Thiên tai, dịch bệnh làm tăng nguy cơ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái

Hơn 90% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ từ các đơn vị cung cấp dịch vụ chính thức do sợ bị tai tiếng, kỳ thị và phiền hà...

Đặc biệt, trong những điều kiện dịch bệnh, thiên tai thì phụ nữ và trẻ em gái đối mặt với nhiều nguy cơ bị bạo lực và xâm hại tình dục hơn so với bình thường. Nguyên do là phải di dời đến các nhà tạm lánh, thiếu thốn các vật dụng thiết yếu bảo vệ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục...

Nhân tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, phóng viên Người Đô Thị đã có cuộc phỏng vấn bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, về một số giải pháp để giải quyết tình trạng này.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam.

Thưa bà, khi xảy ra thiên tai, UNFPA đã có những biện pháp gì để giúp đỡ phụ nữ và trẻ em gái những nơi bị ảnh hưởng?

Khi mà xảy ra thiên tai, UNFPA trên phạm vi toàn cầu đã tăng cường sự hỗ trợ đối với phụ nữ và trẻ em ở nhiều quốc gia trên thế giới, số lượng quốc gia nhận được sự hỗ trợ này ngày càng tăng.

Khi khủng hoảng, thiên tai xảy ra, người ta thường nói tới các nhu cầu về thức ăn hay nơi tạm trú, tạm lánh hơn nói về các nhu cầu đối với phụ nữ, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai. Chúng tôi không bao giờ mong muốn những phụ nữ mang thai, đang trong quá trình sinh nở phải đối mặt với những rủi ro. Họ cần được hỗ trợ và bảo vệ trong những hoàn cảnh như thế này.

Trong những trường hợp xảy ra thiên tai, điều đầu tiên, UNFPA – với vị trí là một cơ quan quốc tế, sẽ tìm cách tới các địa điểm đó một cách nhanh nhất, cung cấp các thiết bị hỗ trợ đảm bảo nhu cầu của phụ nữ cũng như là trẻ em gái, đặc biệt là bảo vệ họ khỏi những nguy cơ xảy ra bạo lực hay bị lạm dụng.

Cụ thể, đối với khu vực chịu ảnh hưởng của lũ lụt ở miền Trung Việt Nam, chúng tôi đã cung cấp một bộ các sản phẩm đồ dùng thiết yếu cho phụ nữ gồm dầu gội đầu, xà phòng, băng vệ sinh… Bộ đồ dùng này nhằm giảm thiểu rủi ro bạo lực giới, đồng thời ứng phó và bảo vệ nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng tiêu cực do khủng hoảng.

Bộ dùng thiết yếu mang tính biểu tượng của UNFPA trên toàn cầu và cung cấp trong những tình trạng khẩn cấp. Bộ đồ dùng này được đựng trong một cái xô màu cam- màu biểu tượng của UNFPA và cũng là màu biểu tượng phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu.

Ngoài những sản phẩm thiết yếu, chúng tôi còn cung cấp những sản phẩm truyền thông giáo dục về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng chống những nguy cơ bị bạo lực, xâm hại tình dục. Trong đó, cung cấp những thông tin giúp phụ nữ và trẻ em gái nhận biết như thế nào là bị bạo lực và nếu bị bạo lực họ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ ở đâu, dịch vụ nào ở gần nơi họ sống.

Thứ hai, chúng tôi cũng hỗ trợ và bảo vệ những phụ nữ thời kỳ sinh nở, thông qua cung cấp các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản lưu động, các bộ đồ dùng cấp cứu sản khoa, bộ đồ dùng cho những bà đỡ, đồ dùng thiết yếu vệ sinh cho phụ nữ… để đảm bảo quá trình sinh nở được diễn ra an toàn.

Điểm mới trong chương trình hỗ trợ các phụ nữ tại miền Trung năm nay là hình thức thực hiện. Các chuyên gia của UNFPA tại Việt Nam thực hiện đồng thời nhiều hoạt động, vừa cung cấp bộ đồ dùng thiết yếu, vừa cung cấp thông tin cho phụ nữ và trẻ em gái ở vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt, vừa thực hiện việc thu thập số liệu. Công việc này cũng gặp không ít khó khăn nhưng chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện.

