Thiên đường đảo Maldives sắp biến mất vĩnh viễn vì chìm xuống biển là sự thật hay chỉ là lời đồn?
Maldives - xứ sở thiên đường của dân du lịch toàn cầu chính là nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu.
Thế giới thường biết đến Maldives vì 2 điều: nó là địa điểm nghỉ dưỡng ven biển sang chảnh và cũng là quốc gia đầu tiên trên Trái đất biến mất dưới nước biển dâng, nếu điều đó thực sự xảy ra trong tương lai. Vài năm trở lại đây, ngành du lịch ở Maldives phát triển đặc biệt mạnh mẽ. Thế nhưng vẻ đẹp thiên đường này có khả năng sẽ không còn tồn tại được bao lâu.
Vì sao Maldives sẽ bị nhấn chìm?
Là một quần đảo gồm các hòn đảo và đảo san hô nằm ở vùng trũng thấp, nhiều khu vực của Maldives đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao. Nhiều nghiên cứu và dự đoán cho thấy phần lớn quốc gia sẽ không thể ở được trong thế kỷ 21.
Một triệu năm trước khi loài khủng long biến mất, mảng kiến tạo Ấn Độ trôi dạt về phía bắc, tạo thành một vết nứt trên lớp vỏ Trái đất, từ đó hình thành các đỉnh núi lửa. Theo thời gian, các đỉnh núi bị xói mòn để tạo thành các đảo san hô của Maldives.
Toàn bộ diện tích đất liền của quốc gia này chỉ là 298 km2 nằm trong 90.649 km2 đại dương, với rất ít hòn đảo lớn hơn 1,2 km2. Đất và biển đan xen với nhau là chất liệu tạo nên bản sắc của Maldives, nhưng kết cấu này có tính lưu động cao. Bản thân các hòn đảo có tính chất phù du: bãi cát ở ngay trên nền san hô, chúng phát triển và co lại, trồi lên và sụt xuống tùy thuộc vào dòng hải lưu và trầm tích cát.
Hầu hết các hòn đảo, bao gồm cả thủ đô Malé đều cao khoảng 160 cm so với mực nước biển. Các nhà khoa học khí hậu dự báo chúng sẽ bị ngập lụt vào cuối thế kỷ này.
Biến đổi khí hậu thực sự đang đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của Maldives. Theo Ngân hàng Thế giới, với mực nước biển trong tương lai dự kiến sẽ tăng khoảng 10 đến 100 cm vào năm 2100, toàn bộ đất nước có thể bị nhấn chìm. Đến năm 2050, 80% diện tích đất nước có thể trở nên không thể ở được do sự nóng lên toàn cầu. Ngay từ năm 1988, chính quyền Maldives đã tuyên bố rằng nước biển dâng sẽ bao phủ hoàn toàn quốc gia gồm 1.196 hòn đảo nhỏ ở Ấn Độ Dương này trong vòng 30 năm tới. Điều đó có nghĩa là 30 năm sau, tức thực tại, mọi chuyện diễn ra tốt đẹp hơn dự đoán
Thế nhưng trong 30 năm tương lai thì tương lai của Maldives vẫn thật khó nói. Báo cáo năm 2007 của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu dự đoán giới hạn trên của mực nước biển dâng sẽ là 59 cm vào năm 2100. Điều đó có nghĩa là gần 200 hòn đảo có người ở của Maldives sẽ phải bị bỏ hoang vì không còn an toàn để sinh sống nữa.
Vào năm 2020, một nghiên cứu kéo dài ba năm tại Đại học Plymouth (Anh) đã phát hiện rằng khi thủy triều di chuyển trầm tích để tạo ra độ cao cao hơn, các đảo Maldives không có người ở, có thể thích nghi hơn với mực nước biển dâng cao và giữ cho một số đảo có thể sinh sống được.
Cách Maldives “vùng vẫy” để cứu chính mình
Giờ đây, khi tốc độ biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, quốc gia nhỏ bé này đang cố gắng “câu giờ” với hy vọng rằng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ giảm lượng khí thải carbon trước khi Maldives không thể tránh khỏi sự sụp đổ. Quần đảo này đã đánh cược tương lai của mình - cùng với một khoản tiền đáng kể từ ngân sách quốc gia vào việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo trên cao có thể là nơi sinh sống của phần lớn dân số gần 555.000 người. Trong khi đó, một công ty thiết kế của Hà Lan có kế hoạch xây dựng 5.000 ngôi nhà nổi trên đầm lầy để sinh sống.
Đây có vẻ là những biện pháp cực đoan, nhưng thực sự Maldives không còn nhiều thời gian. Như Tổng thống Ibrahim Mohamed Solih đã nói với các nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị khí hậu của Liên Hợp Quốc vào mùa thu năm 2021 ở Scotland: “Sự khác biệt giữa 1,5 độ và 2 độ C là bản án tử hình đối với Maldives”. Và đó không phải là tiếng kêu cứu mới. Một thập kỷ trước, người tiền nhiệm của ông - Mohammed Nasheed, đã triệu tập một cuộc họp nội các dưới nước trong trang bị lặn và sau đó đề xuất chuyển toàn bộ người dân đến Úc để đảm bảo an toàn.
Thành phố nhân tạo đang được gấp rút xây dựng tên là Hulhumalé, có nghĩa là Hy vọng trong tiếng địa phương. Nó có độ cao gần 2 mét so với mực nước biển. Hòn đảo nhân tạo được tạo ra từ cát được bơm từ đáy biển. Cư dân từ khắp Maldives đang dần được di dời đến các tòa nhà cao tầng để thoát khỏi tình trạng nước biển dâng cao. Hòn đảo sinh đôi thứ hai cũng đang được xây dựng tương tự.
“Hai phần ba dân số có thể sinh sống trên hai hòn đảo chính này,” Ismail Shan Rasheed, chiến lược gia quy hoạch tại Tập đoàn Phát triển Hulhumale cho biết.
Theo nhiều cách, Hulhumalé là một đô thị giống như trong các tựa game như SimCity. Nó có đầy đủ ông viên và căn hộ, nhà thờ Hồi giáo và cửa hàng, sân trượt băng và vỉa hè, trường học và đường xá, tất cả đều đã được xây dựng ở nơi giống như một thị trấn ven biển ngăn nắp được nối với thủ đô Malé vào năm 2018 bằng một cây cầu dài hàng dặm.
Nguồn: National Geographic, The Guardian