Thích ứng an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả: Sự nhạy bén và bền vững trong phòng, chống dịch

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/CP-NQ ngày 11/10/2021 về Quy định tạm thời 'Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19', tôi mới càng thấy thấm thía câu 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến' mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng ngày 31/5/1946 trước khi lên đường sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau.

PGS. TS Trần Đắc Phu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả - Sự nhạy bén và bền vững trong phòng, chống dịch COVID-19

PGS. TS Trần Đắc Phu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả - Sự nhạy bén và bền vững trong phòng, chống dịch COVID-19

Tư tưởng đó rất đúng và rất cần thiết trong quan điểm chống dịch COVID-19. Bất biến ở phòng, chống dịch ở chỗ COVID-19 là bệnh truyền nhiễm lây theo đường hô hấp, theo hình thức giọt bắn mà nguy cơ lây nhiễm cao là tiếp xúc gần, qua vật dụng bị lây nhiễm và trong môi trường kín. Chiến lược phòng, chống dịch là “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch và điều trị hiệu quả”. Nhưng ứng vạn biến là chúng ta thay đổi giải pháp trong chiến lược này theo từng giai đoạn dịch, theo tình hình thực tế về biến chủng của virus, về nhu cầu thực hiện mục tiêu kép, khi chúng ta ngày càng hiểu biết về dịch bệnh, năng lực phòng, chống dịch khá hơn, đặc biệt là năng lực và kinh nghiệm xét nghiệm và tiêm chủng.

Cái bất biến trong dự phòng cá nhân là thực hiện 5K nhưng trong từng hoạt động, từng môi trường, chúng ta phải thực hiện như thế nào cho phù hợp, không cứng nhắc. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” được thực hiện rõ nhất khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP trên quan điểm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”.

Nhìn lại 4 giai đoạn dịch COVID – 19 bùng phát, rõ ràng ở 3 giai đoạn đầu, chủng virus SARS-CoV-2 lây lan không nhanh, chúng ta có thể thực hiện chiến lược “Zero COVID” và rất thành công. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn thứ 4, với chủng Delta lây lan quá nhanh, chúng ta không thể duy trì được chiến lược cũ nữa, không thể giãn cách diện rộng mãi. Bởi lẽ, nếu tiếp tục giãn cách thì sẽ tổn thất lớn tới kinh tế và an sinh xã hội, đặc biệt không có nguồn lực để chống dịch vì dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường. Dù vậy, chúng ta đã có vaccine nên có thể thực hiện “chung sống an toàn với COVID-19” để phát triển kinh tế, song vẫn bảo đảm kiểm soát dịch có hiệu quả. Mấu chốt ở đây là chấp nhận số ca mắc nhưng không để có nhiều bệnh nhân nặng, không để quá tải hệ thống y tế, hạn chế được số ca tử vong.

Mọi người dân hãy tiêm chủng đầy đủ. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Mọi người dân hãy tiêm chủng đầy đủ. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Các giải pháp để thực hiện “ứng vạn biến” là gì?

Trước bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đã có tỷ lệ tiêm vaccine cao nên giải pháp ngăn dịch cũng thay đổi, nhất là thay đổi việc cách ly đối với người nhập cảnh để thuận tiện cho khách nhập cảnh cũng như thúc đẩy kinh tế.

Khi chúng ta tự chủ được về xét nghiệm thì ngoài xét nghiệm xác định F0, truy vết tìm ổ dịch, cần xét nghiệm có chỉ định dịch tễ để đánh giá nguy cơ nhằm đưa ra đáp ứng phù hợp, tránh đáp ứng không tới “tầm” thì không kiểm soát được dịch nhưng đáp ứng “thái quá” sẽ gây tốn kém; còn đáp ứng không phù hợp sẽ gây ách tắc, cát cứ, ảnh hưởng tới việc đi lại, làm ăn kinh tế và an sinh xã hội.

Về cách ly, khi dịch bùng phát rộng, số ca nhiễm tăng cao, nhiều F0, nhiều F1 thì chúng ta cho phép cách ly tại nhà nhưng cần phải hài hòa với cách ly tập trung, chỉ những ai đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế mới được phép cách ly tại nhà, còn những ai không đủ điều kiện vẫn phải cách ly tập trung để không lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng.

Về phong tỏa, nếu như trước kia chúng ta còn chưa hiểu biết hết về SARS-CoV-2 nên thường phong tỏa quá rộng, chỉ có một vài ca bệnh trong một nhà mà phong tỏa cả chung cư, cả thôn, cả xóm, thậm chí phong tỏa, giãn cách cả xã, cả phường, gây ảnh hưởng tới kinh tế và an sinh xã hội… thì hiện nay, chúng ta chỉ phong tỏa theo nguy cơ, nguy cơ đến đâu phong tỏa đến đó, phong tỏa hẹp nhất có thể. Tôi vẫn luôn nói: “Virus không bay được từ nhà này sang nhà khác”, phải có tiếp xúc, phải có giao tiếp, đặc biệt trong môi trường kín mới lây lan dịch bệnh được.

