Thiêng liêng kỷ vật, chân dung liệt sĩ về với gia đình

Sau chiến tranh mấy mươi năm, những di vật, kỷ vật người lính gửi lại trước khi lên đường tham gia chiến đấu; những chân dung được phục dựng đã “đoàn viên” với thân nhân, gia đình liệt sĩ. Tháng 7 này thấm đẫm những câu chuyện nhân văn, sự tri ân của thế hệ hôm nay với những người đã nằm xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thân nhân và gia đình 4 liệt sĩ trên địa bàn tỉnh vừa đón các anh về qua từng di vật, kỷ vật từ Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam), Cục Chính trị Quân khu 5, Bộ CHQS và Sở LĐTB&XH tỉnh. Trước đó, trong chương trình Tuổi trẻ Phú Yên tri ân anh hùng, 49 di ảnh phục dựng chân dung liệt sĩ đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thường trực Tỉnh đoàn, nhóm Team Lee và các đơn vị tài trợ trao đến thân nhân, gia đình liệt sĩ. Mỗi di vật, kỷ vật, mỗi chân dung được phục dựng mang trong mình một câu chuyện bi tráng, nhắc nhở chúng ta về quá khứ hào hùng, minh chứng của lòng yêu nước cao cả, tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của bao lớp người hăng hái ra chiến trường khi vừa mười tám đôi mươi...

Đất nước nghiêng mình trước sự hy sinh mãi ở tuổi thanh xuân ấy của biết bao anh hùng liệt sĩ. Các thế hệ hôm nay sống trong hòa bình được đánh đổi bằng xương máu của bao lớp người, càng trân quý giá trị của hòa bình, độc lập. Bằng tinh thần trách nhiệm, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã phối hợp với ngành LĐTB&XH miệt mài, tích cực xác minh thông tin, bàn giao di vật, kỷ vật của các liệt sĩ gửi lại trước khi tham gia chiến đấu. Từng bức thư tay, từng quyển nhật ký, từng giấy báo tử…, gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng, tham gia chiến đấu - là hiện thân của các liệt sĩ - đã trở về trong niềm xúc động, tự hào của thân nhân và gia đình mình.

Tiếp nối truyền thống cha anh đi trước, thế hệ trẻ hôm nay tri ân các anh hùng liệt sĩ bằng chính kỹ năng của mình. Mỗi chân dung liệt sĩ được phục dựng chất chứa ân tình, lòng biết ơn, thấu hiểu sự lặng lẽ, mòn mỏi đợi trông của bao người mẹ, người vợ… khi các anh không về. Bởi trong tâm thức của người Việt, việc thờ cúng và lựa chọn ảnh thờ có ý nghĩa thiêng liêng, không chỉ đại diện cho người đã khuất, mà còn chứa đựng giá trị tâm linh sâu sắc, giúp người sống nhớ về và tri ân, duy trì mối liên kết vô hình với họ. Thế nhưng, biết bao liệt sĩ cống hiến, hy sinh thân mình mà không có một di vật, không một tấm hình vẹn nguyên; và biết bao thân nhân, gia đình liệt sĩ đã, đang và sẽ đau đáu khôn nguôi vì điều này.

Lúc này đây, việc tìm kiếm, bàn giao từng di vật, kỷ vật có giá trị tinh thần, là tài sản lớn lao; sự trao gửi từng chân dung phục dựng nét thanh xuân của từng liệt sĩ, trang trọng trong từng lá cờ Tổ quốc, hơn lúc nào hết thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với liệt sĩ, thân nhân, gia đình liệt sĩ. Những mất mát, đau thương trong chiến tranh không gì bù đắp nổi. Thế nhưng, nếu người ngã xuống trở về với thân nhân, gia đình liệt sĩ theo từng kỷ vật, từng bức chân dung sẽ tạo nên những khoảnh khắc, những cuộc gặp lại chỉ có họ và người thân đã khuất; làm sâu sắc đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, giáo dục thế hệ mai sau về giá trị của hòa bình, nhân lên hoài bão xây dựng, phát triển đất nước.

Thời gian tới, cùng với sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đối với gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; sự nỗ lực quyết tâm, bằng tình cảm, tấm lòng, trách nhiệm của những người làm công tác chính sách và các cấp, ngành, hy vọng công tác tìm kiếm, xác minh thông tin về liệt sĩ và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa đạt nhiều kết quả hơn nữa, phần nào xoa dịu nỗi đau, hoàn thành tâm nguyện của thân nhân, gia đình liệt sĩ.

NGỌC DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/318530/thieng-lieng-ky-vat-chan-dung-liet-si-ve-voi-gia-dinh.html