Thiêng liêng 'Đài hoa tím'
Truyện ký 'Đài hoa tím' là lời tri ân và tưởng nhớ sau 55 năm, 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc hiến dâng tuổi xuân của mình cho quê hương, đất nước.
“Ở trên tầng mây xanh ấy là một trần mây tím mênh mông…” - Đó là trần mây được kết từ 10 đóa hoa Đồng Lộc mãi mãi tuổi hai mươi mà tác giả Nghiêm Văn Tân dành 10 năm để viết nên “Đài hoa tím” thiêng liêng…
Được NXB Văn học tái bản và Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam phát hành đúng vào tháng 7 này, truyện ký “Đài hoa tím” là lời tri ân và tưởng nhớ đặc biệt sau 55 năm (1968 - 2023) 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc hiến dâng tuổi xuân của mình cho quê hương, đất nước.
“Đài hoa tím” gồm 9 chương được thể hiện trong chưa đầy 200 trang sách khổ nhỏ: 14,5x20,5 cm. Gọn ghẽ là vậy mà truyện ký vẫn đủ sức không chỉ khắc họa thành công một tượng đài bất tử về những liệt nữ thanh niên xung phong, mà còn cất lên khúc ca bay bổng về những tâm hồn vui tươi, lãng mạn, sáng trong luôn đong đầy ước mơ rất đỗi ngọt ngào, bình dị song bởi chiến tranh mà phải gác lại và cầm súng…
Bằng bút pháp hiện thực lãng mạn, tác giả đã tái hiện những câu chuyện, cảm xúc chung – riêng của các nữ thanh niên xung phong trước và trong khi xung phong thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tại Ngã ba Đồng Lộc.
Họ cùng là những thiếu nữ đang ở độ tuổi 20 mơ mộng với những bông hoa mua tím biếc vội hái nơi ven đường; khi thì để vẫy chào những người lính ra trận: “Những bàn tay vẫy chào nhau. Tần giơ bó hoa mua vẫy lại…”; khi thì để làm chứng cho một cuộc gán ghép lứa đôi: “Tần và Cúc đã đẩy Nhỏ tới gần anh lái xe xích hơn nữa. Nhỏ trao bó hoa màu tím cho anh…”.
Họ là những cô gái yêu đời, lạc quan, không thiếu những trò tinh nghịch, bông đùa để không ngừng vượt qua hoàn cảnh cá nhân, không ngừng mơ ước. Tác giả thật khéo léo đan cài những câu chuyện riêng của mỗi người có khi theo dòng suy tưởng ký ức cũng có khi theo bước chân các cô về phép trước ngày ra chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc.
Đó là, chị cả Võ Thị Tần thủy chung sắt son chờ đợi người yêu ra trận; chị hai Hồ Thị Cúc côi cút, tình duyên đứt gánh; cô nàng mỏng mày hay hạt Xuân Vĩnh Lộc rối bời giữa mối duyên nơi tiền tuyến; Võ Thị Hà tinh nghịch, lém lỉnh “giải cứu” cho Hà Thị Xanh khỏi mối duyên phụ huynh định sắp đặt, em út Nguyễn Thị Nhỏ mơ mộng về mối tình với anh lái xe xích…
Dẫu mỗi người một cảnh ngộ nhưng khi tập hợp và “chụm lại” ở tiểu đội 4 đại đội Thanh niên xung phong 552, họ luôn mang trong mình tinh thần bà Trưng, bà Triệu - khi đất nước có ngoại bang xâm lăng dù là “nữ nhi” mà chẳng “thường tình”: “Chúng mình phải mở đường máu ở đây (…). Vào đây, khó khăn gian khổ sẽ nhiều hơn so với tất cả những lần chúng mình trải qua từ trước đến nay. Vào đây, sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Nhưng chúng mình không thể lùi bước được. Chúng mình phải chiến thắng giặc Mỹ ngay trên Ngã ba Đồng Lộc này. Nếu cần, vì sự sống của con đường, chúng mình có thể sẵn sàng hy sinh, để cho ngày Bắc Nam thống nhất đến gần hơn…”.
