Thiêng liêng phên dậu Lạng Sơn

Lên đến thành phố Lạng Sơn cùng đoàn văn nghệ sĩ Lâm Ðồng, tôi chợt nhớ đến tuyên bố của quân Trung Quốc tiến vào vùng đất này đúng 40 năm trước, rất ngông nghênh: 'Sáng ăn cơm Ðồng Ðăng, chiều ăn cơm Hà Nội'. Nhưng 5 ngày sau, địch không thể chiếm nổi pháo đài của ta trấn giữ.

Hiên ngang Di tích Phai Vệ. Ảnh: M.Đ

Người hi sinh đầu tiên tại chiến tranh biên giới phía Bắc

Lạng Sơn là tỉnh nằm ở Đông Bắc của đất nước Việt Nam, tổng diện tích tự nhiên gần 8.311 km2; có 231 km đường biên giới với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Dân số của Lạng Sơn khoảng 800 nghìn người. Chúng tôi theo Quốc lộ 1A đến thị trấn Đồng Đăng của huyện Cao Lộc, nơi có cửa khẩu Hữu Nghị, KM 00, cách trung tâm thành phố Lạng Sơn 14 km. Thị trấn này bao bọc thành phố Lạng Sơn, rộng 700.000 m2, dân số 7.522 người.

Một trong những ấn tượng và ai cũng xao xuyến, bồi hồi là khi đặt chân đến biên giới, cửa khẩu Hữu Nghị. Ở đây là cột mốc 1116. Sau khi chụp ảnh kỷ niệm với cột mốc thiêng liêng, cả đoàn đứng tại khuôn viên cột mốc để nghe Thiếu tá bộ đội Biên phòng Việt Nam Lê Công Minh giới thiệu. Vóc người rắn chắc, quân dung đĩnh đạc, giọng của anh Minh vừa dứt khoát vừa thấm đẫm niềm tự hào dân tộc. Tôi đặc biệt nhớ sự kiện mà Thiếu tá Minh nói: “Ngay tại đây, đồi Pù Tèo Hào, năm 1978, quân Trung Quốc đã ào sang xâm chiếm và anh Lê Đình Chinh đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam của chúng ta. Anh là liệt sĩ đầu tiên trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc…”.

Ngày 12/7/1978, phía Trung Quốc bất ngờ đóng cửa biên giới, hơn 4.000 người Việt gốc Hoa bị kích động rời Việt Nam về Trung Quốc bị ùn đọng ở cửa khẩu Hữu Nghị. Khu vực đường biên náo loạn, mất an ninh trật tự do họ dựng lều và sinh hoạt bừa bãi. Tình hình buộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Lạng khẩn cấp triển khai lực lượng nhằm bảo vệ an toàn cho số người Hoa. Rạng sáng 25/8, Đoàn cán bộ dân vận liên ngành tỉnh Cao Lạng, nòng cốt là phụ nữ, tiếp cận để thăm hỏi, động viên và chăm sóc sức khỏe cho bà con người Hoa. Tuy nhiên, lực lượng chức năng phía Trung Quốc mặc thường phục kéo sang hỗ trợ những người Hoa tấn công lại đoàn công tác Việt Nam bằng gạch, đá, gậy gộc và dao quắm. Tình thế hiểm nghèo, anh Lê Đình Chinh và đồng đội trong Đồn biên phòng Hữu Nghị (Trung đoàn 12, còn gọi là Đoàn Thanh Xuyên thuộc Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng) phải can thiệp giải vây. Các anh tay không, phải chống đỡ với hàng trăm côn đồ hung hãn để mở đường cho cán bộ xuống chân đồi. Cứu được những cán bộ bị chúng hành hung thì Lê Đình Chinh bị một hòn đá to ném trúng đầu, chấn thương rất nặng. Anh vẫn tiếp tục xông lên đánh địch và sau đó ngã xuống do kẻ thù chém lén bằng dao. Lê Đình Chinh anh dũng hi sinh vào 10 giờ ngày 25/8/1978, vào tuổi 18, ngay trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu. Chỉ 5 ngày sau, anh được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau 35 năm nằm lại địa đầu Tổ quốc, ngày 6/1/2013, hài cốt Lê Đình Chinh được đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa theo tâm nguyện của mẹ anh. Với thế hệ chúng tôi, lời bài hát “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh” của nhạc sĩ Phạm Tuyên ra đời vào thời điểm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc cứ vang vọng, lan tỏa trong mỗi tâm hồn: “Chúng tôi là đồng đội của anh Lê Đình Chinh/Nghe đất nước gọi như tiếng gọi của chính mình (…). Tuổi thanh xuân anh đẹp sao/ Vì Tổ quốc hiến dâng dòng máu/ Nguyện theo anh để lập chiến công đầu”... Bởi thế mà khi tôi đưa tấm ảnh cột mốc 1116 và lời giới về Anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh lên facebook cá nhân, ngay đó, bạn bè tôi đã viết ngay những dòng comment (bình luận): “Tôi là đồng đội của Lê Đình Chinh đây…” (Nguyễn Hữu Thắng - Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Lâm Đồng); “Bạn ơi, nơi đó 40 năm trước, chúng tôi đã từng chiến đấu tuổi đời mới mười chín, đôi mươi, bao đồng đội đã ngã xuống…” (Lương Thế Trung-Trưởng Phòng Giáo dục huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, bạn học cùng lớp đại học với tôi)…

