Thiết bị giám sát hành trình sẽ truyền cả âm thanh?
Theo dự thảo thông tư mới của Bộ Công an, thiết bị giám sát hành trình (GSHT) trên xe phải truyền cả âm thanh của tài xế, thay vì chỉ truyền hình ảnh như trước.
Điều này đồng nghĩa, khoảng 200.000 xe ô tô kinh doanh vận tải sẽ phải thay mới thiết bị hoặc nâng cấp.
Phải truyền cả hình ảnh lẫn âm thanh
Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo Thông tư quy định quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (GSHT) và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe ô tô.
Thông tư áp dụng đối với các đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, đơn vị cung cấp dịch vụ GSHT và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thiết bị GSHT và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe của xe ô tô trên toàn quốc.
GSHT là thiết bị được gắn trực tiếp trên xe ô tô, có chức năng truyền tải về hành trình, tốc độ, thông tin lái xe, thời gian dừng đỗ của xe.
Còn thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe sẽ gắn trực tiếp bên trong buồng lái xe, ghi nhận video, hình ảnh, âm thanh có liên quan đến người lái xe và truyền về máy chủ.
Điều này đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp phải truyền cả âm thanh của tài xế, thay vì chỉ hình ảnh từ camera gắn trên xe như trước đây.
Là đơn vị cung cấp thiết bị GSHT, ông Lê Sơn, Giám đốc Công ty Toàn Cầu cho biết, nếu quy định tại dự thảo thông tư được áp dụng, khoảng 200.000 xe ô tô kinh doanh vận tải phải thay mới thiết bị hoặc phải nâng cấp bổ sung.
Cần trung tâm tiếp nhận dữ liệu dung lượng lớn
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chi hội trưởng Chi hội Giám sát hành trình cho hay, chức năng ghi âm phục vụ nhiều cho việc nâng cao chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.
Ví dụ, khi xảy ra tranh cãi giữa tài xế và hành khách, qua ghi âm sẽ biết được bên nào sai. Nếu chỉ có hình ảnh, sự việc tranh cãi sẽ chỉ như "kịch câm", không biết ai sai, ai đúng để xử lý.
"Tuy nhiên, trong quy chuẩn thiết bị GSHT hiện hành không có yêu cầu ghi âm thanh nên hầu hết thiết bị đã lắp trên xe kinh doanh vận tải không có tính năng này. Nếu quy định được áp dụng, doanh nghiệp vận tải sẽ phải thay thiết bị đã lắp", ông Giang nói.
Ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, để thực hiện quy định trên, một ô tô có thể phải lắp camera mới khoảng 5,8 triệu đồng và thêm 1,2 triệu đồng chi phí truyền dữ liệu.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, việc truyền dữ liệu hình ảnh với tần suất cao, chi phí sẽ rất lớn.
Bên cạnh đó, cần có trung tâm tích hợp dữ liệu với dung lượng lớn mới đáp ứng yêu cầu. Thực tế cho thấy, với quy định từ 3-5 phút truyền một hình ảnh, nhiều năm qua chúng ta cũng chưa hình thành được trung tâm tích hợp.
Cơ quan có thẩm quyền đã ban hành quy chuẩn về thiết bị GSHT và tiêu chuẩn camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải.
Quá trình xây dựng và ban hành các quy chuẩn và tiêu chuẩn này đều được lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan, đối tượng chịu tác động; căn cứ trên yêu cầu quản lý vận tải, quản lý ATGT. Do vậy, khi có sự thay đổi, cần đánh giá tổng kết để điều chỉnh phù hợp.
Thêm chi phí mua dung lượng đường truyền
Tìm hiểu của PV, dự thảo thông tư cũng quy định, dữ liệu từ thiết bị GSHT, dữ liệu hình ảnh người lái xe phải được truyền về máy chủ dịch vụ với tần suất không quá 30 giây/lần khi xe chạy và không quá 15 phút/lần khi xe không hoạt động (dừng đỗ để nghỉ, xe chờ xếp khách tại các bến xe đối với tuyến cố định).
