Thiên tài cũng bế tắc

Chùm thơ 'Mạn Thuật' của Ức Trai tiên sinh nằm trong tập 'Quốc Âm Thi Tập', gồm 254 bài cả thảy. 'Mạn Thuật', tức thuật lại những cảm thức tản mạn của Nguyễn Trãi về rất nhiều vấn đề nhân sinh, nhân tình thế thái ở cái thời nhiễu loạn, do Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh và gian thần, lộng thần thao túng.

Nguyễn Trãi đã lui về Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương). Mặc dù vẫn còn chức quan, nhưng chỉ là quan thanh, có chức không quyền. Ở thời điểm này, Nguyễn Trãi viết nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là thơ Nôm.

Mạn Thuật
(Bài số 4)

Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay,
Trong thế giới phút chim bay.
Non cao non thấp mây thuộc,
Cây cứng cây mềm gió hay.
Nước mấy trăm thu còn vậy,
Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay.
Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết,
Bui một lòng người cực hiểm thay!

Sau thảm họa "tru di" xảy ra vào tháng tám năm Nhâm Tuất (1442), thơ văn của đại công thần khai quốc triều Hậu Lê là tiên sinh Nguyễn Trãi, phần lớn bị thất lạc, là do triều đình có lệnh tiêu hủy.

Mãi đến thời vua Lê Thánh Tông trị vì, nhà vua mới ban chiếu tẩy oan cho ông. Thơ văn của Đại thi hào Nguyễn Trãi bị thất tán, lưu lạc, vùi lấp lạnh lẽo đâu đó trong dân gian, mới được người đời tìm kiếm và tập hợp lại. Đến đời nhà Nguyễn, cụ Dương Bá Cung lại một lần nữa ra sức tìm kiếm, bổ sung thêm và cho khắc in để lưu truyền cho đời sau.

Riêng về thơ chữ Hán có "Ức Trai Thi Tập", khoảng 105 bài và còn hơn chục bài được xếp vào diện "tồn nghi". Thơ Nôm có "Quốc Âm Thi Tập", khoảng 254 bài. Người ta tiến hành phân loại, sắp xếp vào các chủ đề, các mục… cho dễ tìm hiểu.

Một bài thơ lục ngôn bát cú, xen hai câu cuối thất ngôn, có tên là "Mạn Thuật" (Bài 4), thơ Nôm, là một bài thơ được nhiều người nhắc tới. Đương nhiên, đó là một bài thơ rất hay. Chẳng những hay ở ý tình thăm thẳm, mà còn lạ ở cấu trúc hình thức và hơn thế, lạ ở cấu trúc nội hàm, vẫn còn đó những vỉa quặng ngầm, chưa dễ khai quật hết!

Căn cứ vào cuộc đời tác giả và nội dung tác phẩm, có thể ước đoán bài thơ "Mạn thuật số 4" này, được Ức Trai viết ở thời kỳ bị thất sủng, có vẻ nhàn rỗi ở Côn Sơn, mặc dù về danh nghĩa, Nguyễn Trãi vẫn còn có chức quan khá to, khi cần thì triều đình mới gọi về Kinh, mới "Nhập nội hành khiển".

Ở Côn Sơn những ngày tháng nhàn rỗi, có chức không quyền, còn gọi là "Thanh Quan", Nguyễn Trãi có không gian thật yên tĩnh, để vui với non xanh nước biếc, để ngồi suy ngẫm sự đời. Đây có lẽ là thời điểm Ức Trai viết nhiều nhất, đặc biệt là thơ, đặc biệt nữa là thơ Nôm.

Hai câu đầu, tác giả viết:

Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay,
Trông thế giới phút chim bay.

Thi nhân "đủng đỉnh" đi dạo vào buổi chiều hôm, với một người tri kỷ nào đó chăng? Có lẽ là không phải, vì vợ ông, bà Nguyễn Thị Lộ giỏi văn thơ, người tri âm tri kỷ nhất trong mấy bà vợ của Nguyễn Trãi, còn đang làm quan Lễ Nghi Học Sĩ dạy bảo các công chúa và cung tần ở trong triều cơ mà! Vậy thì "Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay" là dắt tay ai? Có lẽ là không ai cả, bởi ở những thời điểm như thế này, thi nhân chắc không cần thêm một người nào nữa. Bởi Tiên sinh cốt chỉ để tâm hồn mình được yên tĩnh mà suy tư, mà "Trong thế giới phút chim bay…".

Thế nên, "Đủng đỉnh chiều hôm dắt tay" phải chăng là ánh chiều còn dắt lại, đọng lại qua kẽ tay, còn vương trên áo trên khăn? Hay là thi nhân như một vị tiên dạo núi, dắt theo cái nắng chiều, dắt tay cả chiều hôm làm bạn tri âm, tri kỷ? Hay là buổi chiều hôm hữu tình kia đã chủ động dắt tay thi nhân, cùng thi nhân thong thả đi dạo? Nếu thế thì đây quả là một câu thơ tuyệt hảo! Phải là dắt theo chiều hôm đi dạo, hoặc là chiều hôm như một người tình tri kỷ đang đủng đỉnh dắt tay thi nhân, cả hai, trong một tâm thế chẳng vội vã gì, cho nên mới "đủng đỉnh" dắt tay nhau mà đi?... .