Thành phố Lạng Sơn nhìn từ Chợ Đông Kinh. Ảnh: M.Ð

Thành phố vươn mình sau 40 năm bị tàn phá

Thành phố Lạng Sơn sau 40 năm bị quân Trung Quốc tàn phá nặng nề, giờ là một đô thị sầm uất. Chúng tôi tham quan thành phố theo sự giúp đỡ của các đồng nghiệp Báo Lạng Sơn. Dù đã hàn gắn những vết thương chiến tranh, nhưng đâu đó, những con đường, dãy phố chưa thể phai dấu tích của kẻ thù xâm lược. Chỉ nêu con số này, đủ biết sự khốc liệt nơi mảnh đất biên thùy mức nào: 19.000 quân Trung Quốc cùng 76 xe tăng, thiết giáp và 52 xe quân sự ở Lạng Sơn đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Quân ta phải hi sinh và bị thương 2.578 người. Thành phố bị san phẳng, hoang tàn…

Hôm nay, sau 40 năm, tôi đứng trên tầng 4 của Chợ Đông Kinh. Sông Kì Cùng lung linh nắng, hiền hòa lưu bóng những dãy nhà cao tầng lừng lững như những pháo đài. Những chiếc cầu xây mới nhộn nhịp người qua. Những con đường nhựa bóng “chở” rất nhiều ô tô xuôi ngược. Rất cao, trên Di tích núi Phai Vệ, lá cờ Tổ quốc phần phật kiêu hãnh…

Đoàn văn nghệ sĩ Lâm Đồng và Bộ đội Biên phòng bên cột mốc biên giới 1116. Ảnh: M.Ð

Tổng Biên tập Báo Lạng Sơn Hoàng Đình Hôm chia sẻ với chúng tôi một số thông tin về kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm giai đoạn 2011 - 2017 của tỉnh đạt 8 - 9%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 38,4 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 16,7%, giảm 3% so với năm 2017. Nghị quyết của Tỉnh ủy xác định 5 chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2015 - 2020; trong đó phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (thành lập tháng 10/2008 với diện tích 394 km2 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Đây là vùng kinh tế động lực của tỉnh. Riêng năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 5,25 tỷ USD. Bạn đồng nghiệp Báo Lạng Sơn cũng giới thiệu cho chúng tôi các khu chức năng như Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất… đã và đang hoàn thiện. Với thành phố Lạng Sơn, đã được công nhận đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới. Cuối tháng 4 vừa rồi, thành phố đã triển khai một Dự án lớn về sản xuất rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm, là 1 trong 3 dự án điểm phát triển sản xuất tổng thể của tỉnh…

Tổng Biên tập báo Lạng Sơn khiêm tốn nói: “Tỉnh chúng tôi không mạnh về kinh tế nhưng cũng đứng đầu các tỉnh ở phía Bắc”. Năm 2018, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Lạng Sơn tăng bình quân 13 - 15%/năm, đạt 16.250 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân hằng năm 17,53%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2018 là 5.488,7 tỷ đồng… Nghị quyết tỉnh đặt ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân từ 8 - 9%. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người ở Lạng Sơn đạt khoảng 2.600 - 2.700 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn khoảng 76 - 78 nghìn tỷ đồng… Rời Lạng Sơn, “bác Cả Tiến” - nguyên là Tổng Biên tập Báo Bắc Giang nhận xét với tôi: “Lạng Sơn xứng đáng là tỉnh đầu tầu vùng phên dậu đất nước!”.

Ghi chép: MINH ÐẠO

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/201906/thieng-lieng-phen-dau-lang-son-2952173/