Thiết bị tiền tỷ ở bệnh viện sẽ hết cảnh 'đắp chiếu'

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), vui mừng chia sẻ: 'Nhờ quy định mới, các dụng cụ, thiết bị trong hệ thống máy ECMO khoảng 10 ngày nữa sẽ được cung cấp cho viện'.

Lời tòa soạn

Nhận định được thực tế bất cập và những khó khăn của các bệnh viện trên cả nước, đặc biệt là các bệnh viện lớn, khi xây dựng giá đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, trong 2 ngày liên tiếp (3-4/3), Chính phủ đã ban hành hai văn bản quan trọng: Nghị định 07 và Nghị quyết 30.

Những điểm mới trong hai văn bản này sẽ giúp tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, khó khăn tại các bệnh viện, đồng thời tạo đà để các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của hai văn bản quan trọng này, VietNamNet xin đăng tải tuyến bài "Nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn cho ngành y tế".

Đối với các bác sĩ, đặc biệt là chuyên khoa cấp cứu, hồi sức tích cực, ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) được xem là “vị cứu tinh” cuối cùng, hiện đại nhất đối với ca bệnh nặng. Điều đó có nghĩa là nếu không có ECMO, những người bệnh này sẽ không qua khỏi.

Với 6 máy ECMO, mỗi năm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cứu sống rất nhiều người “ngấp nghé cửa tử”.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), các bác sĩ cũng vừa cứu sống một bệnh nhi 11 tuổi nhờ kỹ thuật này. Cô bé ngụ tại tỉnh Bình Dương nhập viện sau 3 ngày ốm đã rơi vào tình trạng nguy kịch vì sốc tim, rối loạn nhịp, viêm cơ tim tối cấp. Nếu không có hệ thống ECMO, gần như 100% trẻ viêm cơ tim tối cấp sẽ tử vong.

Để vận hành hệ thống ECMO, bệnh viện bắt buộc phải có dụng cụ, vật tư được cung cấp bởi chính hãng sản xuất máy. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết thời gian qua, cơ sở y tế này không thể nhập vật liệu cho một trong 2 loại máy ECMO của viện do giấy phép nhập khẩu hết hạn.

Một thực tế tương tự cũng diễn ra tại Hà Nội. Trong vận hành hệ thống ECMO, quả lọc máu có vai trò rất quan trọng. Mỗi quả chỉ có độ bền khoảng 7 ngày. Một số bệnh nhân phải lọc máu kéo dài “ngốn” rất nhiều quả lọc, chưa kể việc hư hỏng do lỗi kỹ thuật hoặc trong quá trình sử dụng.

Tuy nhiên, cách đây vài tháng, một số quả lọc trong hệ thống ECMO của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã hết hạn đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu. Do đó, dù sẵn có quả lọc, bác sĩ cũng không thể sử dụng.

Theo quy định cũ, vướng mắc liên quan đến việc gia hạn giấy phép nhập khẩu khiến một số hệ thống máy ECMO buộc phải “đắp chiếu”.

Bệnh nhân lọc máu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chiều 6/3. Ảnh: Võ Thu

Bệnh nhân lọc máu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chiều 6/3. Ảnh: Võ Thu

Với Nghị định 07 của Chính phủ ban hành ngày 3/3, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế cấp từ năm 2018 đến năm 2021 được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2024. Ngay lập tức, khó khăn này được hóa giải.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến vui mừng chia sẻ: “Nhờ việc gia hạn giấy phép nhập khẩu, các dụng cụ, thiết bị trong hệ thống máy ECMO khoảng 10 này nữa sẽ được cung cấp cho bệnh viện”.

Tình huống này chỉ là một trong rất nhiều điểm nghẽn sẽ dần được tháo gỡ khi Nghị quyết 07 và Nghị định 30 của Chính phủ đi vào thực tiễn cuộc sống.

Cơ hội dùng những thiết bị 'đặc chủng' lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam

Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp cho biết một số mặt hàng vật tư, thiết bị trúng thầu, hãng sản xuất có hàng, nhưng giấy phép lưu hành của thiết bị hết hạn, nghĩa là không được lưu thông trên thị trường, theo nguyên tắc, bệnh viện không thể chấm trúng thầu. Do đó, các quy định mới trong Nghị quyết 30 và Nghị định 07 đã đưa ra nhiều thuận lợi cho bác sĩ và lợi ích cho người dân.

Ví dụ, cách đây hơn 2 năm, một bệnh viện tuyến Trung ương được tổ chức nước ngoài tặng 2 dàn máy thực hiện xét nghiệm sinh hóa và miễn dịch. Máy thứ nhất đã được xác lập sở hữu toàn dân, bệnh viện đưa vào sử dụng, nhanh chóng chạy vượt công suất do nhu cầu quá nhiều.

Vướng mắc xảy ra khi bệnh viện muốn đưa dàn máy thứ 2 vào hoạt động để chia sẻ công suất cho máy 1. Là thiết bị “đặc chủng”, lần đầu tiên được đưa vào Việt Nam, dàn máy này cần hóa chất riêng, độc quyền. Vì thế, bệnh viện không có đủ 3 báo giá, cũng không thể tham khảo giá từ bệnh viện khác từng đấu thầu được loại hóa chất dùng cho dàn máy này. Dàn máy hiện đại đành “đắp chiếu” trong suốt 2 năm qua.

