Chuyện hoa quỳnh

Khi đọc câu 'Hài văn lần bước dặm xanh/Một vùng như thể cây quỳnh cành giao' trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, tôi rất tò mò về 2 loại cây này.

Hoa quỳnh. Ảnh: Tiến Thịnh

Hoa quỳnh. Ảnh: Tiến Thịnh

Sau đó, tôi đã bỏ công tìm kiếm và đem chúng về trồng thử trong vườn nhà. Điều thú vị ở 2 loại cây này là quỳnh thì không có cành chỉ có lá còn giao thì không có lá chỉ có cành. Chúng luôn được trồng cạnh nhau như một sự nương tựa, bổ sung cho nhau.

Cây quỳnh khi lớn có thân hình dây, luôn quấn quít bên cành giao cứng cáp trông rất gần gũi và dễ thương. Trong Đông y, người ta thường sử dụng 2 loại cây này để điều trị một số bệnh. Tuy nhiên, mủ của cây giao được cho là rất độc, nếu văng vào mắt có thể bị mù. Chính vì vậy, dù rất tiếc nhưng tôi vẫn phải chặt đi cây giao. Riêng cây quỳnh, tôi vẫn nhân rộng khắp vườn, trồng nó bên cạnh các loại cây thân mộc khác để làm giá đỡ thay cho những cành giao trước đây.

Khi Tây Nguyên bước vào mùa mưa thì quỳnh bắt đầu trổ bông và chỉ nở rộ về đêm. Chính bởi đặc tính đó mà hoa quỳnh được mệnh danh là “nữ hoàng của bóng đêm”. Hoa quỳnh từ lúc hé nở đến khi khép lại vòng đời chỉ trong vòng vài ba tiếng đồng hồ. Loài hoa của bóng đêm ấy luôn e ấp và giấu đi vẻ đẹp riêng có của mình. Nó như nàng tiên xuất hiện đôi phút chốn hồng trần và chỉ có những bậc hiền nhân, quân tử có duyên phận và tri kỷ với loài hoa ấy mới có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp tinh khôi hiện hữu trong không gian thanh vắng, tĩnh mịch đầy chất thơ: “Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên” (Nguyễn Du).

Tôi yêu cái màu trắng trinh nguyên với mùi thơm dịu nhẹ của hoa quỳnh: “Như chỉ hoa quỳnh có/Cái màu trắng ấy thôi/Màu trắng muốt thơ ngây/Chẳng lẫn vào đâu được/Đời của hoa thơm ngát/Con ong nào biết đâu/Hoa nở trong lặng lẽ/Âm thầm vào đêm sâu…” (Lâm Thị Mỹ Dạ). Đúng vậy! Chẳng có loài ong, bướm nào có thể chạm được đến sự tinh khiết của hoa, mặc dù nó phát tán mùi thơm đầy quyến rũ.

Tác phẩm “Quỳnh hương” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng lấy cảm hứng từ loài hoa ngát hương này: “Ta mang cho em một đóa quỳnh/Quỳnh thơm hay môi em thơm…”. Tôi nhớ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng chia sẻ, khi ca sĩ Quỳnh Hương tiếp cận, rất thích ca khúc này và tìm đến với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đồng thời tặng cho tác giả một cây quỳnh. Sau một thời gian, Quỳnh Hương chia tay với người nhạc sĩ tài hoa này thì cũng là thời điểm cây quỳnh ấy nở hoa và đưa hương.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuyen-hoa-quynh-post280039.html