Một bé gái tại thị xã Hương Trà (Tỉnh Thừa Thiên - Huế) ôm thân cây chuối bơi ra xuồng nhận quà của đoàn cứu trợ thời điểm bão lũ trung tuần tháng 10 vừa qua. Ảnh mang tính minh họa. Nguồn ảnh: Người Lao Động

Một bé gái tại thị xã Hương Trà (Tỉnh Thừa Thiên - Huế) ôm thân cây chuối bơi ra xuồng nhận quà của đoàn cứu trợ thời điểm bão lũ trung tuần tháng 10 vừa qua. Ảnh mang tính minh họa. Nguồn ảnh: Người Lao Động

Theo bà, cần những giải pháp trước mắt và lâu dài như thế nào để giúp đỡ phụ nữ và trẻ em gái tại những nơi thiên tai, chẳng hạn như khu vực miền Trung, giảm các nguy cơ bị bạo lực và xâm hại tình dục, sớm quay trở lại cuộc sống bình thường sau thiên tai?

Theo tôi, để giúp những người phụ nữ ở khu vực thiên tai, cụ thể như ở miền Trung sớm có thể quay trở lại cuộc sống bình thường nhanh nhất có thể sau khi bão lũ đi qua, có thể thực hiện hai nhóm giải pháp.

Giải pháp trước mắt là cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dịch vụ hỗ trợ tâm lý và xã hội cho phụ nữ và trẻ em gái tại cùng một địa điểm. Cảnh sát và công an phải vào cuộc để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Tất cả các dịch vụ này phải cung cấp tại một điểm. Ví dụ như nhà tạm lánh có tên gọi Ngôi nhà Ánh Dương (do UNFPA hợp tác với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc – KOICA hỗ trợ tại tỉnh Quảng Ninh), chúng tôi cung cấp dịch vụ tổng hợp tại một địa điểm mà trẻ em hoặc phụ nữ bị bạo lực họ có thể tới để tạm lánh, mà không phải đi các địa điểm khác nhau để tìm kiếm sự hỗ trợ. Bởi có tới hơn 90% nạn nhân của bạo lực không muốn người khác biết mình đang là nạn nhân của bạo lực và không tìm kiếm các sự trợ giúp.

Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục cho người dân, đặc biệt là giáo dục trẻ em trai về những biện pháp phòng chống, bạo lực gia đình và xâm hại tình dục.

Giải pháp lâu dài là chúng tôi muốn hỗ trợ phụ nữ biết các biện pháp phòng tránh các tình huống bị bạo lực và nếu xảy ra thì cần phải xử lý như thế nào.

Bà đánh giá như thế nào về những chính sách và biện pháp hiện nay Việt Nam đang thực hiện để bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi nạn bạo hành gia đình và xâm hại tình dục?

Tôi cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức để xây dựng các chính sách phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, công tác về theo dõi và giám sát cũng như thực hiện các chính sách này còn hạn chế.

Ở đây, công tác theo dõi, giám sát tình hình thực hiện các chính sách này không chỉ dừng lại là việc theo dõi hay nghiên cứu các báo cáo, tài liệu mà chúng ta phải đi sâu đi sát tới tận các địa phương và gặp gỡ các nạn nhân, tìm hiểu xem là họ muốn cái gì, nhu cầu của họ ra làm sao?

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đối với vấn đề phòng chống bạo lực gia đình, thể hiện qua việc xây dựng Chiến lược phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, trong đó đưa ra tiêu chí quan trọng là tại mỗi tỉnh thành phố xây dựng ít nhất một trung tâm hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em gái. Tại mỗi địa phương hiện nay đã có trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng đối với những nạn nhân là phụ nữ và trẻ em mang một số tính chất đặc thù nên cần có sự hỗ trợ đặc biệt.

