Thích làm nhưng sợ!

Tại hội nghị trao đổi về vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng do Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam kể: Nhìn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dành hơn 113 nghìn tỷ đồng cho các dự án hạ tầng, nhiều nhà thầu thích làm lắm nhưng nhìn vào dự toán, định mức xây dựng thì họ lại… sợ.

Nỗi sợ và cả sự bức xúc của các nhà thầu xuất phát từ chỗ nhiều công việc xây dựng không có định mức, hoặc có nhưng thiếu khiến doanh nghiệp không biết áp dụng thế nào. Chẳng hạn, trong hệ thống định mức hiện hành không có định mức về gia công chế tạo vòm cầu thép cỡ lớn, thi công cầu dây văng, đắp đá xay cho nền đường, khoan cọc nhồi khoan động caster. Việc đóng cọc ván thép thì chỉ có định mức ép cọc bằng cừ lacxen, bằng búa rung thủy lực mà không có định mức đóng cọc bằng máy. Thi công cọc chỉ có định mức nhổ cọc tính trên 100m2 cọc ngập đất, còn phần cọc không ở trong đất tuy rất lớn nhưng không có định mức nên doanh nghiệp không biết tính kiểu gì!

Nhà thầu "thích làm nhưng sợ" còn bởi một số định mức quá thấp so với thực tế, thậm chí nhiều định mức có đơn giá chỉ bằng một phần ba giá thị trường. Ví dụ, đóng cọc bê tông cốt thép trên cạn, đơn giá định mức quy định 55.000 đồng/m dài cọc bê tông 40x40, trong khi thực tế 150.000 đồng/m dài; Thi công móng cấp phối đá dăm, đơn giá 30.000 đồng/m3, trong khi thực tế 90.000 đồng/m3; Lắp dựng dầm cầu Super - T trên cạn và dưới nước, đơn giá 5,5 triệu đồng/phiến trên cạn và 10 triệu đồng/phiến dưới nước trong khi giá thực tế lần lượt là 25 và 40 triệu đồng.

Cũng tại hội nghị này, ông Phùng Tiến Thành, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả phản ánh tình trạng địa phương chậm ban hành chỉ số giá xây dựng, có nơi mỗi năm ban hành một lần trong khi giá nguyên vật liệu thời gian qua liên tục leo thang. Bên cạnh đó, định mức một số hệ thống khoan do các tỉnh ban hành rất thấp. Ví dụ, trong đơn giá là 13 triệu đồng nhưng trong thực tế phải 33 triệu đồng. Đối với hệ thống nhân công, giá 225.000 đồng/ngày công quá thấp, thấp hơn tất cả các ngành lao động khác, trong khi đây là ngành nghề đặc thù. Ông Thành cho biết, định mức thấp, giá nhân công thấp dẫn đến đơn giá hoàn thành cho một công tác xây dựng quá thấp khiến nhà thầu chỉ mong bớt lỗ chứ không mơ đến lãi.

Thực tế, vài ba năm trước, hệ thống định mức xây dựng đã được các bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh bổ sung theo Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 2038/QĐ-TTg (tháng 12.2017). Sau rà soát còn lại khoảng 34 nghìn định mức cho hầu hết công việc xây dựng với công nghệ, biện pháp thi công phổ biến để các chủ thể liên quan vận dụng trong lập, quản lý chi phí đầu tư.

Tuy nhiên, như phản ánh của các doanh nghiệp và như thừa nhận của lãnh đạo Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), một số công tác còn thiếu định mức hoặc định mức ban hành chưa phù hợp, nhất là với những việc sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới. Riêng lĩnh vực công trình giao thông hiện có khoảng hơn 30 công tác xây dựng thiếu định mức. Một số địa phương xác định giá cả chưa kịp thời và chậm trễ công bố, mặc dù giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh trong thời gian qua.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đặc biệt là giải ngân nguồn vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có dự án cao tốc Bắc - Nam, việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung định mức xây dựng cho phù hợp với thực tiễn là vô cùng cấp thiết.

Theo Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (Điều 43), các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và UBND cấp tỉnh ban hành định mức xây dựng cho các công tác đặc thù của chuyên ngành, định kỳ rà soát và gửi những định mức xây dựng mới, định mức điều chỉnh về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý. Vì vậy, các bộ - đặc biệt là Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và địa phương - đặc biệt là những tỉnh, thành có dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua, phải nhanh chóng vào cuộc tháo gỡ những vướng mắc hiện nay về định mức xây dựng. Nếu cứ để doanh nghiệp “thích làm nhưng sợ” sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án hạ tầng và làm chậm nhịp phục hồi của đất nước hậu đại dịch.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thich-lam-nhung-so-2mh1kme9vp-82265