Chỉ có thể hiểu như vậy, mới tương ứng với tầm vóc của vĩ nhân, của tâm hồn và trí tuệ vĩ nhân "Trong thế giới phút chim bay" ở câu sau. Đó chính là cảm nhận tinh tế về thế giới kỳ vĩ, qua đó mà suy ngẫm về cõi nhân sinh vụt đến vụt đi, biến ảo trong khoảnh khắc, như thể một lát cắt nhiệm màu…

Hai câu đầu đã thấy những hình tượng thơ lộng lẫy và tầm vóc một thi tài, một nhân tài hiếm lạ và một trí tuệ lớn, luôn biết làm chủ, luôn biết tự tin thông qua con mắt xanh nhìn thấu hết mọi sự đời, mọi lẽ đời mà chiêm nghiệm suy tư.

Suy tư ấy biểu hiện cụ thể ở hai câu thơ lục ngôn chắc khỏe tiếp theo:

Non cao non thấp mây thuộc,
Cây cứng cây mềm gió hay.

Trên kia là suy tư về vũ trụ rộng lớn, về cõi người ngắn ngủi, thì đây lại là tâm thế, là ý chí tự tin của người làm chủ chính mình.

Đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn.

Đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn.

Tác giả chỉ mượn chuyện gió chuyện mây, chuyện núi cao núi thấp, chuyện cây cứng cây mềm, để gửi gắm suy tư về chuyện đời chuyện mình một cách khéo léo. Mây ở trên trời, cao hơn núi, thế thì ngọn núi nào cao, ngọn nào thấp, mây thừa biết và "thuộc" hết, bởi đơn giản rằng mây có thể quan sát, bao quát được tất cả núi non kia dưới tầm mắt của mình! Còn như cây nào cứng, cây nào mềm ư? Gió thừa biết ngay mà, làm sao mà ngụy biện che giấu được?

Mượn thiên nhiên, cốt chỉ để ngầm nói một điều đơn giản, rằng chả có gì che được mắt tiên sinh cả đâu! Thật giả, trắng đen, tốt xấu, tài năng trí tuệ và bản lĩnh của ai thế nào, nhân cách người ta thế nào, tất cả dường như không thể nằm ngoài tầm bao quát tường tận của Tiên sinh!

Câu 5 và 6, lại là những chiêm nghiệm về việc nước và trở lại cái triết lý bất biến của vũ trụ:

Nước mấy trăm thu còn vậy,
Nguyệt bao nhiêu kiếp vẫn này.

Đất nước trải qua mấy trăm năm còn như vậy, thịnh rồi lại suy, suy rồi lại thịnh. Tiên sinh đều biết hết, kể cả cái lẽ hưng vong, rồi người hay kẻ dở. Chuyện đời biến ảo khó lường, mà đời người thì ngắn ngủi như một giấc chiêm bao, chỉ riêng có vầng trăng thì dường như vẫn thế, bao nhiêu kiếp rồi vẫn thế. "Nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay", vẫn soi mắt nhìn xuống nhân gian mà chứng kiến cảnh thịnh suy tan hợp của cõi người…

Hai câu cuối của bài thơ, rút cục, lại trở về cái ý gần gũi, sau khi đã bàn chuyện xa xôi bóng bẩy:

Ngoài chưng mọi chốn đều thông hết,
Bui một lòng người cực hiểm thay!

Hai câu thất ngôn kết thúc bài thơ, biến đổi ở cấu trúc câu, như một tiếng thở dài của một con người tự biết mình thông tuệ, biết hết mọi chốn, thông hết mọi sự đời, mà riêng chỉ có một điều tiên sinh đành bất lực: "Bui một lòng người cực hiểm thay"! Vì sao vậy? Lòng người là cái gì mà bí hiểm thế? Nó sâu, nó rộng, nó góc cạnh hiểm hóc thế nào, hình thù nó tròn méo ra sao, cũng chẳng thể nào biết được.

Ở một chỗ khác, trong "Ngôn Chí" bài số 5, Nguyễn Trãi cũng từng viết:

Dễ hay ruột bể sâu cạn,
Khôn biết lòng người vắn dài.

Tiên sinh thông thái là vậy, mọi chốn đều thông hết, duy chỉ có lòng dạ con người thì ông đành bất lực, không sao hiểu được tính hiểm độc, cực hiểm độc của nó! Và đó chính là một tiếng thở dài bất tận, cũng là cái thiên la địa võng vô hình vô ảnh đã quăng chụp lấy cuộc đời tiên sinh, biến nó thành nỗi đau nghìn đời sau không sao rửa sạch!

"Mạn Thuật" (Bài 4) chính là lời than thở bất lực của Nguyễn Trãi trước việc đời, trước lòng người bất trắc khó lường. Con người nhân cách cứng cỏi, đầy tự tin vào tấm lòng yêu nước thương dân sáng trong như nhật nguyệt của mình, dù khi thế cuộc đã đổi thay:

"Vườn quỳnh dù chim kêu hót,
Cõi trần có trúc đứng ngăn"

Tuy nhiên, trên thực tế, bây giờ tiên sinh cũng đành bó tay bất lực trước làn gió đen đang khuấy lên ở phía chân trời và ở chính nơi điện các đương triều. Hình như tiên sinh đã linh cảm thấy cái hậu họa vô cùng đen tối, rồi chẳng bao lâu nữa cũng sẽ giáng xuống đời ông, như một định mệnh nghiệt ngã.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/thien-tai-cung-be-tac--i733631/