Mặt khác, đây là vấn đề tế nhị, đòi hỏi sự kín đáo, nên người phụ nữ chỉ chia sẻ câu chuyện của họ khi mà họ thấy tin tưởng và các thông tin được bảo mật, các dịch vụ hỗ trợ cần phải đặc biệt chú trọng tới vấn đề này.

UNFPA tại Việt Nam trao cho Hội nông dân Việt Nam 2.800 bộ đồ dùng thiết yếu. Ngoài ra, tổ chức này cũng đã hỗ trợ khẩn cấp 540 ngàn USD cho người dân tại 6 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

UNFPA tại Việt Nam trao cho Hội nông dân Việt Nam 2.800 bộ đồ dùng thiết yếu. Ngoài ra, tổ chức này cũng đã hỗ trợ khẩn cấp 540 ngàn USD cho người dân tại 6 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ.

Bà có khuyến nghị gì đối với Chính phủ Việt Nam để đẩy mạnh hoạt động nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới?

Chính phủ Việt Nam nên phân bổ ngân sách dành cho hoạt động phòng chống bạo lực đối với trẻ em. Ngân sách này được huy động từ hai nguồn: quốc tế và ngân sách Nhà nước. Ở các cấp tỉnh, cấp huyện việc xây dựng các trung tâm này hoàn toàn có thể khả thi bởi vì có sự cam kết rất cao từ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, cần đào tạo kiến thức, kỹ năng cho các cán bộ vận hành ở các trung tâm hỗ trợ này. Vì những nạn nhân của bạo lực và xâm hại tình dục cần những sự hỗ trợ đặc biệt, đòi hỏi các nhân viên tư vấn cần có những kiến thức, kỹ năng phù hợp, đảm bảo sự tin tưởng của các nạn nhân.

Cám ơn bà vì những chia sẻ!

Định kiến giới và bạo lực gia đình vẫn dai dẳng

Số liệu từ cuộc Điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 mà Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) hỗ trợ đã chỉ ra rằng, cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (62,9%) phải chịu một hoặc nhiều hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra. Thế nhưng bạo lực gia đình lại là vấn đề mà nhiều phụ nữ ở Việt Nam không dám chia sẻ và lên tiếng.

Bạo lực gia đình lại là vấn đề mà nhiều phụ nữ ở Việt Nam không dám chia sẻ và lên tiếng. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Bạo lực gia đình lại là vấn đề mà nhiều phụ nữ ở Việt Nam không dám chia sẻ và lên tiếng. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện trong những thập kỉ vừa qua. Tuy nhiên, bạo lực gia đình và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới - những hành vi gây tổn hại đến phụ nữ và trẻ em gái - vẫn đang tiếp diễn tại Việt Nam. Hiện nay, “tỷ số giới tính khi sinh” của Việt Nam hiện cao thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 2019, tỷ số này ở Việt Nam ở ngưỡng 111,5 bé trai được sinh ra so với 100 bé gái, trong khi tỷ số “tự nhiên” hoặc “bình thường” dao động khoảng 105-106 bé trai trên 100 bé gái.

Báo cáo Tình trạng Dân số thế giới năm 2020 ước tính mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái, tức 40.800 bé gái tại Việt Nam mỗi năm sẽ không có cơ hội chào đời chỉ vì mình là con gái.

Nhân tháng Hành động vì Bình đẳng giới và phòng chống Bạo lực đối với phụ nữ và Trẻ em gái, UNFPA phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tổ chức buổi hòa nhạc “Là Con gái để tỏa sáng” từ 20h00 đến 22h00 ngày 27.11.2020 (Thứ Sáu) tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là sáng kiến giữa Chính phủ Việt Nam và UNFPA để cùng chung tay chấm dứt phân biệt đối xử do định kiến giới; phòng, chống bạo lực gia đình; và bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam. (Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc)

Nguyễn Lê thực hiện

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/thien-tai-dich-benh-lam-tang-nguy-co-bao-luc-xam-hai-doi-voi-phu-nu-va-tre-em-gai-26358.html