Ở “Đài hoa tím” có nhiều hình ảnh được trở đi trở lại. Nếu bó hoa mua tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, thủy chung thì ngôi sao Hôm tượng trưng cho sức mạnh của tinh thần thép bất diệt truyền từ những liệt nữ ấy đến người ở lại.
Nếu ở đầu truyện ngôi sao ấy xuất hiện “rực rỡ, trong vắt…” thì đến những trang cuối của tác phẩm: “Ngôi sao Hôm rưng rưng như giọt nước mắt. Giọt nước mắt không bao giờ rơi xuống nữa. Nó ngưng đọng như một giọt thép mới ra lò”.
Những lá thư được tác giả “phục dựng” từ tư liệu và theo trí tưởng tượng cũng luôn đem lại không ít ám ảnh. Đầu tiên là lá thư của chị Tần gửi Ban Chỉ huy K68 – Bảo đảm giao thông tỉnh Hà Tĩnh với trách nhiệm của một nhân chứng tận mắt nhìn thấy sự hy sinh của anh bộ đội lái xe dọn đường song chị lại chẳng kịp hỏi tên và đơn vị.
Lá thư ấy khép lại cuộc gặp gỡ tình cờ của những người lính ra trận luôn hào sảng niềm tin vào chiến thắng để rồi hẹn và bày tỏ ước mơ: “O ngồi tạm, sau này hòa bình sẽ có Vonga đưa o về Hà Nội thăm “Đất thánh” để bù lại chuyến đi này”; hay dự định về một tổ ấm: “Tôi sẽ có vào khoảng 2 hoặc ba gì đó… Vì đến bây giờ tôi vẫn chưa biết mẹ các cháu là ai…”.
Lá thư của cặp đôi Xuân Vĩnh Lộc và công binh Vĩnh lại là nỗi buồn của sự hiểu lầm khi người trong tổ chức đưa thông tin sai lệch về đời tư chiến sĩ. Mối tình đang ngọt ngào bỗng dưng trở thành chát đắng và phải mất rất nhiều thời gian mới được tỏ tường.
Nhưng xót xa thay khi những lá thư kết nối trở lại ấy mãi mãi còn buộc trên bím tóc bằng sợi dây đỏ của Xuân. Vì Xuân muốn đón nhận những lời thương nhớ của tình yêu ở không gian yên bình chứ không phải giữa bom rơi, đạn nổ. Vậy mà không thể…
Bởi vậy, dù là truyện ký – viết về người thật, việc thật, song “Đài hoa tím” không khô khan trong những dòng liệt kê sự việc hay hô khẩu hiệu mà luôn thấm đẫm chất tự sự thậm chí có cả những triết lý về nhân sinh được xây dựng từ chi tiết của riêng ai đó nhưng lại mang tính khái quát cao và tiếp tục đặt ra những câu hỏi về chế độ chính sách hậu chiến, thái độ ứng xử giữa con người với con người không chỉ của hôm qua mà cho cả hôm nay và mai sau…
Thế nên, dù không phải là người trực tiếp chứng kiến sự việc, song tác giả vẫn đủ sức thuyết phục độc giả bằng một thiên truyện cảm động, sâu sắc đã được chuẩn bị tư liệu và viết trong suốt 10 năm, từ 1968 - 1978.
Đây là lần thứ 4 tác phẩm được tái bản (bản in lần đầu năm 1978, Nxb Phụ nữ), ngoài phần truyện ký “Đài hoa tím” còn có thêm phụ lục hình ảnh và một số bài viết, trò chuyện với tác giả về cuốn sách. Theo Công ty Sách và Truyền thông Việt Nam, đơn vị này đã liên hệ với gia đình tác giả Nghiêm Văn Tân để lần nữa được mang cuốn sách trở lại với văn đàn. Bản thảo và hình ảnh trong sách đều do gia đình tác giả cung cấp. Sau thời gian xem xét và trao đổi, gia đình tác giả đã đồng ý cho ban biên tập bỏ hai phần vĩ thanh “Đêm” và “Ngày” để quay lại bản thảo nguyên thủy ban đầu: “Đài hoa tím” - chuyện 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thieng-lieng-dai-hoa-tim-post648724.html