Thích ứng linh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, trong năm 2021 cả nước đã từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trước thềm năm mới Nhâm Dần, lãnh đạo một số Bộ, ngành đã có những chia sẻ về những dự định, kế hoạch mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT:
Đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông quan trọng
Là ngành có vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đang từng bước khôi phục kinh tế sau đại dịch và đề ra các giải pháp thực hiện kế hoạch tổng thể về tái cơ cấu nền kinh tế thời gian tới.
Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục và cơ chế thực hiện các dự án đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2022.
Việc tập trung bố trí vốn triển khai ngay các dự án giao thông trong chương trình sẽ có tác động kích cầu phát triển, phục hồi các ngành sản xuất…, góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, cải thiện đời sống nhân dân.
Thông qua đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông sẽ góp phần phục hồi nhanh các ngành kinh tế, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế, mặt khác, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Trong 6 dự án quan trọng quốc gia, có dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, là dự án đặc biệt quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, dư luận đặc biệt quan tâm.
Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương:
Tận dụng triệt để cơ hội của RCEF
Năm 2022 được coi là thời điểm quan trọng khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực.
Hiệp định RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.
Việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ kết nối 4 Hiệp định Thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng đối tác trước đây, tạo thành 1 khu vực thương mại tự do mới hơn; trong đó áp dụng 1 quy tắc xuất xứ và các quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư.
Điều này giúp phát triển các chuỗi cung ứng khu vực, mở ra thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho Việt Nam cũng như tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng hiệu quả những lợi ích mà các hiệp định này đem lại, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động tìm hiểu thông tin, nghiên cứu kỹ về các FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và đối tác trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tiến tới tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng khu vực.
Các doanh nghiệp muốn đi nhanh, đi xa thì điều kiện tiên quyết vẫn phải là sự nỗ lực tự đổi mới sáng tạo, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh mới.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT
Thích ứng trước những khó khăn
Nói về năm 2021 có một từ là “biến”. Đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Ngành nông nghiệp phải giải quyết được bài toán nghịch lý là tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp không đồng nhất với thu nhập của người nông dân.
Đây sẽ là vấn đề mà Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đang được xây dựng sẽ phải giải quyết. Hai đường thẳng này đi song hành với nhau thì mới mang lại thành tựu “kép”.
Năm 2022 ngành nông nghiệp sẽ khởi động các chương trình như: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn sắp tới không chỉ chú trọng về đầu tư hạ tầng như đường, cầu cống, hạ tầng thủy lợi… mà quan trọng là hạ tầng kinh tế nông thôn.
Kích hoạt kinh tế nông thôn từ hợp tác xã, du lịch nông thôn, mỗi xã một sản phẩm (OCOP) – đó là hướng để nâng cao năng lực cộng đồng.