Thiên, Thủy, Thổ: Triển lãm đặc biệt tôn vinh di sản Anh và Việt Nam
Nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam , từ ngày 23 đến 29-9, một triển lãm đặc biệt tôn vinh thiết kế và trao đổi di sản văn hóa giữa Anh Quốc và Việt Nam sẽ diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám , Hà Nội.
Với tên gọi “Thiên, Thủy, Thổ: Những cuộc giao thoa” triển lãm được dẫn dắt bởi Giám tuyển Wax Atelier (London), phối hợp với các thợ thủ công Mông Dua của bản Pà Cò (Hòa Bình) và Kilomet109 (Hà Nội.
Triển lãm là những khám phá sống động về nền thủ công phong phú, di sản và kiến thức chung giữa Anh Quốc và Việt Nam. Dẵn dắt khán giả vào một “hành trình ngược” - triển lãm giới thiệu tính chất vật lý và sân khấu của quá trình biến thực vật thành sản phẩm, sử dụng dây thừng làm phương tiện và phép ẩn dụ để thể hiện các ý tưởng, kỹ năng đa văn hóa từ một nhóm nhà thiết kế, nghệ sĩ chất liệu, nghệ sĩ hình ảnh/âm thanh và nghệ nhân thủ công gắn bó mật thiết với nhau như thế nào.
Không gian triển lãm nhà Hữu Vu sẽ được chia thành ba phần (ba cõi): Thiên, Thủy, Thổ. Trước tiên, khách tham quan sẽ bước vào cõi Thổ, nơi trưng bày các đồ vật mang tính thực tế và nghi lễ cũng như những khám phá khác từ Hà Nội, London và Pà Cò.
Cuộc hành trình tiếp tục đến cõi Thủy, nơi trưng bày ấn tượng các đồ vật, mô hình và nguyên mẫu được chế tạo bằng dây thừng, cũng như các trạm bện để thu hút khách tham gia trực tiếp vào quá trình chế tạo.
Cuối cùng, khách tham quan sẽ bước vào một rạp chiếu phim nhỏ, hay còn gọi là cõi Thiên, là nơi được sắp đặt sống động và trình chiếu phim.
Dự án này là kết quả của một chuyến lưu trú nghệ thuật được thực hiện bởi ba nhóm sáng tạo tại Hà Nội vào đầu năm nay, nơi họ lần đầu tiên bắt đầu khám phá chủ đề di sản chung thông qua một loạt hội thảo thử nghiệm tại Trung tâm APD ở Hà Nội và bản Pà Cò.
Cuộc lưu trú nghệ thuật đã dẫn đến một loạt các tác phẩm và đồ vật hợp tác được chế tác từ bảng chất liệu chung gồm cây gai dầu, thuốc nhuộm tự nhiên, sáp ong và sáp thực vật; và một bộ phim nghệ thuật ngắn của đạo diễn Rocio Chacon sẽ được chiếu suốt tuần.
Wax Atelier được thành lập vào năm 2017 bởi hai nhà thiết kế đa ngành Lola Lely và Yesenia Thibault-Picazo, tại London. Sản phẩm của họ được sản xuất tại Poplar, phía đông London, bởi đội ngũ nghệ nhân được đào tạo bài bản, xuất thân từ cộng đồng địa phương.
Wax Atelier tái hiện các kỹ thuật truyền thống từ nhúng nến, làm giấy, làm vải thủ công bằng sáp tự nhiên. Chế tạo trở thành một công cụ để trải nghiệm mối liên hệ giữa thế giới tự nhiên và văn hóa vật chất.
Đối với dự án này, cộng tác viên chính của họ là các nữ thợ thủ công người Mông Dua ở bản Pà Cò và KILOMET109. Sự hiểu biết ngày càng tăng giữa các cộng tác viên chủ yếu dựa trên sở thích chung về vật liệu; mỗi người đã làm việc theo cách riêng của mình với vải gai dầu, kỹ thuật nhuộm tự nhiên và sáp ong.
Kilomet109 được dẫn dắt bởi nhà thiết kế, nghệ sĩ chất liệu Thảo Vũ. Là người đi đầu trong nhóm các nhà thiết kế trẻ tiên phong đã đưa Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo mới nổi của thế giới thời trang. Thảo hợp tác với một số nhóm nghệ nhân thủ công địa phương trên khắp Việt Nam để trồng, kéo sợi, dệt, in và nhuộm vải dùng thuốc nhuộm tự nhiên. Sau đó, trang phục được hoàn thiện tại xưởng thiết kế của cô ở Hà Nội.
Quá trình sáng tạo có chủ đích và thực hành này tôn vinh các nguyên tắc của phong trào “thời trang chậm”. Tầm nhìn của Thảo bao quát từng chi tiết trong quy trình sản xuất của Kilomet109, bắt đầu từ những chất liệu tự nhiên dùng trong trang phục cô thiết kế.
Toàn bộ chuỗi sản xuất được khép kín trong chính cộng đồng thủ công - chỉ sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc địa phương và thuốc nhuộm thân thiện với môi trường. Cách tiếp cận siêu địa phương hóa này ưu tiên tính bền vững sinh thái và hỗ trợ sinh kế cho các nghệ nhân.
Những phụ nữ dân tộc Mông Dua của bản Pà Cò (tỉnh Hòa Bình) là một cộng đồng thợ thủ công tiêu biểu ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Họ thành thạo các nghề thủ công truyền thống bao gồm làm giấy, dệt sợi gai, nhuộm chàm và vẽ sáp ong.
Nhóm nghệ nhân Mông Dua này là những chuyên gia về nông, lâm nghiệp. Tất cả nguyên liệu làm đồ thủ công của họ đều có nguồn gốc địa phương, chỉ cách bản của họ vài cây số. Cây tre, cây gai dầu và cây chàm được trồng và thu hoạch ở khu rừng và cánh đồng gần đó, trong khi sáp ong có nguồn gốc hoang dã trên các dãy núi xung quanh.
Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (VDW) là nền tảng quốc gia thường niên đầu tiên và lớn nhất nhằm tôn vinh những sản phẩm và nhà thiết kế tiêu biểu của Việt Nam trong các lĩnh vực: thiết kế truyền thông, thiết kế nội thất, thiết kế sản phẩm, thiết kế thời trang và thiết kế công cộng. Chương trình VDW bao gồm chuỗi các hoạt động như cuộc thi thiết kế, hội thảo, workshop, triển lãm nhằm nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế nói riêng và ngành công nghiệp sáng tạo của Việt Nam nói chung.