọc Lê Thị Ngọc chia sẻ: “Có cơ hội đi nhiều nơi, tôi nhận thấy nhiều sản phẩm hoa quả của Việt Nam không được chế biến sâu nên giá trị thấp, nhiều thời điểm đành phải đổ bỏ do không tiêu thụ được. Từ thử nghiệm ban đầu thành công khi ngâm rượu nho, tôi đã bàn với gia đình đầu tư cơ sở sản xuất, trang thiết bị, nghiên cứu, chiết xuất thêm nhiều loại rượu và nước hoa quả sẵn có từ nguồn nguyên liệu của địa phương, như: dâu; hoa Atiso; mận Mường Lát, Sơn La; sim Mường Lát; nho Ninh Thuận... Sau thời gian ủ, nước cốt sẽ được lọc qua máy lọc, máy khử và chưng cất bởi hệ thống máy móc hiện đại”.

Cùng với sản phẩm nước cốt hoa quả Ngọc Hoàn và nước cốt Atiso của Công ty TNHH Vận tải Hoàn Ngọc, cũng trong năm 2024, thị xã Nghi Sơn đã công nhận thêm 2 sản phẩm OCOP là cá cơm khô và moi khô Dũng Liễu của Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh, phường Hải Hòa; 2 sản phẩm mắm tôm và mắm tép Sơn Thơm của cơ sở chế biến hải sản Sơn Thơm, phường Hải Thanh.

Giám đốc Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh Lê Thị Liễu cho biết: “Được sự động viên, khuyến khích và tạo điều kiện về quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, hiện DN đang liên kết với 30 - 50 hộ khai thác thủy sản để chủ động nguyên liệu cho sản xuất. Sản phẩm của DN hiện đã được tiêu thụ hầu khắp các tỉnh, thành miền Bắc, miền Trung và xuất khẩu sang Trung Quốc, với doanh thu hơn 10 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động thường xuyên và gần 100 lao động thời vụ với mức thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài 2 sản phẩm mới được công nhận, DN đang đầu tư, hoàn chỉnh quy chuẩn để xây dựng thêm 2 sản phẩm OCOP từ mực và nước mắm".

Theo đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế, UBND thị xã Nghi Sơn, hiện nay, thị xã có 26 sản phẩm OCOP, trong đó có 5 sản phẩm 4 sao và 21 sản phẩm 3 sao. Nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ, thị xã Nghi Sơn đã khuyến khích các thành phần kinh tế xây dựng được 3 cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP ở các phường trên địa bàn, gồm: HTX Chế biến thủy sản Hải Bình tại phường Hải Bình; điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP Thành Đạt tiểu khu 1, phường Hải Hòa; điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Tác Huy, tiểu khu 2, phường Hải Hòa.

Thị xã cũng đang định hướng cho các hộ cá thể đầu tư nhiều sản phẩm đặc trưng có lợi thế khác, nhất là các sản phẩm chế biến từ thủy sản như: chả cá, nước mắm, mắm tôm, mắm tép, sứa khô tươi, cá khô ở các xã, phường: Nghi Sơn, Hải Hòa, Hải Thanh, Hải Bình, Hải Châu; các sản phẩm từ nông nghiệp như: mật ong, đông trùng hạ thảo, rượu, nước cốt hoa quả, nem chua, đu đủ sấy khô, cao cà gai leo; các sản phẩm từ gạo, dưa lê kim hoàng hậu ở các xã, phường như: Định Hải, Các Sơn, Ninh Hải, Hải Nhân, Thanh Sơn, Phú Sơn, Xuân Lâm, Tân Trường...

Cùng với đó, thị xã đang tiếp tục khuyến khích các đơn vị và chủ thể sản xuất có sản phẩm lợi thế đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP; quan tâm hỗ trợ về điều kiện pháp lý, hướng dẫn làm hồ sơ, quảng bá thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể xây dựng sản phẩm ưu thế và phát triển bền vững. Các hoạt động này kỳ vọng sẽ đưa chương trình sản phẩm OCOP đi vào chiều sâu, thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương, góp phần XDNTM, NTM nâng cao và nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Bài và ảnh: Bách Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thi-xa-nghi-son-phat-trien-san-pham-ocop-220717.htm