Với những điểm mới trong Nghị quyết 30, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ nhận định bệnh viện được lấy báo giá trực tiếp từ nhà phân phối khi mua máy độc quyền, thay vì phải đợi 3 báo giá. Điều này giúp những trang thiết bị đang “đắp chiếu” do hỏng hóc, không mua được linh kiện sửa chữa (vốn do hãng độc quyền), có thể được vận hành lại, đưa vào phục vụ khám, chữa bệnh.

Cơ chế này cũng giúp các bệnh viện đầu ngành cả nước như Bạch Mai, Việt Đức, K, Chợ Rẫy... được triển khai và nâng tầm các kỹ thuật tiên tiến do có thể mua được các thiết bị rất quan trọng, chuyên sâu, lần đầu tiên vào Việt Nam mà chỉ có một nhà cung cấp, một báo giá.

Thêm nhiều quyền lợi chi trả BHYT cho bệnh nhân

Theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, hai văn bản mới của Chính phủ không chỉ tạo thuận lợi cho bác sĩ khi hành nghề mà còn đem đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân. “Thầy thuốc triển khai được nhiều kỹ thuật cao, còn bệnh nhân được hưởng nhiều quyền lợi bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả trước đây không có”, ông nói.

Nghị quyết 30 cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế được biếu, tặng, viện trợ… nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân để khám chữa bệnh. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này được quỹ BHYT thanh toán.

Nhiều thiết bị y tế hỏng hóc, 'đắp chiếu' sẽ được các viện sửa chữa, đem vào hoạt động trở lại khi hai văn bản mới của Chính phủ đi vào thực tiễn. Ảnh: Thế Sơn

Nhiều thiết bị y tế hỏng hóc, 'đắp chiếu' sẽ được các viện sửa chữa, đem vào hoạt động trở lại khi hai văn bản mới của Chính phủ đi vào thực tiễn. Ảnh: Thế Sơn

Trước đây, về mặt lý thuyết, một trang thiết bị y tế được tặng nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân, các bệnh viện không được phép sử dụng, vì thế không thể đấu thầu hóa chất cho máy. Trong trường hợp nếu đã đấu thầu thành công hóa chất sử dụng cho máy, việc sử dụng máy này được nhiều bệnh viện thực hiện linh hoạt, trong tình huống cấp bách.

Ví dụ, tình huống tại một bệnh viện lớn cách đây 2 năm được tặng một máy siêu âm - thiết bị không gây xâm lấn, không gây nguy hại. Do không cần dùng hóa chất “đóng” (hóa chất đi theo máy), vì thế máy này có thể dùng “ké” gel siêu âm của máy khác.

Tuy nhiên, BHYT không thanh toán các dịch vụ y tế từ máy siêu âm này. Do đó, bệnh viện phải miễn phí dịch vụ siêu âm cho bệnh nhân từ máy đó. "Chính vì thế, đa số trường hợp tương tự như vậy, lựa chọn của các bác sĩ, bệnh viện là để máy lưu kho", ông Cấp cho biết.

Như vậy, Nghị quyết 30 đã mở ra những quyền lợi cho người dân, đồng thời gỡ khó cho bệnh viện, tránh tình huống bệnh viện có nhu cầu sử dụng máy nhưng máy phải 'lưu kho', gây lãng phí.

Một vấn đề được nhiều bệnh viện tâm đắc trong Nghị quyết 30 là kéo dài thời gian thanh toán BHYT với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp (thường gọi là máy mượn, máy đặt) sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu.

Trong nhiều năm nay, tại các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là các bệnh viện lớn trực thuộc Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng các máy liên doanh, liên kết, máy xã hội hóa chiếm rất cao (khoảng 70-80%, thậm chí có bệnh viện sử dụng các loại máy theo hình thức này đến 90%). Khi nguồn lực để các bệnh viện mua sắm mới các loại máy hiện đại rất khó khăn, hình thức máy mượn, máy đặt được không ít bác sĩ coi là “bài toán kinh tế dễ chịu” cho cả bệnh nhân, cơ sở y tế.

Một điểm mới khác của Nghị quyết 30 đem lại nhiều quyền lợi cho bệnh nhân, bác sĩ, là sau khi trúng thầu hóa chất theo máy đóng (hóa chất chỉ sử dụng được với máy đó), nhà sản xuất sẽ đưa máy vào cơ sở khám chữa bệnh thực hiện theo hóa chất đó. Nếu cơ sở khám chữa bệnh đã có máy mà trúng thầu hóa chất của máy đó thì được tiếp tục sử dụng, còn nếu không trúng thầu thì đưa máy về.

Nghị quyết cần được cụ thể hóa bằng hướng dẫn chi tiết

Mặc dù quy định mới đã thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn của ngành y tế. Tuy nhiên, nghị định, nghị quyết này cần được cụ thể hóa bằng những hướng dẫn chi tiết, công khai, minh bạch của Bộ Y tế để giải quyết những tình huống có thể phát sinh trong quá trình thực hiện đấu thầu, mua sắm TTBYT, giúp bác sĩ yên tâm hành nghề.

Kỳ 3: Giải pháp giúp nghị quyết đi vào thực tiễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thiet-bi-tien-ty-o-benh-vien-se-het-canh-dap-chieu-2117721.html