Thiết bị mô phỏng đài điều khiển tên lửa C125-2TM
Tổ hợp tên lửa C125-2TM được cải tiến từ khí tài tên lửa C125 (Pechora), có tính năng ưu việt hơn so với khí tài cũ, nhất là khả năng cơ động, thời gian triển khai, thu hồi nhanh; bắt, bám mục tiêu chính xác; khả năng chống nhiễu phức tạp; khu vực sát thương mở rộng; hệ thống điều khiển được số hóa...
Hiện nay, loại khí tài cải tiến này được trang bị cho các sư đoàn phòng không thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ).
Để góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, vận hành và làm chủ thuần thục tổ hợp tên lửa C125-2TM, Thiếu tá Chu Văn Hiệp và Trung tá Phạm Đức Thỏa công tác tại Viện Tên lửa (Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng) cùng các cộng sự đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công “Thiết bị mô phỏng huấn luyện kíp chiến đấu cabin УНК đài điều khiển tên lửa phòng không C125-2TM”.
Theo Trung tá Phạm Đức Thỏa, tổ hợp tên lửa C125-2TM là loại khí tài được trang bị cho nhiều đơn vị và được đưa vào chương trình giảng dạy ở Học viện PK-KQ, Học viện Kỹ thuật Quân sự, bởi vậy, cần có thiết bị mô phỏng dạng bán tự nhiên để tổ chức huấn luyện và học tập.
Sau khi được Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ phê duyệt đề án, nhóm nghiên cứu đến Trung đoàn 250, Sư đoàn 361 (Quân chủng PK-KQ) tìm hiểu, nghiên cứu về cấu tạo, chức năng, những đặc tính về kỹ thuật, chiến thuật... đưa ra phương án, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn để thiết kế, chế tạo thiết bị mô phỏng huấn luyện kíp chiến đấu cabin УНК đài điều khiển tên lửa phòng không C125-2TM.
Sau gần một năm tìm tòi, nghiên cứu và chế tạo, năm 2020, thiết bị được kíp chiến đấu Tiểu đoàn 151, Trung đoàn 250 thử nghiệm, đáp ứng tính năng, kỹ thuật như khí tài thật. Quá trình thiết kế, chế tạo, nhóm nghiên cứu tuân theo các quy trình chặt chẽ; luôn bám sát các yêu cầu kỹ thuật và điều kiện nghiệm thu của đơn vị sử dụng trực tiếp là Quân chủng PK-KQ, làm cơ sở cho kiểm soát chất lượng và nghiệm thu thiết bị sau khi chế tạo.
Điểm nổi bật của thiết bị là đã mô phỏng được toàn bộ các bài kiểm tra chức năng rút gọn, mở rộng với các thao tác, tính toán, hiển thị. Chế độ luyện tập chiến đấu tại chỗ, xây dựng toàn bộ quá trình hoạt động của đài điều khiển YHK-2TM từ tạo giả chuyển động mục tiêu, đến tín hiệu mục tiêu, tên lửa, nhiễu thu về từ anten. Mô phỏng quá trình luyện tập kíp bắt, bám, tiêu diệt mục tiêu, đánh giá sai số bám, đánh giá kết quả bắn và kiểm tra các trắc thủ góc tà, cự ly, phương vị...
Việc nghiên cứu, chế tạo thành công thiết bị mô phỏng huấn luyện kíp chiến đấu cabin УНК đài điều khiển tên lửa phòng không C125-2TM đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng ở những đơn vị có khí tài tên lửa này và các học viện, nhà trường. Trước hết, khẳng định khả năng làm chủ công nghệ để chế tạo mô phỏng bán tự nhiên phù hợp với điều kiện trong nước, không phụ thuộc vào vật tư, linh kiện nhập ngoại với giá đắt đỏ.
Thiết bị có các chức năng như khí tài thật, giúp cho công tác huấn luyện tại các đơn vị được tiến hành thuận tiện, dễ dàng ở mọi lúc, mọi nơi mà không phải triển khai khí tài ra trận địa, qua đó, giúp giảm hao mòn máy móc, thiết bị, nâng cao tuổi thọ và độ bền của khí tài; đồng thời tiết kiệm lượng lớn nhiên liệu, điện năng và nhân lực phục vụ công tác huấn luyện. Ngoài ra, với mô phỏng bán tự nhiên này, giúp học viên ở các học viện, nhà trường được học tập và huấn luyện trực quan như đang thực hành trên khí tài thật, không phải đi thực tế đơn vị để nghiên cứu, tìm hiểu.
Thiết bị mô phỏng huấn luyện kíp chiến đấu cabin УНК đài điều khiển tên lửa phòng không C125-2TM đoạt giải nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020; được hội đồng khoa học cấp Bộ Quốc phòng nghiệm thu và đánh giá cao. Mô phỏng này cũng đã được đưa vào giảng dạy cho cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự.
Theo đại diện nhóm tác giả, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện bộ tài liệu đầy đủ, chi tiết về thiết kế, công nghệ chế tạo và bộ phần mềm lập trình cho thiết bị; báo cáo các cấp để tới đây sản xuất đồng loạt, bàn giao cho các đơn vị hỏa lực được biên chế khí tài tên lửa phòng không C125-2TM và các học viện, nhà trường phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, giảng dạy.