Chúng ta đã “ứng vạn biến” trong điều trị như cho phép điều trị F0 tại nhà, thành lập trạm y tế lưu động, tiếp cận F0 sớm nhất có thể để tư vấn, hướng dẫn điều trị, tránh chuyển nặng, không bị quá tải bệnh viện, giảm tử vong.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, khi chúng ta tự chủ được về xét nghiệm thì ngoài xét nghiệm xác định F0, truy vết tìm ổ dịch, cần xét nghiệm có chỉ định dịch tễ để đánh giá nguy cơ. Ảnh: VGP/Hiền Minh

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, khi chúng ta tự chủ được về xét nghiệm thì ngoài xét nghiệm xác định F0, truy vết tìm ổ dịch, cần xét nghiệm có chỉ định dịch tễ để đánh giá nguy cơ. Ảnh: VGP/Hiền Minh

“Ứng vạn biến” trong dự phòng là thực hiện tốt 5K. 5K không chỉ áp dụng cho mỗi cá nhân, 5K còn là nguyên tắc được áp dụng cho mọi tình huống xử lý phòng dịch an toàn. 5K phục vụ cho xây dựng phương án sản xuất an toàn, triển khai các hoạt động xã hội an toàn để có bệnh viện an toàn, công sở an toàn, giao thông an toàn, chợ, siêu thị an toàn, du lịch an toàn…

Tất nhiên, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” cần được thực hiện theo tình hình thực tế, đúc rút qua kinh nghiệm cũng như năng lực hiện có của mỗi địa phương.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả" thời gian qua là thể hiện “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong tình hình mới, rất phù hợp trong thời điểm hiện nay, được các địa phương hưởng ứng cũng như người dân hoan nghênh thực hiện.

Năm 2021, chúng ta chứng kiến đại dịch gây ra tổn thất vô cùng nghiêm trọng về người và của. Sự tổn thất đó không chỉ là sức khỏe của người dân mà còn là sự tổn thất về kinh tế. Sự tổn thất đó không chỉ là hiện tại mà trong cả tương lai, đó là những vấn đề hậu COVID-19. Đó là tổn hại về sức khỏe, thể chất và tinh thần của những người sau khi mắc COVID-19, đó là các bệnh phát sinh và tiến triển do ảnh hưởng của đại dịch.

Bệnh không lây nhiễm và di chứng các bệnh này có thể gia tăng do người dân không tiếp cận kịp thời với can thiệp y tế… Đó là học sinh lâu ngày không được tới trường, phải học trực tuyến. Trẻ em không được tương tác trực tiếp với thầy cô, với bạn bè, trẻ không những bị thiếu hụt về kiến thức mà còn bị ảnh hưởng về phát triển thể chất lẫn tinh thần.

Nền kinh tế không chỉ giảm sút mà còn bị đứt chuỗi cung ứng, không chỉ bị ảnh hưởng trong nước mà còn bị tác động từ nước ngoài mang lại.

Năm 2021 sắp qua đi, chúng ta chuẩn bị đón chào năm 2022, một năm được dự báo còn nhiều khó khăn, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt khi chủng Omicron mới xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, có thể lây lan nhanh và làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine mà chúng ta đang sử dụng.

Ứng xử với quan điểm, tư duy “dĩ bất biến, ứng vạn biến” thời gian mới

“Dĩ bất biến”, đó là sự cảnh giác cao độ với dịch bệnh, là nghiêm túc, nhất quán thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch có hiệu quả, bảo vệ sức khỏe người dân lên trên hết, vừa làm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của người dân.

Tôi mong rằng, các cơ quan chức năng, các địa phương hãy đáp ứng với dịch bệnh một cách linh hoạt, có phương án cho người dân đón chào năm mới an toàn, vui tươi, hạnh phúc… Mong rằng mỗi người dân hãy thực hiện tốt 5K, luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, chọn phương tiện an toàn khi đi lại, sinh hoạt, vui chơi, thăm hỏi, tiếp xúc nơi công cộng… để không “vì đón Tết lại bùng phát một đợt dịch mới”. Mọi người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế. Tất cả phụ thuộc vào cách ứng xử thông minh, trách nhiệm với cộng đồng của mỗi người.

Chỉ có thích ứng an toàn, linh hoạt theo từng thời điểm, phù hợp thực tế mỗi địa phương, cộng đồng thì chúng ta mới thực hiện thành công "mục tiêu kép".

PGS.TS Trần Đắc Phu

Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/thich-ung-an-toan-kiem-soat-dich-hieu-qua-su-nhay-ben-va-ben-vung-trong-phong-chong-dich/457647.vgp