Thiên tai dị thường, có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật

Diễn biến thiên tai trong 30 năm qua gia tăng về phạm vi và mức độ nguy hiểm. Từ nay đến cuối năm cần chuẩn bị các phương án ứng phó thiên tai dồn dập.

Thiên tai phức tạp và dị thường

Ngày 15/7, tại TP.HCM, Ban chỉ đạo Quốc gia đã tổ chức Hội nghị phòng chống thiên tai năm 2022 nhằm đánh giá công tác về phòng chống thiên tai năm 2021, phân tích dự báo và diễn biến tình hình thiên tai 6 tháng đầu năm 2022, chuẩn bị phương án ứng phó cho mùa thiên tai trọng điểm 2022 tại khu vực Nam Bộ.

Theo thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2022 đến nay, nước ta đã xảy ra 1 trận bão, 105 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 123 trận dông lốc, 61 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất, 12 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại. Thiên tai từ đầu năm 2022 đã làm 85 người chết, mất tích, 48 người bị thương, thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.044 tỷ đồng.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, năm 2022 có khả năng xuất hiện bão mạnh trái quy luật với khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Lượng mưa trong năm có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc, khả năng cao xảy ra hiện tượng mưa cực đoan. Qua diễn biến thiên tai từ đầu năm đến nay, có thể thấy thiên tai năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và dị thường.

Toàn cảnh hội nghị phòng chống thiên tai ngày 15/7.

Toàn cảnh hội nghị phòng chống thiên tai ngày 15/7.

Ông Nguyễn Văn Tiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết, theo số liệu thống kê trong 30 năm gần đây, tình hình thiên tai vùng Nam Bộ diễn biến rất phức tạp và có xu thế gia tăng cả về phạm vi và mức độ nguy hiểm, trong đó điển hình là bão số 5 (Linda) năm 1997, bão số 9 (Durial) năm 2006 đổ bộ vào khu vực Bình Thuận - Bà Rịa Vũng Tàu.

Gần đây nhất, cách đây 4 ngày (11/7), do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam gây sóng lớn đã làm sạt 3 đoạn đê biển Tây thuộc huyện Trần Văn Thời ảnh hưởng tuyến đê biển Tây thuộc huyện U Minh, với tổng chiều dài 75m.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường. Hạn hán, mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất, giông lốc, bão, mưa đá ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân…

Riêng tỉnh Nam Bộ thường xuyên chịu tác động của 16/21 loại hình thiên tai. Trong đó đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất, dông, lốc, sét.

La Nina đang diễn ra là hiếm có trong lịch sử

Ông Mai Văn Khiêm cho biết năm nay tại khu vực miền Nam có hiện tượng La Nina gây sóng cao, gió mạnh trong tuần qua. Ông Khiêm nhìn nhận trong lịch sử hiếm có hiện tượng này; năm nay xuất hiện là sự bất thường. Do đó chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ càng về lực lượng để sẵn sàng ứng phó với mưa lũ dồn dập vào cuối năm.

Điểm đặc biệt của năm nay theo ông Mai Văn Khiêm là không khí lạnh đến sớm, hoạt động bão nhiều hơn, kết hợp với nhau thì ảnh hưởng nặng hơn tạo hình thế gây mưa.

"Trạng thái La Nina liên tục từ 2020 đến nay, những pha lạnh như vậy khiến xác suất mưa liên tục cao, đặc biệt Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Năm nay dự báo Tây Bắc Thái Bình Dương có bão mạnh, khả năng dồn vào cuối năm nên sẽ tác động đến nước ta. Mưa liên tục phối hợp không khí lạnh đến sớm, tạo hội tụ gây mưa rất lớn và dồn dập ở miền Trung vào tháng 11.

Cần đặc biệt chú ý đến tình hình mưa lũ ở miền Trung vào khoảng thời gian từ tháng 10 – 11/2022. Thời điểm này, theo số liệu dự báo, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng gia tăng lượng mưa khiến chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập như năm 2020. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc", ông Mai Văn Khiêm thông tin.

Mùa mưa lũ năm nay sẽ diễn biến phức tạp, dồn dập, cần chuẩn bị phương án ứng phó.

Mùa mưa lũ năm nay sẽ diễn biến phức tạp, dồn dập, cần chuẩn bị phương án ứng phó.

Trao đổi về các phương án phòng chống thiên tai cho miền Nam trong thời gian tới, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp. Thời gian tới, trọng tâm vẫn là đẩy mạnh công tác dự báo để sớm phát hiện, có phương án ứng phó kịp thời, giảm thiệt hại. Đồng thời, trung ương cũng đã bố trí nguồn vốn trung hạn dành cho công tác phòng chống thiên tai nhiều hơn, từ đó giúp chủ động với tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//thien-tai-di-thuong-co-kha-nang-xuat-hien-bao-manh-trai-quy-luat-16922071515071027.htm