Thiêng liêng K9 - Đá Chông

Từ lâu đã biết K9 - Đá Chông là một địa chỉ thiêng liêng gắn với cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, nhưng những ngày gần đây khi cả nước hướng tới kỷ niệm lần thứ 134 ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2024) tôi mới may mắn cùng tập thể Chi bộ tổ 11, phường Sông Bằng (Thành phố) hành hương về Ba Vì (Hà Nội) để chiêm ngưỡng và bái vọng khu di tích lịch sử đặc biệt này.

Mặc dù thời gian tham quan hơi gấp, chỉ nghe các hướng dẫn viên giới thiệu về nơi ở, nơi làm việc của Bác, Bộ Chính trị và nơi cất giấu thi hài của Bác trong những năm giặc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc nhưng cũng đủ cho cả đoàn trầm trồ thán phục về tài phong thủy và tầm nhìn xa, trông rộng của bậc “đại nhân, đại chí, đại dũng Hồ Chí Minh”.

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km, K9 - Đá Chông nằm trên một quả đồi cây cối bốn mùa tỏa cành xanh lá, vi vu gió mát, tạo thành một địa điểm đắc địa về mặt phong thủy. Được biết năm 1957, trong một lần thăm Trung đoàn 308 đang trong thời gian luyện tập ở đây, Bác Hồ cùng với một số đồng chí lãnh đạo trung đoàn ngồi ăn cơm nắm và nghỉ trưa dưới một tán cây. Với con mắt của một nhà chiến lược đại tài, có tầm nhìn xa trông rộng, Bác đã nghĩ tới việc xây dựng một căn cứ bí mật cho Trung ương Đảng làm việc. Dẫu rằng khi đó chưa xảy ra chuyện máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc nhưng Bác tiên liệu không sớm cũng muộn điều đó sẽ xảy ra. Đến tháng 2/1958, Bộ Chính trị quyết định khởi công công trình, chỉ trong 6 tháng công trình đã hoàn thành. Đích thân Bác xem xét, duyệt bản thiết kế, thậm chí Bác chỉ cho chặt một vài cây xanh gần đó để bảo đảm nét đẹp của khu đồi cũng như để bảo vệ môi trường sinh thái.

Nghe các đồng chí hướng dẫn viên giới thiệu, các thành viên trong đoàn xuýt xoa khâm phục về sự tinh tường của Bác. Đoạn đường từ dưới chân đồi lên ngôi nhà 2 tầng dài khoảng gần nửa cây số được thiết kế từng bậc, sau vài bậc có một ô rộng rải hoàn toàn đá, sỏi nhằm mục đích phát hiện từ xa khi có bước chân người đặt tới; hoặc ngay từ năm 1960 khi ngôi nhà nằm nép giữa đồi cây, Bác hướng dẫn cho các chiến sĩ công binh dùng những tấm cửa lưới chắn muỗi ở các cửa sổ mà khi đó ở các thành phố lớn của nước ta, nhiều nhà giàu có vẫn chưa nghĩ tới việc thiết kế và lắp đặt những tấm cửa lưới này. Đây quả là một nét nhìn xa, trông rộng của Bác.

Ngôi nhà 2 tầng xinh xắn có dáng như ngôi nhà sàn của Bác ở Hà Nội, có phòng họp của Bộ Chính trị, có 2 phòng khách và 1 phòng ngủ của Bác, cách đó không xa là nhà ăn, nhà bếp hết sức đơn giản và những căn nhà nhỏ của đội bảo vệ, có hầm trú ẩn được xây dựng kiên cố, sâu dưới lòng đất tới 3 m. Ngoài các đồng chí trong Bộ Chính trị, chỉ có hai vị khách nước ngoài từng được Bác tiếp tại đây, đó là bà Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai) đến thăm Bác đầu năm 1961 và G.Titov, phi công vũ trụ của Liên Xô được Bác tiếp đầu năm 1962. Đích thân G.Titov trồng một cây vàng anh lưu niệm ở gần ngôi nhà, đến bây giờ cây vàng anh ấy đã trở thành cây cổ thụ.

Phải nói rằng, K9 - Đá Chông có một ý nghĩa thiêng liêng với mọi thế hệ con cháu Hồ Chí Minh, vì đó là nơi gìn giữ thi hài Bác từ năm 1969 - 1975, nghĩa là từ sau lễ tang ở Hội trường Ba Đình đến ngày đại thắng mùa xuân 1975. Một điều hấp dẫn nữa là những chiếc xe ô tô cứu thương, xe lội nước và đặc biệt là chiếc xe chở thi hài Bác từ Hà Nội lên đây vẫn được giữ gìn nguyên vẹn để các thế hệ con cháu ngày nay và mai sau có dịp tận mắt tham quan, ngưỡng vọng. Nhìn những hiện vật đó, chúng tôi thầm cảm ơn về sự tận tụy chăm lo, bảo vệ, gìn giữ của đội ngũ làm công tác bảo vệ và hướng dẫn viên ở đây. Nhờ đó mà K9 - Đá Chông mãi mãi là một khu di tích lịch sử đặc biệt thiêng liêng và trở thành nơi mời gọi đời đời cháu con đến đây chiêm ngưỡng, bái vọng.

Ngay cái tên đất của khu di tích cũng là một điển hình về sự bảo mật. Tên chính thức chỉ là Đá Chông, vì ở đây có những tảng đá tự nhiên có dáng vót nhọn như những ngọn chông của quân dân miền Nam trong những năm chống Mỹ. Đến khi Bác quyết định cho xây dựng căn cứ này và sau đó Bác làm việc ở đây, di tích mới có mật danh là K9. Hiện nay, khu di tích lịch sử này vẫn thuộc sự quản lý của Bộ Tư lệnh Lăng Bác nên việc đến viếng vẫn phải xin giấy phép của Bộ Tư lệnh ở Hà Nội để bảo đảm sự thiêng liêng cũng như là sự trân trọng, kính yêu đối với Bác Hồ.

Là con dân đất Việt hãy một lần lên K9 - Đá Chông để suy ngẫm thêm về bản di chúc của Bác, phấn đấu làm theo những lời căn dặn của Bác trước lúc đi xa. Đặc biệt trong quá trình thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thử hỏi mình đã, đang và sẽ tu dưỡng, rèn luyện như thế nào để “yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”.

Chu Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thieng-lieng-k9-da-chong-3169253.html