Thiên tai khó lường, sẵn sàng phòng chống
Trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, thiên tai ngày càng phức tạp khó lường và có thể xảy ra bất cứ lúc nào trên địa bàn tỉnh, Bình Dương xác định công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương công tác chuẩn bị PCTT-TKCN từ sớm.
Hỗ trợ khắc phục hậu quả
Thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh chủ yếu do mưa lớn, lốc xoáy và triều cường. Trong đó, lốc xoáy gây hư hỏng về nhà cửa, công trình, gãy đổ cây trồng thường xảy ra nhiều vào thời kỳ chuyển mùa; mưa lớn, triều cường gây ngập úng nhà cửa, lúa, hoa màu, đường giao thông xảy ra nhiều vào mùa mưa và các tháng cuối năm. Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 trận thiên tai đã làm thiệt hại về tài sản gần 55 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra các trận mưa to hoặc mưa dông kèm lốc, sét đánh đã làm 1 người chết, tốc mái, ngập nhà, sân vườn thuộc TP.Thuận An; cây gãy đổ vào đường dây điện làm ảnh hưởng cấp điện trên địa bàn TX.Bến Cát, TP.Thủ Dầu Một. Ngoài ra, mưa còn gây ngập lụt nội ô, khu vực trên địa bàn TP.Thuận An. Ước thiệt hại về tài sản khoảng 78,5 triệu đồng.
Sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, đoàn thể và địa phương bị thiệt hại đã tập trung khẩn trương triển khai thực hiện việc hỗ trợ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.
Trong năm 2021, UBND các huyện, thị xã và thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho 485 hộ dân sửa chữa nhà cửa, công trình phụ với kinh phí gần 2 tỷ đồng, hỗ trợ cho 255 hộ dân khôi phục sản xuất nông nghiệp với kinh phí hơn 920 triệu đồng; cấp nước cho 230 hộ dân phục vụ ăn, uống với kinh phí 137 triệu đồng; sửa chữa 20 công trình phòng, chống thiên tai và sửa chữa, mua sắm trang, thiết bị phục vụ phòng, chống thiên tai, TKCN với kinh phí hơn 18 tỷ đồng.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh được được sử dụng từ nguồn Quỹ PCTT tỉnh. Kết quả thu quỹ hàng năm của tỉnh luôn nằm trong tốp 4 toàn quốc, phát huy được hiệu quả trong hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà ở, khôi phục sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ sửa chữa khẩn cấp các công trình phòng chống thiên tai, giải quyết tình trạng ngập úng trong khu vực. Quỹ PCTT tỉnh hỗ trợ các hoạt động, như: Mua sắm trang, thiết bị phòng, chống thiên tai và TKCN tỉnh; tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về thiên tai...
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Công tác PCTT-TKCN trong năm 2021 đạt được một số kết quả khá tốt, đề nghị công tác phối hợp giữa các đơn vị khai thác, quản lý hồ và các ngành, địa phương tiếp tục phát huy. Các đơn vị thi công, chủ đầu tư và địa phương có sự phối hợp tốt hơn, cần có một đơn vị túc trực các công trình đang thi công để đề phòng khi mùa mưa bão có phương án xử lý kịp thời, hạn chế ngập lụt, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Mặt khác, các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đang thi công để đưa vào sử dụng hoặc có phương án bảo vệ an toàn các công trình đang thi công; chú trọng công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai. Các ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong công tác PCTT-TKCN, bảo đảm an toàn trong mùa mưa.
Chủ động trong mọi tình huống
Theo Đài Khí tượng Thủy văn, thời tiết ở Bình Dương trong năm 2022 do rãnh áp thấp xích đạo hoạt động từ khá sớm (ngay từ những tháng đầu năm) nên nhiều khả năng mùa mưa sẽ đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Từ đầu tháng 4 đã xuất hiện những cơn mưa chuyển mùa, trong thời gian này các hiện tượng dông, sét, tố lốc, mưa đá xuất hiện gia tăng về tần suất. Kết thúc mùa mưa xảy ra trong khoảng giữa tháng 11, xấp xỉ trung bình nhiều năm. Theo đó, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm: Dông mạnh kèm theo tố, lốc, sét và mưa đá vào thời kỳ chuyển mùa, các tháng đầu mùa mưa và sau các đợt giảm mưa.
Ông Lê Cảnh Dần, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết để chủ động ứng phó kịp thời, giảm thiểu tối đa những thiệt hại do thiên tai gây ra, sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn; kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các hồ, đập, bảo đảm hoàn thành tiến độ vượt lũ, chống lũ an toàn. Việc hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa bão cần có sự đồng thuận và vào cuộc một cách chủ động, tích cực của các cấp, ngành và ý thức PCTT của mỗi người dân.
Trong năm 2022, để chủ động trong công tác PCTT-TKCN, tỉnh tiếp tục tổ chức kiện toàn, phân công nhiệm vụ của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đúng theo quy định, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật về PCTT. Đồng thời, tỉnh sẽ tổchức kiểm tra và chỉđạo các địa phương, đơn vị quản lý công trình theo phân cấp thực hiện kiểm tra đối với các công trình thủy lợi, công trình PCTT, đặc biệt là công trình hồ chứa, đê bao, tiêu thoát nước đầy đủ, đúng định kỳ trước, trong và sau mùa mưa lũ, sớm phát hiện hư hỏng, sửa chữa, gia cố kịp thời bảo đảm an toàn công trình và chống ngập úng do mưa, lũ, triều cường hiệu quả. Mặt khác, tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức thực hiện trực ban, theo dõi tình hình khí tượng thủy văn, tình hình thiên tai, mưa, bão, lũ, triều cường, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, tham mưu báo cáo lãnh đạo xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống thiên tai xảy ra, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 9-5-2022 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2022. Theo đó, để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin đến người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó; kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, các ngành, phân công nhiệm vụ cụ thể; tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác PCTT năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch những tháng còn lại. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và đưa vào sử dụng; kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình PCTT… Giao Sở NN&PTNT - Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả về UBND tỉnh để có chỉ đạo kịp thời.
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/thien-tai-kho-luong-s-n-sang-phong-chong-a271033.html