Thiêng liêng Trường Sa

Trường Sa hiện lên trước mắt nhiều người không chỉ là vẻ đẹp hiên ngang, bất khuất giữa trùng khơi

Trường Sa hiện lên trước mắt nhiều người không chỉ là vẻ đẹp hiên ngang, bất khuất giữa trùng khơi, mà còn là những hình ảnh, câu chuyện đầy cảm động, thiêng liêng mà gần gũi

Từ ngày 11 đến 17-5, tàu KN290 xuất phát đưa đoàn đại biểu TP HCM đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1. Chuyến hải trình chở nặng nghĩa tình đất liền đến đảo xa, trong đó có cả tấm lòng của những người mẹ dành cho con đang canh giữ biển trời của Tổ quốc.

Trùng phùng nơi đảo xa

Khi con tàu KN290 xuất phát đi Trường Sa, bà Đào Thị Bình (phường 8, quận Gò Vấp, TP HCM) cứ thấp thỏm đi ra đi vào, đứng tựa lan can, ánh mắt dõi về phía xa. Giây phút đặt chân lên đảo và gặp lại con trai sau bao ngày xa cách, bà Bình vui mừng khôn xiết.

Con trai bà Bình là chiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, 24 tuổi, hiện là khẩu đội trưởng cối 82, đảo Đá Tây, Lữ đoàn 146. Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ TP HCM, Tuấn tham gia quân ngũ và công tác tại đảo Đá Tây từ tháng 12-2024 đến nay.

"Lúc mới ra đảo, thời tiết khắc nghiệt khiến em gặp khó trong việc thích nghi. Thế nhưng, nhờ được cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo quan tâm, động viên nên em từng bước vượt qua và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" - Tuấn chia sẻ.

Giờ đây, Tuấn tự hào là người lính hải quân ngày đêm chắc tay súng bảo vệ biên cương. Tuấn cũng là niềm tự hào của gia đình. Hình ảnh con trai vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió đã khắc sâu vào trái tim bà Đào Thị Bình. Niềm vui ấy càng nhân đôi khi bà chứng kiến cuộc sống của con giữa đảo xa nhưng vẫn đủ đầy, nơi ăn chốn ở khang trang và đầy đủ hơn nhiều so với những gì mà bà hình dung.

Bà Bình cảm kích: "Có được như vậy là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước dành cho cán bộ, chiến sĩ nơi tiền tiêu Tổ quốc. Tôi rất an lòng và mong mỏi con trai vững chí, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ".

Bà Nguyễn Thị Thanh Liên, mẹ ruột binh nhất Nguyễn Thanh Tâm (đang công tác tại đảo Sinh Tồn) cũng rất vui khi gặp được con nơi đầu sóng ngọn gió. Ôm con trai vào lòng, bà Liên nghe con say sưa kể về tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân thắm đượm nơi đảo xa. "Thật xúc động, tự hào khi con trở thành người lính Hải quân. Sóng gió tôi luyện sức trai và tôi tin con mình sẽ vững vàng hơn" - bà Liên bày tỏ.

Chiến sĩ Tâm cho biết anh nhận hai vợ chồng ở đảo làm anh chị kết nghĩa: "Anh chị thường xuyên trò chuyện, hỏi han, động viên em, lâu lâu lại mời sang nhà ăn cơm. Rảnh rỗi, em hay xuống nhà anh chị chơi, phụ việc nhà, chăm sóc vườn rau, chơi đùa với các cháu. Với em, anh chị và các cháu như người thân trong gia đình nên dù xa nhà em vẫn cảm nhận được hơi ấm tình thân, sự bao bọc của anh chị" - Tâm khoe.

Bà Bình và bà Liên là hai người mẹ của chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Trường Sa được mời tham gia trong chuyến hải trình lần này. Với hai bà, được đặt chân đến Trường Sa là một trải nghiệm đáng nhớ, giúp họ hiểu sâu sắc hơn về chủ quyền biển đảo và sự hy sinh của chiến sĩ. Tận mắt thấy con khỏe mạnh, được ôm con vào lòng, được chứng kiến cuộc sống và nhiệm vụ của con đã giúp những người mẹ xua tan mọi lo lắng, vững tâm nơi hậu phương. Tình cảm gia đình thiêng liêng ấy chính là điểm tựa tinh thần vững chắc, giúp các chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và cảm thấy tự hào hơn về con đường mình đã chọn.

Chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn

Chiến sĩ Hải quân làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn

Khó khăn nào cũng vượt qua

Đọng lại trong tâm trí các đại biểu ở chuyến hải trình vượt hơn 2.000 hải lý đến với Trường Sa và nhà giàn DK1 là hình ảnh đẹp về người chiến sĩ hải quân kiên trung, vững chãi nơi đầu sóng ngọn gió. Họ là biểu tượng sống động về ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Khi con tàu KN290 chuẩn bị neo đậu gần các điểm đảo, bất kể ngày hay đêm, thời tiết thuận lợi hay sóng gió, các chiến sĩ luôn có mặt đông đủ, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Họ nhanh nhẹn, phối hợp ăn ý để chuyển hàng hóa từ tàu lên đảo. Từ những thùng hàng lớn chứa vật tư thiết yếu, lương thực, thực phẩm đến những giỏ hoa, gói quà nhỏ bé đều được nâng niu và vận chuyển một cách cẩn thận.

Trên những chiếc xuồng nhỏ nối liền tàu lớn và đảo, hoặc trên cầu cảng, người lính đảo mặc áo phao, đội mũ cối, luôn bảo đảm người và hàng hóa được an toàn. Những cánh tay rắn chắc thoăn thoắt chuyền nhau từng kiện hàng, hỗ trợ dòng người lên đảo. Trong ánh mắt chiến sĩ luôn ánh lên niềm vui, tinh thần lạc quan.

Trung tá - quân nhân chuyên nghiệp Lê Xuân Vũ, nhân viên Phòng Kế hoạch - Tổng hợp thuộc Cục Chính trị Hải quân, cho biết giữa trùng khơi sóng gió, mọi việc di chuyển, ăn ở hay bảo đảm an toàn cho đoàn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Các chiến sĩ luôn có mặt kịp thời để hướng dẫn, giúp đỡ từ những việc nhỏ nhất như sắp xếp hành lý, di chuyển lên xuống tàu, lo nơi ăn, chốn ngủ, cũng như bảo đảm an ninh, y tế. Sự chuyên nghiệp và tận tâm này giúp các đoàn công tác an tâm thực hiện nhiệm vụ, cảm nhận được sự che chở và bảo vệ. Những bữa cơm đầy ắp tình quân dân hay những buổi giao lưu văn nghệ luôn ngập tràn tiếng cười, tất cả đều tạo nên một không khí gắn kết đặc biệt, xóa nhòa mọi khoảng cách.

Chuẩn Đô đốc Lê Bá Quân, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cho biết qua thực tế chuyến đi thăm, chúng ta càng thấy rõ tình cảm, sự quan tâm của nhân dân ở đất liền dành cho quân và dân ở Trường Sa, các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1. Đây là nguồn cổ vũ rất to lớn, động viên cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vượt qua khó khăn, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

"Cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam thấu hiểu sâu sắc sự thiêng liêng của mỗi tấc đảo. Trân trọng và tôn vinh những cống hiến lớn lao của thế hệ đi trước, dù khó khăn, gian khổ đến đâu, chúng tôi luôn đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, hiện đại, góp phần giữ vững hòa bình trên biển, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân" - Chuẩn Đô đốc Lê Bá Quân nhấn mạnh.

Bà Đào Thị Bình hạnh phúc bên con trai - chiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - trên đảo Đá Tây

Bà Đào Thị Bình hạnh phúc bên con trai - chiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - trên đảo Đá Tây

Các thành viên đoàn đại biểu TP HCM được đưa bằng xuồng vào đảo Đá Thị thăm cán bộ, chiến sĩ

Các thành viên đoàn đại biểu TP HCM được đưa bằng xuồng vào đảo Đá Thị thăm cán bộ, chiến sĩ

TP HCM hướng về biển đảo quê hương

Ông Phạm Thành Kiên - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP HCM, Trưởng đoàn đại biểu TP HCM đi thăm Trường Sa và nhà giàn DK1 (đoàn công tác số 21) - cho biết chuyến thăm đã trở thành truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ, đảng viên, cán bộ và nhân dân TP HCM. Đây cũng là nguồn động viên, khích lệ to lớn giúp cán bộ, chiến sĩ cùng nhân dân trên các đảo vượt qua mọi khó khăn, giữ vững tinh thần đoàn kết, kiên cường bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Chuyến thăm cũng giúp người dân TP HCM hiểu rõ hơn về đời sống, sinh hoạt của người dân và chiến sĩ nơi đảo xa; qua đó, tích cực hưởng ứng phong trào "Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc" do Ủy ban MTTQ TP HCM phát động.

Trong chuyến thăm này, đoàn đại biểu TP HCM đã thăm hỏi, động viên và trao tặng nhiều phần quà thiết thực cho chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Tổng giá trị quà tặng và hỗ trợ hơn 32,5 tỉ đồng, trong đó có 26 tỉ đồng TP HCM dành riêng cho công trình "Vì Trường Sa xanh".

Bài và ảnh: Thanh Thảo

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thieng-lieng-truong-sa-19625052521521307.htm