Thiệt hại kinh tế do biến đổi khí hậu
Ước tính, từ nay đến năm 2100, Ấn Độ có thể mất 3%-10% GDP hàng năm do tác động của biến đổi khí hậu.
Kết quả báo cáo của Viện Phát triển hải ngoại (ODI), một cơ quan nghiên cứu toàn cầu có trụ sở tại London, Anh, đã cho thấy những đánh giá về thiệt hại kinh tế bắt nguồn từ các rủi ro liên quan đến khí hậu ở Ấn Độ, trong đó lưu ý đến nguy cơ gia tăng bất bình đẳng và đói nghèo. Ước tính, từ nay đến năm 2100, Ấn Độ có thể mất 3%-10% GDP hàng năm do tác động của biến đổi khí hậu.
Ấn Độ đang phải gánh chịu những hậu quả từ việc Trái đất ấm lên 1°C. Các đợt nắng nóng cực đoan, mưa lớn, lũ lụt nghiêm trọng, các cơn bão thảm khốc và mực nước biển dâng cao đang gây thiệt hại cho đời sống, sinh kế và tài sản khắp nước này. Nếu nhiệt độ Trái đất tăng trong khoảng 2°C, hàng năm Ấn Độ sẽ mất 2,6% GDP; mất 10% GDP nếu nhiệt độ tăng thêm 3°C và trong trường hợp tăng hơn 4°C, mức thiệt hại sẽ là 13,4% GDP do suy giảm về năng suất lao động bắt nguồn từ những thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa.
Theo báo cáo trên, tuy Ấn Độ tiến bộ nhanh chóng khi thu nhập và mức sống trong 30 năm qua được nâng cao, nhưng nếu không có hành động giảm phát thải khí nhà kính nhanh chóng, biến đổi khí hậu có thể đảo ngược những thành tựu phát triển của Ấn Độ, như làm chậm tốc độ giảm đói nghèo và gia tăng nguy cơ bất bình đẳng. Ví dụ, tác động kết hợp của việc giá ngũ cốc tăng, lương thực trong khu vực nông nghiệp giảm và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn do biến đổi khí hậu có thể làm tăng tỷ lệ đói nghèo ở Ấn Độ thêm 3,5% vào năm 2040. Con số này tương đương với việc có nhiều hơn 50 triệu người nghèo vào thời điểm đó. Dù người dân thành thị lẫn nông thôn đều chịu tác động của việc tăng giá ngũ cốc, nhưng người dân các vùng nông thôn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Nhận định về tác động môi trường liên quan đến hoạt động phát triển kinh tế, chuyên gia kinh tế Rathin Roy, Giám đốc Nghiên cứu và chính sách tại ODI, cho rằng việc theo đuổi quá trình phát triển tạo ra ít carbon có thể làm giảm thiểu những thiệt hại tiềm tàng và mang lại các lợi thế kinh tế khác. Điều này giúp đảm bảo thịnh vượng cũng như khả năng cạnh tranh của Ấn Độ trong dài hạn. Các lựa chọn carbon thấp hơn sẽ mang lại hiệu quả cao và ít gây ô nhiễm hơn, tạo ra những lợi ích tức thì như không khí sạch hơn, an ninh năng lượng lớn hơn và tạo việc làm nhanh chóng.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/thiet-hai-kinh-te-do-bien-doi-khi-hau-738269.html