Trong khi đó, theo Nghị định 47/2022 sửa đổi Nghị định 10/2020 về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, camera được lắp đặt trên xe kinh doanh vận tải phải ghi, lưu trữ hình ảnh theo quy định.
Hình ảnh từ camera lắp trên xe phải được truyền với tần suất truyền từ 12 - 20 lần/h (tương đương từ 3 - 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về cơ quan quản lý có thẩm quyền.
Theo ông Lê Sơn, nếu tần suất truyền hình ảnh 30 giây/ảnh, dữ liệu đường truyền và lưu trữ gấp 10 lần.
Ông Nguyễn Trường Giang cho rằng, yêu cầu tăng tần suất truyền hình ảnh có thể giúp kiểm soát thời gian lái xe liên tục, tọa độ xe chạy để phân tích vi phạm tốc độ theo từng cung đường.
Tuy nhiên, với thời gian 30 giây truyền hình ảnh một lần, doanh nghiệp phải mất thêm chi phí mua gói có dung lượng và băng thông lớn mới đáp ứng được tốc độ truyền.
Nhà cung cấp thiết bị GSHT cũng sẽ phải nâng cấp hệ thống tiếp nhận dữ liệu và thu thêm phí đối với doanh nghiệp vận tải.
Quan trọng hơn, với lượng dữ liệu hình ảnh truyền về của 200.000 xe với tần suất dưới 30 giây/hình ảnh, cơ quan quản lý sẽ phải chi nguồn kinh phí không nhỏ xây dựng trung tâm tiếp nhận dữ liệu đủ băng thông để đáp ứng được yêu cầu lưu trữ.
Công an cấp tỉnh sẽ khai thác, quản lý dữ liệu
Theo dự thảo thông tư, Cục CSGT sẽ quản lý hệ thống thông tin thống nhất trong phạm vi cả nước, tổng hợp dữ liệu đầu vào được truyền về từ đơn vị kinh doanh vận tải hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ để phân tích theo các chỉ tiêu: tổng số lần và hành vi vi phạm của từng xe theo ngày, tháng, năm; tổng số lần vi phạm của xe theo từng hành vi vi phạm; tổng số lần vi phạm/1.000km của từng xe, từng đơn vị kinh doanh vận tải và từng sở GTVT.
Công an cấp tỉnh thực hiện việc khai thác, quản lý dữ liệu về biển số xe, trọng tải xe, tên đơn vị kinh doanh vận tải và các dữ liệu vi phạm về hành trình, tốc độ xe chạy, thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày của từng đơn vị kinh doanh vận tải.
Cục CSGT và công an các tỉnh thực hiện việc chia sẻ dữ liệu định danh và dữ liệu GSHT, dữ liệu hình ảnh người lái xe theo phân cấp cho Cục Đường bộ VN, sở GTVT và các đơn vị cung cấp dịch vụ được ủy quyền.
Dữ liệu từ thiết bị GSHT hiện chưa được dùng để xử phạt
Theo Nghị định 10/2020, trước ngày 1/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông.
Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Theo đánh giá, kể từ khi đưa vào sử dụng khai thác thiết bị GSHT, góp phần giảm tỷ lệ tai nạn giao thông, tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000km giảm mạnh.
Năm 2015 tỷ lệ này là 11,5 lần/1.000km, đến năm 2022 giảm xuống còn 0,75 lần/1.000km, giảm 15 lần so với năm 2015.
Tuy nhiên, quá trình sử dung thiết bị này cũng cho thấy, dữ liệu hiện nay chỉ để tra cứu, nhắc nhở và thống kê, chưa được dùng để xử phạt vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, hệ thống hiện nay còn nhiều bất cập, muốn kiểm tra xe vi phạm phải làm thủ công, chưa tự động trích lọc xe vi phạm.