Thiên nhiên và hình ảnh người phụ nữ qua triển lãm 'Họa - Thơ đi sứ' của tác giả trẻ Nam Phương
Sáng nay (21/10), triển lãm 'Họa - Thơ đi sứ' của tác giả trẻ Phạm Nam Phương đã khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm trưng bày 50 tác phẩm họa các bài thơ về chủ đề đi sứ của các nhà ngoại giao trong lịch sử.
Tham dự Lễ khai mạc triển lãm tranh “Họa - Thơ đi sứ” của tác giả trẻ Phạm Nam Phương, có ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Ông Vũ Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm; Ông Phạm Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Sư phạm; Ông Phạm Sỹ Cường, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (ĐH Sư phạm Hà Nội); Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội; Ông Trần Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam; Ông Đỗ Trọng Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển và Du lịch Hồng Lĩnh; Bà Mã Thị Kim Đào, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đại Nam Sơn và các vị khách quý là các thầy cô giáo, bạn bè, người thân của Gia đình tác giả Nam Phương.
Phát biểu tại Lễ Khai mạc, ông Vũ Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm cho biết: Trường THPT Chuyên đại học Sư phạm là môi trường đào tạo các tài năng trẻ, hàng năm học sinh của Nhà trường mang về nhiều giải thưởng. Nơi đây không chỉ có các học sinh giỏi các môn khoa học cơ bản, mà còn phát hiện những tài năng nghệ thuật. Thầy hiệu trưởng cũng đánh giá cao khả năng hội họa của nữ sinh Nam Phương. Thầy mong muốn cô học trò sẽ phát huy được năng khiếu, thực hiện được ước mơ của mình. Thầy mong triển lãm của Nam Phương sẽ là cảm hứng, động lực của học sinh để thực hiện đam mê của mình.
Tác giả trẻ Phạm Nam Phương là nữ sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm. Ngay từ nhỏ, Phạm Nam Phương đã có niềm đam mê văn chương và hội họa. 14 tuổi, Nam Phương được gia đình cho đi học vẽ, niềm đam mê ấy có dịp bùng cháy.
Cùng với khả năng hội họa, cô "Họa sỹ trẻ" còn có tình yêu và tâm hồn nhạy cảm với văn chương.
Hai tình yêu ấy đã khiến Nam Phương mong muốn có nét hội họa độc đáo của riêng mình, muốn diễn đạt những cảm nhận văn chương của mình qua từng nét vẽ.
Được sự hướng dẫn của thầy giáo dạy vẽ - Thầy Tuấn Sơn - Nam Phương đã cho ra đời bộ tranh mang chủ đề: Họa - Thơ đi sứ.
Góp phần giữ gìn và lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử
Trong di sản thơ chữ Hán của dân tộc ta, các tập thơ lấy đề tài từ lĩnh vực ngoại giao, mang tên: Hoa trình, Sứ trình (Đường đi sứ)…, chiếm một số lượng đáng kể. Đó là loại thơ do chính các sứ thần sáng tác, phản ánh hoạt động quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc ta. Ngược dòng lịch sử, trên đường viễn xứ, các phái đoàn sứ bộ Đại Việt sang kinh đô Trung Quốc đã chứng kiến tận mắt bao nhiêu cảnh sơn thủy kỳ thú, danh thắng hữu tình nhưng cũng chứng kiến bao nhiêu số phận, con người trên hành trình của mình.
Thơ đi sứ đa dạng về đề tài, cảm hứng và bút pháp nghệ thuật, góp phần làm cho nền văn học nước nhà thêm nhiều sắc màu, vì vậy Thơ đi sứ có vai trò quan trọng đối với văn học dân tộc. Các nhà thơ như: Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Đình Sách, Nguyễn Danh Dự, Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Mậu Áng, Nguyễn Kiều, Nguyễn Tông Quai, Đinh Nho Hoàn, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huy Oánh, Đoàn Nguyễn Thục, Hồ Sĩ Đống, Đoàn Nguyễn Tuấn, Ngô Thì Nhậm, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Gia Cát, Ngô Thì Vị, Nguyễn Du, Phan Huy Chú, Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh, Bùi Quỹ, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Địch Cát, Phan Thanh Giản… đều để lại những tác phẩm có giá trị.
Từ việc tìm hiểu nền văn hóa dân tộc, cảm nhận tình cảm của cha ông qua tuyển tập “Thơ đi sứ” do các tác giả Phạm Thiều, Đào Phương Bình thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm (chủ biên), NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 1993, tác giả Phạm Nam Phương (sinh năm 2006) họa tranh, mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào hành trình giữ gìn và lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Các tác phẩm của Nam Phương chủ yếu thể hiện lại tâm sự của các sứ thần trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nỗi nhớ quê hương hay tâm trạng ngổn ngang trên hành trình viễn xứ. Hình ảnh người phụ nữ ở nhiều góc độ, nhiều tâm trạng xuất hiện phong phú trong các tác phẩm của Nam Phương.
Họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn, người trực tiếp hướng dẫn Nam Phương theo đuổi đề tài này cho biết: “Thông qua các tác phẩm thơ ca của các nhân vật nổi tiếng, Nam Phương đã cảm thụ và họa lại bằng hình ảnh, cùng với đó cảm thụ bằng ngôn ngữ hội họa (bố cục, nét vẽ, màu sắc) với nét bút chững trạc và chuyên nghiệp”.
Có nghề và dám dấn thân chủ đề khó
Nhận xét thêm về các tác phẩm của Nam Phương, thầy giáo - họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn cho biết: “Nam Phương vẽ với phong cách ấn tượng, những bức tranh lấy ý tưởng từ thiên nhiên, bố cục rất bài bản, có nghề. Sự khác biệt của Nam Phương là dám dấn thân vào một chủ đề khó, ít người dám theo đuổi vì phải có kiến thức tích hợp giữa hội họa, lịch sử, văn chương”.
Còn theo họa sỹ Lê Hải Đức: “Xem tranh của Nam Phương, tôi rất vui vì thấy được tinh thần học hỏi nghiêm túc của em với hội họa, em đã chuyển tải được phần nào những trăn trở, suy tư của các bậc tiền nhân trên hành trình viễn sứ, thể hiện qua các nét vẽ mộc mạc của mình. Đặc biệt, hình ảnh những thân phận phụ nữ hiện ra trong tranh của Nam Phương như có được sự đồng cảm, vừa có gì đó khắc khoải nhưng cũng đầy cá tính”.
Cô nữ sinh 2 năm sáng tác 50 bức tranh
Chỉ trong vòng 2 năm (từ năm 15 tuổi đến năm 17 tuổi), Nam Phương đã sáng tác 50 tác phẩm họa thơ. Các tác phẩm của Nam Phương chủ yếu thể hiện lại tâm sự của các sứ thần trước khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nỗi nhớ quê hương hay tâm trạng ngổn ngang trên hành trình viễn xứ. Hình ảnh người phụ nữ ở nhiều góc độ, nhiều tâm trạng xuất hiện phong phú trong các bức tranh được triển lãm lần này.
“Em đọc và phân tích các bài thơ, sau đó tham khảo thêm tư liệu về văn học, lịch sử thời điểm bài thơ ra đời, tác giả bài thơ, trang phục thời kỳ đó… rồi dựa vào cảm nhận của mình để vẽ thành tranh. Khó nhất là những bài thơ bày tỏ nội tâm của nhà thơ về nỗi nhớ nhà hoặc những day dứt về phận người, về thời cuộc. Em phải suy nghĩ và đi tìm những hình ảnh ước lệ thể hiện tâm trạng đó,” Nam Phương chia sẻ.
Thầy giáo - Họa sỹ Nguyễn Tuấn Sơn - người trực tiếp hướng dẫn Nam Phương theo đuổi đề tài này cho biết: “Thông qua các tác phẩm thơ ca của các nhân vật nổi tiếng, Nam Phương đã cảm thụ và họa lại bằng hình ảnh, cùng với đó bằng cảm thụ bằng ngôn ngữ hội họa (bố cục, nét vẽ, màu sắc) với nét bút chững chạc và chuyên nghiệp”.
Còn theo họa sỹ Lê Hải Đức, Chủ tịch Quỹ Kim Long: “Xem tranh của Nam Phương, tôi rất vui vì thấy được tinh thần học hỏi nghiêm túc của em với hội họa, em đã chuyển tải được phần nào những trăn trở, suy tư của các bậc tiền nhân trên hành trình viễn xứ, thể hiện qua các nét vẽ mộc mạc của mình. Đặc biệt, hình ảnh những thân phận phụ nữ hiện ra trong tranh của Nam Phương như có được sự đồng cảm, vừa có gì đó khắc khoải nhưng cũng đầy cá tính”.
Được biết, toàn bộ số tiền bán tranh “Họa - Thơ đi sứ” trong và sau triển lãm của tác giả Nam Phương sẽ được dành cho hoạt động từ thiện, giúp đỡ các bạn trẻ khiếm thính có hoàn cảnh khó khăn. Chia sẻ tại lễ khai mạc triển lãm, Phạm Nam Phương cho biết lý do em đưa ra quyết định này là bởi em biết có rất nhiều bạn nhỏ đam mê hội họa nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh không cho phép. Chính vì thế, em muốn góp một phần nhỏ vào việc hiện thực hóa giấc mơ của các bạn đồng trang lứa, để họ được thăng hoa, được sống hết mình với năng khiếu của mình.
Nam Phương đang ấp ủ ý tưởng về triển lãm thứ hai của mình về chủ đề lịch sử Việt Nam trung đại. Nam Phương sẽ sáng tác các tác phẩm mình bằng các chất liệu sơn mài, màu sáp… Điều mong ước của nữ sinh Nam Phương được lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử quý giá của cha ông trong từng nét vẽ.
Triển lãm “Họa - Thơ đi sứ” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 21 đến hết ngày 24/10/2023.