Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn

Ngày lễ Phật đản, chúng ta thường được nghe nhắc đến hình ảnh Đức Phật mới ra đời đi bảy bước, tay chỉ trời tay chỉ đất nói: 'Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn'.

Bài đăng trên Báo Giác Ngộ số 1251 - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn

Bài đăng trên Báo Giác Ngộ số 1251 - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn

Tuy nhiên, đọc kỹ trong kinh A-hàm thấy ghi bốn câu, nguyên văn chữ Hán là:

Thiên thượng thiên hạ,

Duy ngã độc tôn.

Nhất thiết thế gian,

Sinh lão bệnh tử.

Chính bốn câu này mới nói lên hết ý nghĩa thâm trầm về sự kiện Đức Phật mới ra đời. Có Phật tử thắc mắc: “Đạo Phật là đạo vô ngã, tại sao Đức Phật mới ra đời một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói ‘Duy ngã độc tôn’, như vậy là đề cao cái ngã quá mức rồi, thế thì việc này có mâu thuẫn với giáo lý vô ngã không?”. Đó là vấn đề mà tất cả chúng ta cần phải nắm cho vững.

“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có Ta là hơn hết. Tại sao Ta hơn hết? Vì trong tất cả thế gian, Ta đã vượt khỏi sanh già bệnh chết. Phật hơn tất cả thế gian vì Ngài đã qua khỏi sanh già bệnh chết. Như vậy câu nói đó không phải đề cao cái ngã. Tinh thần Phật giáo Phát triển đi thẳng vào cái ngã của Pháp thân, chớ không phải cái ngã của thân này. Nên nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là chỉ cho ngã Pháp thân.

Như chúng ta đã biết ngã của thân tứ đại ngũ uẩn này vô thường sanh diệt, không có nghĩa gì, nên Đức Phật nói vô ngã. Vô ngã là vô cái ngã tứ đại ngũ uẩn, nhưng Pháp thân là thể bất sanh bất diệt, nó trên hết. Vì vậy Phật nói “Duy ngã độc tôn”. Trong kinh Kim cang có bài kệ “Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai”, tức là nếu dùng sắc thấy Ta, dùng âm thanh cầu Ta, người đó hành đạo tà, không thể thấy Như Lai. Như vậy chữ ngã này chỉ cho ngã gì? Ngã của Pháp thân nên không thể dùng sắc tướng, âm thanh mà cầu. Nếu ai dùng sắc tướng âm thanh mà cầu Pháp thân, đó là tà.

Nếu chúng ta nhìn hình tướng của Đức Phật qua tám mươi vẻ đẹp, ba mươi hai tướng tốt, thì hiện giờ Ngài còn không? Đã hoại rồi. Thế nên những gì có hình tướng đều vô thường, đều tan hoại. Phật dạy “Nếu thấy các tướng không phải tướng là thấy Như Lai”. Như Lai này là Như Lai bất sanh bất diệt nơi mọi người. Hiện giờ chúng ta thấy các tướng sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đều là thật, bởi thật nên cứ dính với nó mãi. Một lời khen cho là thật nên nhớ mãi, một lời chê cho là thật nên trằn trọc ngủ không yên. Một hình tướng hoặc đẹp hoặc xấu hiện trước mắt, chúng ta cũng không quên, do đó tâm không bao giờ an. Không an là tâm nào? Tâm vọng tưởng điên đảo, cứ trào lên dính với sáu trần.

Khi biết các pháp là duyên hợp hư giả thì thấy tướng mà không phải tướng, do đó tâm không dính với sáu trần. Do không dính với sáu trần nên tâm an ổn. Ngược lại với tâm an ổn là tâm dấy động, tâm sanh diệt. Chấp tâm sanh diệt làm tâm mình, nên bị nó dẫn đi trong luân hồi. Trái lại, tất cả niệm sanh diệt lặng xuống, cái chưa từng sanh diệt hiện tiền, đó mới là Như Lai bất sanh bất diệt. Người tu phải tìm đến chỗ cứu cánh chân thật, chớ không phải chỉ tạo phước nho nhỏ trên hình tướng sanh diệt, rồi lại phải tiếp tục đi trong sanh tử, chịu khổ đau luân hồi hết đời này đến kiếp nọ.

Là người đệ tử Phật, chúng ta muốn đền ân giáo hóa của Thế Tôn, không gì bằng nỗ lực tu tập cho được giác ngộ, giải thoát. Sau đó tiếp bước con đường Phật Tổ đã đi, tiếp vật lợi sanh, truyền bá Chánh pháp, rộng làm lợi ích cho mọi người. Như vậy mới hiểu và hành đúng những gì Đức Phật đã chỉ dạy.

Tóm lại, chúng ta nhớ tưởng đến Đức Phật không phải chỉ là Đức Phật ở Ấn Độ, mà chính là Pháp thân Phật bất sanh bất diệt ngay nơi chính mình. Đức Phật đó chỉ hiển hiện khi nào tâm ta không còn vọng tưởng điên đảo chạy theo sáu trần. Vọng tưởng lặng rồi thì Đức Phật hiện tiền. Đó là thấy đúng lẽ thật, đúng chân lý.

Mừng đón Đại lễ Phật đản là làm sao chúng ta phải nhận ra vị Phật ngay nơi mình. Nói cách khác là làm cho Đức Phật của chính mình hiển lộ, thông qua sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Các căn tiếp xúc với các trần, dùng trí tuệ quán chiếu biết nó không thật nên không dính mắc, không bị nó lôi dẫn. Nếu tâm niệm còn dính còn chấp thì tâm niệm đó là tâm niệm cuồng loạn, sanh diệt, không thể nào an vui giải thoát được. Không còn dính chấp vào các tướng hư giả mới là tâm chân thật, là duy ngã độc tôn. Bấy giờ thấy chỉ thấy, nghe chỉ nghe, thường biết rõ ràng mà không bị các pháp bên ngoài làm nhiễu loạn. Đó chính là Đức Phật đản trong mỗi chúng ta.

Là người đệ tử Phật, chúng ta muốn đền ân giáo hóa của Thế Tôn, không gì bằng nỗ lực tu tập cho được giác ngộ, giải thoát. Sau đó tiếp bước con đường Phật Tổ đã đi, tiếp vật lợi sanh, truyền bá Chánh pháp, rộng làm lợi ích cho mọi người. Như vậy mới hiểu và hành đúng những gì Đức Phật đã chỉ dạy.

Kính mừng ngày Đức Phật đản, tôi mong tất cả Tăng Ni, Phật tử luôn nhớ tu học và hành trì lời Phật dạy thật đúng đắn, siêng năng tinh tấn tu hành. Nguyện tu hành chừng nào bằng Phật mới ưng. Đó chính là chân thật thành kính tưởng niệm ngày đấng Cha lành thị hiện nơi đời, đem lại nguồn an vui hạnh phúc cho muôn loài.

Hòa thượng Thích Thanh Từ/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/thien-thuong-thien-ha-duy-nga-doc-ton-post71576.html